Nhiều cơ hội dể TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế
18/10/2019
Sáng 18/10, tại Trung tâm Hội nghị White Palace, Diễn đàn
Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2019 (Ho Chi Minh City Economic Forum 2019 - HEF
2019) với chủ đề Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực
và quốc tế chính thức được khai mạc.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Diễn đàn
Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức
Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài
chính Huỳnh Văn Hải, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh…
và hơn 800 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện
ngoại giao, cơ quan lãnh sự; lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các định
chế tài chính quốc tế (IMF, IFC, ADB...), và gần 30 diễn giả trong và ngoài
nước, các chuyên gia tài chính, đại diện lãnh đạo các Trung tâm tài chính trên
thế giới, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp.
Mô hình tăng trưởng của các đô thị phần
lớn dựa vào thị trường tài chính
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong -
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh(TP. HCM) cho biết, mục tiêu quan trọng
của diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp thành phố Hồ Chí Minh
sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ
hội để TP. Hồ Chí Minh lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện
của các diễn giả nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu
vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, thị trường tài chính có
vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng
hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của
hầu hết các đô thị trên thế giới, tại NewYork dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng
46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London (Anh) là 42%, tại
Thượng Hải (Trung Quốc) là 27% và tại Singapore là 29%.
"Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các
đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung
tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc
phải trãi qua khi trở thành thành phố toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban nhân dân
TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Đối với TP. HCM, ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp với
xu thế thời đại, thành phố đã có khát vọng trở thành Trung tâm tài chính của
khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài
chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và
ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại thành phố.
TP. HCM hiện là địa bàn hoạt động
của 48 hội sở chính các TCTD, 29 chi nhánh của ngân hàng nước ngoài, 413 chi
nhánh của các TCTD, 1.616 phòng giao dịch và 25 văn phòng đại diện của TCTD
nước ngoài. Tính đến ngày 30/9/2019, trên địa bàn Tp HCM, huy động vốn ước đạt
gần 2 triệu 400 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,91 % tỷ trọng vốn huy động cả nước), dư
nợ tín dụng đạt 2 triệu 200 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,96 % tỷ trọng dư nợ của cả
nước). Thành phố còn là đầu mối để dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam với lượng
kiều hối gửi về hàng năm ổn định ở mức 5 tỷ USD. Đến ngày 30/9/2019, kiều hối
chuyển về TP. HCM ước đạt 3,3 tỷ USD. Lượng góp vốn, mua cổ phần của gần 3.300
nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Tp HCM năm 2018 cũng đạt khoảng 6 tỷ USD.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống
đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trong những năm vừa qua, khu vực tài chính,
ngân hàng Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Các định chế tài
chính của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, quy mô, cải thiện
tích cực về bộ máy và năng lực quản trị, một số ngân hàng đã vươn tầm tương
đương với các ngân hàng lớn trong khu vực và Châu Á. Mức độ hiệu quả và tính ổn
định của các tổ chức tín dụng Việt Nam nhận được những đánh giá tích cực từ các
tổ chức quốc tế như World Bank, Fitch Rating, và Moody. Hòa chung dòng chảy đó,
khu vực thị trường tài chính TP.HCM đã có những phát triển bền vững, đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương và khu vực.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng,
việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế có
ý nghĩa đặc biệt to lớn, là vấn đề mang tầm vóc chiến lược của quốc gia, có tầm
ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Ông khuyến nghị một số
điểm đối với “Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc
tế”.
Thứ nhất, TP.HCM cần kiên định thực hiện
hiệu quả cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc
hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mà địa phương
đã và đang thực hiện gần 2 năm qua.
Thứ hai, TP.HCM ưu tiên tập trung vào 4
đột phá chiến lược gồm: Thể chế, cơ sở hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông,
logistics, ICT, hạ tầng thanh toán…), nguồn nhân lực chất lượng cao và
khoa học – công nghệ.
Thứ ba, theo Phó Thống đốc, TP. HCM cần
quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả Quyết định 986/QĐ-TTg ngày
8/8/2018 về chiến lược phát triển ngành ngân hàng và Quyết định 242/ QĐ-TTg
ngày 28/2/2019 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường
bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 202”; cũng như Chiến lược quốc gia
về tài chính toàn diện (mà Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới).
"Qua đó, góp phần quan trọng nâng
cao khả năng cung ứng dịch vụ tài chính, ngân hàng của hệ thống tổ chức tài
chính trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, đặc biệt
là khi có các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài và sự
gia nhập của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế", Phó Thống đốc nói.
Thứ tư, thu hút các tổ chức tài
chính quốc tế tới đặt trụ sở giao dịch và mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông
qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế - xã hội, đặc biệt là môi trường
kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính -
tiền tệ để góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng tính minh bạch, và nâng cao
hiệu quả hoạt động chu chuyển vốn cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính.
Thứ năm, tạo điều kiện thu hút lực lượng
chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao (nhất là trong các lĩnh vực then chốt
như tài chính – ngân hàng, ICT, giáo dục, y tế, quản lý hành chính công, giao
thông, môi trường, KH-CN….) đến sinh sống, làm việc lâu dài tại TP HCM. Phấn
đấu đưa Thành phố trở thành một trong những thành phố đáng sống và làm việc
trong khu vực và quốc tế.
Riêng về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống
đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, NHNN cam kết sẽ tập trung mọi nỗ lực để tạo ra một
môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và
thuận lợi; phát triển khu vực ngân hàng giàu năng lực cạnh tranh, hướng tới các
tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời với chức năng nhiệm vụ của
mình, ngành Ngân hàng sẽ hỗ trợ phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ
tài chính đa dạng, đáp ứng nhu cầu của xã hội; hoàn thiện các điều kiện cần
thiết về cơ sở hạ tầng thị trường tài chính…, từ đó góp phần vào việc hỗ trợ
TP.HCM vươn tầm trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực thụ.
Cần đặt ra lộ trình mục tiêu từng giai
đoạn
Từ góc nhìn của chuyên gia, TS. Trần Du
Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mặc dù mục
tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đã được xác định từ
lâu, tuy nhiên đến hiện nay mọi ý tưởng vẫn đang dang dở, thậm chí vai trò còn
giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước.
Theo ông Lịch, dường như ý tưởng xây dựng
Trung tâm tài chính TP.HCM theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2020 ít
được nhắc đến trong những năm gần đây.
Ông Lịch cho rằng, Đề án Phát triển
TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cần được làm rõ về mặt chủ
trương. Xác định lại xem Đề án là sự nối tiếp công việc trước đây bị gián đoạn
hay tập trung chủ yếu vào nâng vị trí vai trò của TP.HCM với một tầm nhìn mới.
Bên cạnh đó, cần làm rõ câu hỏi làm thế nào để từ ý tưởng, đề án của chính
quyền TP.HCM trở thành chủ trương mang tính quốc gia, sau đó mới có thể đưa ra
các giải pháp cụ thể để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Các
đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng
các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới và khu vực ASEAN, ông Lịch cho
rằng TP.HCM cần đặt ra lộ trình mục tiêu từng giai đoạn để xây dựng khung trung
tâm tài chính quy mô lớn. Theo đó, trong giai đoạn đầu Chính phủ cần thống
nhất, xác định chủ trương Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm
2021-2030 để triển khai các chính sách và cơ chế cụ thể.
Cũng theo ông Lịch, từ nay đến năm 2025,
đề án cần tập trung củng cố vai trò và hình thành cơ chế vận hành Trung tâm tài
chính lớn nhất nước, cả hạ tầng “mềm” lẫn hạ tầng “cứng” (hạ tầng độ thị và
viễn thông). Từ năm 2026-2035, tiếp tục hoàn thiện cả 3 yếu tố: Thể chế, nhân
lực và hạ tầng đô thị. Và từ sau 2035 tập trung hướng tới thị trường tài chính
quốc tế, hội nhập toàn diện với thế giới về chính sách cơ chế vận hành của thị
trường./.
NN
Comments
Post a Comment