Xây dựng nông thôn mới khai thác dược sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị
19/10/2019
Sáng 19/10 tại tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tới nay sau 10 năm triển khai thực hiện, cả
nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh,
thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà
Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị
cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ
công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; chương trình hoàn thành trước gần 2 năm so
với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị
Tham dự hội nghị có nguyên Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban
Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung
ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021; các đồng chí Bộ
trưởng, lãnh đạo của các Ủy ban của Quốc hội; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND
của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các nhà khoa học; các điển hình
tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới...
Huy động sức mạnh to lớn, toàn diện
để chuyển biến vùng nông thôn
Ngay từ giữa năm 2019, Nam Định là
một trong hai địa phương (cùng với Đồng Nai) dẫn đầu cả nước trong xây dựng
nông thôn mới với 100% số xã và huyện đạt các tiêu chuẩn nông thôn mới. Trước
đó vào năm 2015, huyện Hải Hậu của địa phương này là huyện thứ 4 của cả nước
đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, với truyền
thống “Mỹ tục khả phong” “Thiện tục khả phong” được các triều đại phong kiến
ban, trong thời đại Hồ Chí Minh, Hải Hậu (Nam Định) luôn là ngọn cờ đầu trong
xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Từ năm 1978 đã được Bộ VHTT công nhận là “điển
hình văn hóa cấp huyện của cả nước” và liên tiếp những năm sau đó, cho đến năm
1998 được công nhận 20 năm liền là mô hình điển hình văn hóa cấp huyện.
Để đi tới hội nghị tổng kết toàn
quốc hôm nay, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ
chức 4 hội nghị tổng kết ở các vùng trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu
quốc gia nêu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt
nguồn từ Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương
khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đề ra mục tiêu "Xây dựng
nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và
các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh
công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản
sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ;
hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường".
Phó
Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị
Để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ
Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo "xây dựng thí điểm mô hình nông thôn
mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ban Bí thư đã
thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng
thí điểm mô hình nông thôn mới, giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực
hiện. Đề án đã lựa chọn 11 xã điểm tại 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các
vùng khác nhau của đất nước để tổ chức triển khai thực hiện.
Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã
ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đồng thời, phát động Phong
trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tuyên truyền, vận
động, huy động các cấp, các ngành, các thành phần trong xã hội và nhân dân cả
nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, khuôn khổ pháp luật
từng bước được hoàn thiện với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tạo thuận lợi
trong triển khai thực hiện. Tới nay sau 10 năm triển khai thực hiện, cả nước đã
có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố
đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng
Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện
của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận
đạt chuẩn nông thôn mới; chương trình hoàn thành trước gần 2 năm so với chỉ
tiêu Đảng, Quốc hội giao.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị
các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tập trung nghiên
cứu, thảo luận để làm rõ năm vấn đề. Một là, đánh giá những thành tựu, kết quả
nổi bật của chương trình trong thời gian vừa qua, nhất là nhìn nhận, đánh giá
lại công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
từ Trung ương đến cơ sở.
Hai là, đánh giá vai trò và sáng tạo
của người dân; kinh nghiệm tuyên truyền, vận động thu hút, lôi cuốn người dân,
giúp người dân thấy được quyền và lợi ích chính đáng của mình, từ đó sẵn sàng
chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ba là, chỉ ra những bài học kinh
nghiệm thành công cùng như những tồn tại, hạn chế, những bất cập để phục vụ tốt
hơn cho công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới những năm tiếp theo…
Bốn là, nghiên cứu ban hành khung
khổ pháp lý để triển khai chương trình và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, hoàn
thiện cơ chế, chính sách, tiêu chí, các văn bản hướng dẫn để triển khai xây
dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.
Cuối cùng là, đề xuất các giải pháp,
cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn, thiết thực và
hiệu quả hơn, để phát triển nông thôn hài hòa, hướng tới chăm lo đời sống vật
chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn, trong đó tập trung vào xây
dựng khung khổ chính sách cho xây dựng nông thôn mới của cả nước giai đoạn
2021-2025 và định hướng đến 2030; lựa chọn các nội dung để đưa vào văn kiện Đại
hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng các cấp.
Trong thành công của Chương trình
xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 có sự đóng góp, hỗ trợ rất quan trọng của
ngành Ngân hàng. Trong những năm qua, triển khai các chủ trương của Đảng,
chương trình hành động của Chính phủ và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về
Chương trình MTQG xây dựng NTM, NHNN đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban
hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng
thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực
tam nông, như: Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh
vực nông nghiệp, nông thôn (hiện nay tối đa là 6,5%/năm); thực hiện chính sách
hỗ trợ về nguồn vốn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách
tiền tệ như: tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ
lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; chỉ đạo các TCTD từng bước
cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và
trình độ của người dân khu vực nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch
vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân…
Trong
thành công của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 có sự đóng góp, hỗ
trợ rất quan trọng của ngành Ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN đã có nhiều giải pháp
nhằm khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các
khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã
hội như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và một
số tổ chức chính trị - xã hội khác để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu
quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử
dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Dư nợ cho vay xây dựng NTM tăng
trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng
24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc). Tính đến 30/6/2019, dư
nợ cho vay trên địa bàn các xã trong toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10
triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm
2010. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng 48,6% giai đoạn 2010-2015 và
ước đạt tỷ trọng trên 50% giai đoạn 2016-2020 trong tổng nguồn vốn huy động
thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.
Chương trình rất trúng, rất đúng, đi
vào lòng người
Phát biểu kết luận Hội nghị Toàn
quốc tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn
2010 – 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện số dân sống ở nông thôn
rất lớn, “mà nếu quan tâm tốt tới người dân thì phải làm tốt chương trình xây
dựng NTM vì người hưởng lợi rất đông”, người khó khăn, người nghèo, gia đình
chính sách chủ yếu ở nông thôn, miền núi. Vì thế, Hội nghị Trung ương 7 khóa X
đã ban hành Nghị quyết mang tính lịch sử, Nghị quyết 26 về tam nông.
Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa 3
nội dung (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) vào trong một nghị quyết nhằm thống
nhất cao về nhận thức, tập trung sức chỉ đạo, huy động tổng thể nguồn lực cho
phát triển 3 nội dung then chốt này với 3 mục tiêu khái quát, bao trùm. Đó là đẩy
mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện nhanh chóng đời sống nông dân và xây dựng
NTM giàu đẹp, bản sắc.
Thực hiện nghị quyết của Đảng, Chính
phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020
triển khai trên toàn bộ vùng nông thôn Việt Nam, gồm 9.000 xã, 664 huyện của 63
tỉnh, thành phố trên cả nước, “chứ không phải một vùng nào, một tỉnh nào, một
địa phương thí điểm nào”.
Lần đầu tiên xây dựng NTM được lượng
hóa bằng 19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu. Đây vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là thước
đo, vừa là cơ sở để giám sát kết quả thực hiện. Chỉ tiêu khái quát nhất là đến
năm 2020, 50% số xã đạt chuẩn NTM.
Chương trình đòi hỏi nguồn lực khổng
lồ cho việc hoàn thiện thiết chế hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường.
Nhưng chúng ta ban hành chương trình này vào thời điểm khủng hoảng tài chính,
suy thoái kinh tế khu vực và thế giới. “Tiền bạc 5 năm đầu khó khăn lắm, huy
động từ ngân sách Nhà nước ít lắm nhưng chúng ta không nản chí, vẫn quyết tâm.
Số xã được công nhận ít. Chính vì khó khăn lúc đó, một số nơi, một số người
không tin tưởng”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị
Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính
trị vẫn quyết tâm thực hiện chương trình. Đó là kinh nghiệm rất quý trong quá
trình tổ chức thực hiện những nghị quyết quan trọng của Đảng.
Nhìn lại 9 năm qua, theo Thủ tướng,
có thể thấy đây là chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai
thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng
người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử.
Trước hết là sự chuyển biến, thay
đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ đảng viên, toàn xã hội, của người dân về nông
nghiệp, nông dân và nông thôn. Ở đó không chỉ là mặt trận phải quan tâm đơn
thuần mà còn là nơi thực hiện chính sách xã hội, là khu vực yếu thế, mà nơi đây
nông thôn, nông nghiệp Việt Nam, người nông dân Việt Nam giờ đây thực sự là
tiềm năng thế mạnh, có một vị thế to lớn nếu biết khai thác, khơi dậy ở chính
mỗi người dân và toàn xã hội.
Trong 9 năm, chúng ta đã huy động
được nguồn lực lớn, đến 2,4 triệu tỷ đồng, trung bình mỗi năm huy động tương
đương 10 tỷ USD cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn
hóa, xã hội. Chính vì thế, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng
kể, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng. Sức dân là
vô cùng to lớn trong thành công này. “Chúng ta làm hàng vạn km đường giao thông
nông thôn mà không mất một đồng tiền đền bù giải phóng nào, người dân sẵn sàng
hiến đất, thậm chí hiến cả nhà, cả ngày công, tiền bạc”, Thủ tướng nói.
Chúng ta đã thúc đẩy sản xuất nông
nghiệp phát triển, củng cố chắc chắn thế mạnh các ngành hàng trụ cột: Trồng
trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản với 3 trục sản phẩm, nhóm sản phẩm quốc
gia với trên 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Nông nghiệp
Việt Nam vào tốp đầu châu Á về kim ngạch xuất khẩu. Cải thiện một cách tích cực
đời sống của người dân khu vực nông thôn.
Nếu so với mốc thực hiện Nghị quyết
26 từ năm 2009, thu nhập lúc đó là 9,7 triệu đồng/người, cuối năm 2018 chúng ta
đã đạt 35,9 triệu đồng/người, tăng 3,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% năm 2009
xuống còn trên 4% hộ nghèo vào cuối năm nay.
“Chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra và
sớm hơn 1 năm rưỡi so với Nghị quyết 26”, Thủ tướng kết luận. Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự đã tạo ra một bước đột phá lịch sử, làm thay
đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Thủ tướng cho biết một số đoàn công tác nước
ngoài đến tỉnh Ninh Bình để nghiên cứu về NTM thì đều khen ngợi “không ngờ nông
nghiệp Việt Nam lại như vậy”.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã nêu một
số điểm tồn tại để rút kinh nghiệm. Đó là sự chỉ đạo chưa đồng bộ, có lúc có
nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, làm cho bức tranh phát
triển không đồng đều, thậm chí ngay ở những nơi có điều kiện hay trong cùng
những điều kiện giống nhau nhưng kết quả lại rất khác nhau.
Các chỉ tiêu phát triển sản xuất,
chăm lo môi trường sống cho người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa có được
kết quả đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng. Ví dụ một số cấp ủy, chính
quyền chưa lo cho người dân, chưa sát dân, chưa sát cơ sở, còn ách tắc, còn xa
dân. Sự oan ức của người dân ở một số nơi chưa được giải quyết đến nơi đến
chốn.
Nói về bất cập môi trường sống ở
nông thôn, Thủ tướng cho rằng còn nhiều rác quá, nhất là rác thải nhựa và nguồn
nước bị ô nhiễm. “Chúng ta phải nhìn nhận những thách thức, nguy cơ đó để quyết
tâm hơn, có biện pháp cụ thể hơn, nhất là trước nguy cơ biến đổi khí hậu”. Vì
vậy, phải tận dụng tối đa các cơ hội phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất các
nhân tố bất lợi, biến nguy cơ thành cơ hội.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục coi
nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế
trong tiến trình phát triển và hội nhập. Phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục
tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển một nền nông
nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản
sắc, đáng sống. Xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã
đảo. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội để ban hành một chương
trình về dân tộc miền núi, để ghép 18 chương trình nhỏ lẻ lại thành một chương
trình về dân tộc miền núi, một chương trình quốc gia lớn hơn.
“Trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành
19 chỉ tiêu giai đoạn 2010 -2020 cần phải có mục tiêu cao hơn cả về sản xuất,
cả về đời sống, môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng”, Thủ tướng lưu ý.
Đặc biệt là phải tập trung lo văn hóa, chống tệ nạn xã hội, xây dựng văn hóa
nông thôn. Còn nhóm gần 50% số xã chưa đạt 19 tiêu chí thì phải dồn sức để hoàn
thành tích cực hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh dự kiến phấn đấu
đến 2025 có 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn
NTM kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM,
trong đó có 10% được công nhận huyện, thị xã nông thôn kiểu mẫu; có ít nhất 9
tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đặc biệt chất lượng cuộc
sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8
lần so với năm 2020.
Chỉ ra một số giải pháp lớn, Thủ
tướng nêu rõ phải tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo thống nhất các cấp để có được
đội ngũ cán bộ chuyên tập trung cho sự tham mưu, chỉ đạo. Hoàn thiện bộ tiêu
chí theo hướng tạo khung khổ định hướng để các địa phương phát huy tính chủ
động sáng tạo cao nhất, để đạt kết quả tốt nhất. “Các địa phương không được chủ
quan, không được thỏa mãn với kết quả ban đầu này, phải luôn nhất quán quan
điểm xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc”.
Tổng huy động nguồn lực đầu tư bằng
cơ chế, hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa, riêng ngân sách tập trung cần
được tăng cường bằng 2 nhóm nguồn chính. Đó là đầu tư trung hạn 2021-2025 và
chương trình mục tiêu quốc gia 2021- 2025, đặc biệt đầu tư xã hội và vai trò
hợp tác xã… trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Không có
hợp tác xã kiểu mới, những tập đoàn lớn, không có những trang trại quy mô khó
có thể chuyển một nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.
“Tóm lại có 4 vấn đề cốt lõi xây
dựng NTM, một là không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người
dân nông thôn, miền núi là nhiệm vụ của chúng ta. Thứ hai, xây dựng miền quê
đáng sống, xanh, sạch, đẹp. Thứ 3, cần phải tiếp tục bảo tồn, phát triển song
hành giữa văn hóa, nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển.
Thứ 4, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân”,
Thủ tướng nói. “Một chương trình hành động cụ thể sau Hội nghị này phải được
chuẩn bị để đưa ra thông qua tại cấp ủy, chính quyền từng cấp, nhất là cấp
tỉnh, huyện, nhất là ở những địa phương còn có nhiều huyện, xã chưa đạt danh
hiệu NTM”.
NN
Comments
Post a Comment