Hội thảo khoa học giới thiệu, kết quả nghiên cứu đề tài “Tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách an toàn hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”

24/10/2019
Ngày 24/10/2019, Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo Khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách an toàn hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Vụ, Cục NHNN, đại diện một số ngân hàng thương mạị, một số đơn vị nghiên cứu.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học
Phát biểu khai mạc Hội thảo Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 với những hệ lụy đã buộc các tổ chức quốc tế, các cơ quan hoạch định phải đánh giá lại các chính sách kinh tế vĩ mô hiện hành. Sau khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách đã tập trung hơn vào các chính sách an toàn nhằm ngăn ngừa rủi ro hệ thống và hấp thụ các cú sốc đối với khu vực tài chính-ngân hàng.
Đối với Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ thì việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách an toàn càng cần được quan tâm để đảm bảo kiểm soát lạm phát hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô. “Với mục đích đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào áp dụng trong thực tiễn, phổ biến rộng rãi đến các đối tượng liên quan, Viện Chiến lược Ngân hàng phối hợp nhóm nghiên cứu tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả Đề tài”, bà Hiền nói.
Đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo
Trình bày các nội dung chính của đề tài Tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách an toàn hoạt động ngân hàng tại Việt NamTS.Nguyễn Phi Lân Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Chủ nhiệm đề tài cho biết, chính sách an toàn hoạt động ngân hàng là một chính sách điều hành thận trọng hướng đến sự lành mạnh, an toàn của từng định chế ngân hàng riêng lẻ nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung cũng như mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà đầu tư/người gửi tiền. Có hai cấp độ của chính sách đảm bảo an toàn đối với hệ thống ngân hàng: Thứ nhất, là chính sách an toàn vi mô (microprudential policy): hướng đến mục tiêu kiểm soát các rủi ro mang tính đặc thù mà từng ngân hàng có thể gặp phải nhằm bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và các nhà đầu tư. Thứ hai, chính sách an toàn vĩ mô (macroprudential policy): Hướng mục tiêu vào việc kiểm soát các rủi ro mang tính hệ thống (systemic risks) của toàn bộ hệ thống tài chính, ngân hàng, qua đó nhằm giảm thiểu các thất bại có thể xảy ra trên một phạm vi rộng lớn hơn của toàn hệ thống.
TS. Nguyễn Phi Lân Chủ nhiệm đề tài trình bày các nội dung chính của đề tài tại Hội thảo khoa học
Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Phi Lân cho biết về khuôn khổ chính sách an toàn hoạt động ngân hàng. Ủy ban Giám sát ngân hàng (Basel) đưa ra các quy định về nguyên tắc và quy định, quy chế về giám sát an toàn hoạt động ngân hàng mà hiện nay đã trở thành những chuẩn mực chung được các cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý và giám sát ngân hàng nghiên cứu, áp dụng trong việc xây dựng khuôn khổ chính sách an toàn hoạt động tại quốc gia mình. Các quy định về giám sát ngân hàng (Basel I, Basel II, Basel III). Các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng: 29 nguyên tắc.
Đề cập đến tính cần thiết của sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách an toàn hoạt động ngân hàng chủ nhiệm đề tài cho rằng, thứ nhất, do quá trình thực thi chính sách tiền tệ luôn có những tác động lên sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Thậm chí khu vực ngân hàng thường có những phản ứng nhanh nhậy trước cả khu vực sản xuất khi chính sách tiền tệ thay đổi. thứ hai, nhiệm vụ giám sát tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng thường được giao cho nhiều cơ quan phụ trách khác nhau, trong khi tính tương tác giữa các khu vực trong hệ thống tài chính lại rất chặt chẽ.
Thứ ba là các công cụ giám sát ngân hàng thường được chia sẻ hoặc thậm chí được sử dụng chung giữa các cơ quan thực thi chính sách tiền tệ và giám sát tài chính.
Tiếp đến là trong một số cơ quan thực thi chính sách tiền tệ trên thế giới có chức năng giám sát an toàn vĩ mô, trong khi giám sát an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô lại có sự giao thoa lẫn nhau, nên sự phối hợp sẽ giúp tăng tính hiệu quả của các mô thức giám sát.
Cuối cùng là giữa các mục tiêu của chính sách tiền tệ và mục tiêu ổn định và an toàn ngân hàng không phải lúc nào cũng tương thích, thậm chí trong nhiều trường hợp lại có sự xung đột, chính vì vậy, một sự phối hợp hiệu quả sẽ giúp tìm thấy điểm cân bằng giữa các mục tiêu chính sách.
Đề tài cũng đề cập đến thực trạng phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách an toàn hoạt động ngân hàng tại Việt Nam,TS.Nguyễn Phi Lân cho biết, cơ chế thông qua các Chỉ thị của Thống đốc NHNN về thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và các vấn đề quan trọng khác của ngành ngân hàng; Cơ chế phối hợp khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách tiền tệ và về chính sách an toàn hoạt động ngân hàng; Cơ chế phối hợp trong hoạt động giám sát ngân hàng giữa các đơn vị trong NHNN; Cơ chế chia sẻ thông tin, các báo cáo đánh giá, giám sát. An toàn hoạt động ngân hàng hỗ trợ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Công cụ chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (tăng hệ số CAR; quy định chặt cấu phần vốn tự có; giới hạn góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng; tăng RW ngành có rủi ro cao; tăng cường khả năng thanh khoản, chi trả…). Công cụ phát hiện, cảnh báo, ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng ngân hàng.
Chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách an toàn hoạt động ngân hàng trong bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Thực thi chính sách lãi suất mạnh; Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng; Chính sách tỷ giá và quản lý ngoại tệ hỗ trợ kiểm soát lạm phát và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho TCTD.
Phát biểu tại Hội thảo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, các tương tác giữa chính sách quản lý kinh tế vĩ mô nói chung, chính sách tiền tệ nói riêng với chính sách an toàn ngày càng dành được sự quan tâm của các Chính phủ. Việc kiểm soát các biến số của nền kinh tế thuộc chức trách của các nhà thực thi chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, chính sách tiền tệ nói riêng, trong khi việc giám sát tài chính ngân hàng lại thường được giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách. Và như vậy, sự hợp tác, phối hợp giữa cơ quan chịu trách nhiệm thực thi chính sách tiền tệ với cơ quan phụ trách giám sát an toàn tài chính - ngân hàng là vô cùng quan trọng. Mục tiêu của sự phối hợp không chỉ nhằm giám sát tốt hơn hệ thống tài chính - ngân hàng mà còn giúp các cơ quan quản lý chủ động hơn trong việc thực thi chính sách tiền tệ và đích đến cuối cùng của sự phối hợp này là sự tăng trưởng bền vững và có năng suất của khu vực sản xuất đi cùng với một hệ thống tài chính - ngân hàng ổn định, lành mạnh và hiệu quả.
NQ

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??