Tráo sổ dỏ khi cho xem nhà



Cách tránh chiêu lừa tráo sổ đỏ khi xem nhà

23486

​Không cho xem toàn bộ giấy tờ nhà, đánh dấu bút chì nhẹ vào sổ đỏ khi đưa cho khách xem để tránh tình trạng sổ đỏ của mình rơi vào tay kẻ gian...

Thứ nhất: Không nên cung cấp hết tất cả thông tin

Cụ thể, chỉ nên cung cấp cho khách thông tin về kết cấu căn nhà, bản vẽ và vị trí, còn phần số sổ, ngày cấp thì nên giữ lại. Bởi, nếu thiếu thông tin khi kẻ gian thực hiện giao dịch thì các cơ quan chức năng sẽ phát hiện và ngưng mọi giao dịch.

Thứ hai: Khi khách muốn xem sổ đỏ bản chính thì trước khi đưa cho khách xem cần lấy bút chì để đánh dấu nhẹ một nơi mà chỉ riêng mình biết

Nên hiểu rằng những trường hợp đánh tráo này kẻ gian đã chuẩn bị một kịch bản trước và chỉ cần vài giây lơ là của chủ nhà là chúng đã tráo xong sổ. Vì thế, chủ nhà nên cẩn thận khi nhận lại sổ đỏ từ tay khách.

Thứ ba: Thông thường thì tâm lý của người muốn mua nhà phải hỏi rất kỹ và không dễ dàng đồng ý ngay mức giá mà chủ nhà đưa ra. Vì thế, những người xem nhà có những thái độ dễ giãi, ngọt ngào, có những hành vi đáng ngờ thì nên lưu ý và có cách đề phòng.

Chẳng hạn có hai người đi vào xem nhà cùng lúc, một người thì cầm sổ đỏ để xem, một người thì dụ chỗ nhà ra chỗ khác để hỏi đủ thứ về cửa nẻo, hướng nhà... Mục đích là tìm cách phân tán chủ nhà để người kia tráo sổ đỏ.

Nguồn: PLO

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc


Dành cho thẩm định hoặc mua bán nhà đất





Lại bị tráo sổ đỏ khi cho xem nhà

(PL)- Kẻ gian đã nhờ người giả chủ nhà ký hợp đồng ủy quyền cho người khác, người được ủy quyền thực hiện thủ tục mua bán nhà trót lọt.


Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Triệu Hoài Phong (ngụ Phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) cho biết đã bị kẻ gian lừa tráo sổ đỏ thật của gia đình rồi bán cho người khác

Nhà bị cầm, chủ nhà không hay biết

Ông Phong trình bày: Tháng 12-2018, vợ chồng ông mua căn nhà ở mặt tiền đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM. Khoảng một tháng sau, vợ chồng ông Phong quyết định bán căn nhà trên.

Ông Phong đã nhờ môi giới rao thông tin bán nhà trên các trang giới thiệu bất động sản với giá 12 tỉ đồng. Có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng không được giá nên ông không bán. Cũng thời điểm đó, có một nhóm người đến xem nhà và yêu cầu xem sổ đỏ bản chính. Khi xem xong, họ trả sổ và không quay lại nữa.

Đến ngày 16-7-2019, ông nhận được cuộc điện thoại của một nhân viên Ngân hàng A. hỏi căn nhà của ông đã thế chấp ngân hàng rồi sao lại mang đi rao bán. Lúc này ông Phong mới tá hỏa và đến ngay Ngân hàng A. để tìm hiểu.

Đến đây thì được biết căn nhà trên không còn mang tên ông nữa mà được chuyển sang tên ông V. Ông V. đã mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay tám tỉ đồng.

Dù sổ đỏ đang cầm trên tay nhưng ông Phong vẫn rất lo nên đã mang đến các văn phòng công chứng để kiểm tra. Sau khi kiểm tra, tất cả công chứng viên đều khẳng định sổ đỏ ông đang cầm là… sổ giả.

Sau khi phát hiện ra sự việc lừa đảo trên, ông Phong đã nộp đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.

“Dù rất hoang mang nhưng cố xâu chuỗi lại thì tôi chắc chắn một điều tôi đã bị những người giả đi xem nhà tráo sổ đỏ thật của tôi khi yêu cầu tôi đưa bản chính cho xem và đưa lại cho tôi sổ đỏ giả. Vợ chồng tôi chạy cả hơn trăm cây số đến văn phòng công chứng ở huyện Đức Hòa, Long An, nơi kẻ gian giả mạo vợ chồng tôi ký hợp đồng ủy quyền cho người tên Đ.

Vừa xem xong hợp đồng tôi thấy có vấn đề ngay. Bởi trong hợp đồng ủy quyền, ngày cấp trong chứng minh thư của tôi không đúng. Đồng thời, chữ ký trong hợp đồng ủy quyền khác hoàn toàn với chữ ký thật của vợ chồng tôi. Giờ tôi chỉ mong cơ quan công an sớm tìm ra người lừa đảo và bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng tôi” - ông Phong bức xúc.

Lại bị tráo sổ đỏ khi cho xem nhà - ảnh 1
Ông Phong đã báo sự việc lên Công an TP và mong sớm tìm ra người tráo sổ đỏ của mình. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hợp đồng vô hiệu nếu có yếu tố lừa đảo

Trao đổi với PV, phía Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác nhận cơ quan điều tra đã tiếp nhận tin tố giác tội phạm của ông Phong về việc ông bị kẻ gian tráo sổ đỏ, giả mạo chữ ký lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện cơ quan điều tra đang trong quá trình điều tra, thụ lý.
Vậy với vụ việc trên, quyền lợi của ông Phong đối với căn nhà đã được chuyển nhượng cho người khác mà chủ nhà không đứng ra bán như thế nào?

TS Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Ở đây cần xác định rõ là chủ nhà có thật sự đứng ra bán căn nhà này không. Nếu là không và sự thật như chủ nhà phản ánh thì hợp đồng giữa người được ủy quyền và người mua mới là giao dịch vô hiệu. Vì thế, hợp đồng thế chấp sổ đỏ thật ở ngân hàng cũng là vô hiệu. Hiện nay, việc ngân hàng giữ sổ đỏ thật chẳng qua là một kết quả của việc lừa dối từ người ủy quyền giả chứ không phải là ý chí thật của chủ nhà.

TS Tiến cho rằng nếu vụ việc này có yếu tố hình sự thì khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và tòa án sẽ xem xét, giải quyết những vụ việc liên quan đến sổ đỏ này.

Ngoài ra, trong vụ việc này chủ nhà, người mua nhà mới và ngân hàng là những người, tổ chức bị lừa đảo. Tuy nhiên, xét về quyền lợi đối với căn nhà thì chủ nhà cũ mà cụ thể là ông Phong phải được khôi phục, được trả lại sổ đỏ.

Riêng đối với người mua nhà mới, vì giao dịch mua bán là vô hiệu nên người này có quyền kiện người được ủy quyền giả để lấy lại tiền.

Tham khảo: Cách tránh chiêu lừa tráo sổ đỏ khi xem nhà

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc


3 văn phòng công chứng cùng sập bẫy 1 vụ lừa tráo sổ đỏ

(PL)- Kẻ gian đã sử dụng sổ đỏ thật cùng giấy tờ tùy thân giả để công chứng hợp đồng ủy quyền ở Long An. Từ hợp đồng ủy quyền này, hai văn phòng công chứng ở TP.HCM đã lần lượt chứng nhận hợp đồng mua bán, thế chấp nhà.



Giả đò hỏi mua nhà để xin chụp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (sau đây gọi tắt là sổ đỏ), kẻ gian sau đó làm giả rồi quay lại đòi xem bản chính để tráo lấy sổ đỏ thật.

Giống như nạn nhân được nêu ở bài viết đăng hôm qua (17-10), ông Triệu Hoài Phong là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà số 132/1A Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM cũng mắc bẫy chiêu thức lừa đảo mới này.

Trường hợp của ông Phong đã được Pháp Luật TP.HCM phản ánh nhanh trên số báo ra ngày 27-9. Sau số báo đó, chúng tôi đã dành nhiều thời gian lật tẩy đường đi của vụ tráo sổ đỏ này.

Đầu năm 2019, sau khi mua căn nhà trên được một tháng, vợ chồng ông Phong quyết định bán nhà. Giữa tháng 7, khi vẫn chưa bán được nhà thì ông nhận được cuộc điện thoại của một nhân viên ngân hàng phàn nàn ông đã thế chấp nhà sao lại còn mang đi rao bán. Từ cuộc gọi bất ngờ này, ông mới ngớ ra sổ đỏ mà ông đang cất giữ là sổ giả; còn sổ thật đang nằm ở ngân hàng để làm bằng cho một khoản vay mặc dù ông không hề mang nó đi thế chấp!


Đường đi một vụ tráo sổ đỏ để chiếm đoạt nhà. Đồ họa: Thùy Trang

3 văn phòng công chứng cùng sập bẫy 1 vụ lừa tráo sổ đỏ - ảnh 2
Ông Triệu Hoài Phong, chủ sở hữu hợp pháp căn nhà, nạn nhân bị lừa trong vụ tráo sổ đỏ. Ảnh: Nguyễn Hiền

Thì ra khi ông Phong nhờ môi giới rao thông tin bán nhà trên các trang giới thiệu bất động sản thì có nhiều người đến hỏi mua nhưng do không được giá nên ông không bán.

Cũng thời điểm đó, có một nhóm người đến xem nhà và yêu cầu chụp lại sổ đỏ cùng các giấy tờ tùy thân để về làm hợp đồng mua bán. Tiếp đó, có một nhóm người khác đến xin xem sổ đỏ bản chính. Khi xem xong họ trả sổ và không quay lại nữa.

Và rồi kẻ gian nào đó đã tráo sổ đỏ thật của ông để bán nhà trót lọt và người mua đã mang thế chấp cho ngân hàng khiến ông Phong có nguy cơ bị mất nhà.

Điều đáng lưu ý là có đến ba văn phòng công chứng (VPCC) cùng bị sập bẫy sự giả mạo. Đầu tiên, một VPCC ở Long An đã công chứng hợp đồng ủy quyền căn cứ trên sổ đỏ thật, người giả cùng nhiều giấy tờ tùy thân giả khác. Tiếp nữa, từ hợp đồng ủy quyền này, một VPCC ở TP.HCM đã công chứng hợp đồng mua bán. Sau cùng, một VPCC khác ở TP.HCM đã dựa trên hợp đồng mua bán được sang tên hợp pháp đó để công chứng hợp đồng thế chấp nhà.
Tại thời điểm này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận tin tố giác tội phạm từ ông Phong để điều tra việc ông bị kẻ gian tráo sổ đỏ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì sao ông Phong không đứng tên trong hồ sơ thế chấp nhà mà ngân hàng biết được ông là chủ sở hữu để gọi điện thoại lưu ý ông với nội dung nêu trên?

Lý do gì VPCC ở Long An đã công chứng hợp đồng ủy quyền cho người giả?

Tại sao mua nhà hơn 10 tỉ đồng nhưng người mua không tiếp xúc với chủ nhà là vợ chồng ông Phong và sau khi mua không đến ở?

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 12 nói gì về việc đã giải quyết sang tên nhà cho người mua?

Phải chăng ngân hàng vì sự không chặt chẽ nên đã dễ dàng nhận thế chấp nhà từ người mua và không phát hiện được sớm ông Phong chưa bán nhà cho ai cả?...

Bạn đọc có thể tìm thấy các câu trả lời trong phóng sự truyền hình “Lật tẩy một vụ tráo sổ đỏ để chiếm đoạt nhà” phát trên plo.vn vào cùng ngày 18-10.

NGUYỄN HIỀN


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc











Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu