Ngân hàng Phát triển Việt Nam lỗ 4.800 tỷ, nợ xấu hơn 46.000 tỷ



  • Theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, đến 31/12/2018, VDB lỗ luỹ kế trên 4.800 tỷ đồng.
  • Nợ xấu chiếm 17,2% tổng dư nợ.
  • Trước đó, KTNN đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm toán năm 2019 cho thấy Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang lỗ nặng.

Lỗ gần 5.000 tỷ đồng, nợ xấu hơn 46.000 tỷ

Cụ thể, kết luận kiểm toán Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy: Hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm hơn 866 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lỗ lũy kế của ngân hàng này đến 31/12/2018 là trên 4.800 tỷ đồng; nợ xấu tại 31/12/2018 là trên 46.100 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ.

Trong khi đó việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ là 5.790 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu... Kiểm toán Nhà nước đánh giá điều này khiến "tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động".

Đặc biệt, hiện nay số liệu bù chênh lệch lãi suất mà ngân sách nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn, lên tới 13.496 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

vdb-1634-1571190717.jpg
Ngân hàng Phát triển Việt Nam lỗ 4.800 tỷ đồng, nợ xấu hơn 46.000 tỷ.

Vụ việc Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng. Công ty không minh bạch trong việc sử dụng vốn vay, không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.

Vụ việc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng (Công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay). Sở Giao dịch 1 - Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng.

Nhiều sai sót bị phát hiện

Kiểm toán Nhà nước cho biết: Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 30/9/2019 là 61,7 nghìn tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu 6.197 tỷ đồng, giảm chi 12.842 tỷ đồng, xử lý khác 42.693 tỷ đồng.

Một số cuộc kiểm toán chuyên đề đã phát hiện nhiều sai sót, bất cập cần phải hoàn thiện và khắc phục: Kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Y tế...

Ngoài ra, Kiểm toán Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1256/QĐ-TTg của Thủ tướng xử lý tài chính 2.534 tỷ đồng, đồng thời đánh giá mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Chương trình khó có thể đạt được.

Kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 42 của một số tổ chức tín dụng đã chỉ ra tỷ lệ số hồ sơ xử lý theo Nghị quyết 42 còn thấp, các biện pháp xử lý theo Nghị quyết 42 gồm 6 nhóm biện pháp thì chủ yếu mới chỉ thực hiện được theo hình thức thu giữ tài sản đảm bảo và bán nợ theo giá thị trường, các hình thức khác chưa được áp dụng.

Kiểm toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017 cho thấy: Nguồn hình thành của Quỹ khá lớn. Đến 31/12/2017 sau khi được bàn giao cho Bộ Tài chính, số dư Quỹ được ghi nhận là 112.513 tỷ đồng.

Số liệu còn phải thu, phải nộp chưa được nộp về Quỹ, KTNN xác nhận là 3.536 tỷ đồng; số tiền ứng NSNN để đầu tư vào 05 bệnh viện trọng điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ Quỹ chưa được theo dõi số phải thu 9.329 tỷ đồng.

Kiểm toán ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện: Một số địa phương không giao hết dự toán ngay từ đầu năm mà để lại điều hành không đúng quy định của Luật NSNN; phân bổ kinh phí cho đơn vị cấp dưới chưa có nhiệm vụ chi cụ thể; còn tình trạng chi không đúng nguồn kinh phí; kinh phí bổ sung có mục tiêu, Chương trình MTQG còn thừa chưa nộp trả ngân sách Trung ương.

Ngoài ra, ứng trước dự toán từ NSTW đến 31/12/2018 chưa bố trí vốn để thu hồi 10.591 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý và thực hiện thu ngân sách không chặt chẽ, bỏ sót nguồn thu, tình trạng trốn thuế, nợ thuế, thất thu ngân sách còn lớn.

Đặc biệt, qua đối chiếu thuế tại 1.428 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Kiểm toán Nhà nước xác định nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 585 tỷ đồng, giảm lỗ 1.071 tỷ đồng, nợ đọng thuế tăng thêm 1.297,7 tỷ đồng.

Theo Vietnamnet

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc
---------------------------------------------------------------------



Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??