Cần có giải pháp dồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen

Cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt củacả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen

26/12/2018

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú bày tỏ tin tưởng, với nhiều giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị
Nhiều chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp, NHNN luôn xác định đây là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng, thời gian qua, NHNN đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng đối với lĩnh vực này, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm từ tối đa 50 triệu đồng đến 03 tỷ đồng đối với từng đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Chính sách khuyến khích mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao…
Mới đây nhất là Nghị định 116 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cho phù hợp hơn với thực tế triển khai nông nghiệp trong tình hình mới với nhiều điểm mới đột phá như: (i) Sửa đổi đối tượng khách hàng vay vốn cho phù hợp với quy định tại Bộ Luật dân sự 2015; (ii) Nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ. Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác như tín dụng đen; (iii) Bổ sung quy định mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng; (iv) Nghị định đã bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay; (v) Bổ sung quy trình, thủ tục xử lý khoanh nợ và thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc thông báo thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, xác nhận thiệt hại về vốn vay của khách hàng…, đồng thời sử dụng nguồn ngân sách địa phương để xử lý khoanh nợ; (vi) Bổ sung quy định về ân hạn trong cho vay đối với các loại cây trồng lâu năm; (vii) Quy định giảm thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Nghị định 116 ra đời song hành cùng các giải pháp về tín dụng của ngành Ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác.
Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo TCTD triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp như: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5%-1,5% so với lãi suất thông thường; chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg...
Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện có khoảng 70 TCTD, mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Dư nợ đến cuối tháng 11 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Các đạo biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị
Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy một thực tế là người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Công An cũng đã cho thấy thực trạng, cách nhận diện tín dụng đen, các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen diễn biễn phức tạp thời gian qua và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này.
Bên cạnh đó, đại diện Trung ương Hội Nông dân cũng trao đổi công tác phối hợp giữa Hội và ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện cho vay qua Hội, công tác tuyên truyền cho các Hội viên về chính sách tín dụng của ngành ngân hàng và công tác cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến đời sống, an ninh trật tự xã hội.
Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin thêm về công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn tín dụng đen…
Ngành Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp cùng với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Qua tổng hợp báo cáo nhanh của Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, ngành Ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng thường xuyên tăng cường sự phối hợp với các cơ quan công an, sở ban ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội và tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.
Ngành Ngân hàng đẩy mạnh triển khai các giải pháp đẩy lùi nạn tín dụng đen
Ngay trước thềm Năm mới 2019, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố nhằm hướng dẫn triển khai Nghị định 116 và Thông tư hướng dẫn của NHNN, đồng thời bàn về các giải pháp đẩy mạnh hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh… của hệ thống ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Thông qua các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã thể hiện ngành Ngân hàng đã và đang quyết liệt tổ chức triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân phục vụ sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân, doanh nghiệp khu vực dông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Toàn cảnh Hội nghị
Để đẩy mạnh hơn nữa tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc các Bộ, ngành địa phương cùng tham gia đẩy lùi nạn tín dụng đen, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị, Vụ, Cục thuộc NHNN và hệ thống các TCTD tiếp tục triển khai một số giải pháp sau:
Một là, tổ chức triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55, Nghị định 116 và hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 10 và Thông tư 25 để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi mới vừa được sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.
Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.
Ba là, mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân. Trong đó, NHNN khuyến khích NHTM phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.
Bốn là, dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phầm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Năm là, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là đơn vị chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn, ngoài việc đi đầu trong triển khai chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định 55 và Nghị định 116 cần triển khai thêm gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn với hạn mức mỗi món vay khoảng 30 triệu đồng, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày với chính sách kiểm soát sau và áp dụng mức lãi suất hợp lý, đủ bù đắp rủi ro trong cho vay.
Sáu là, Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát lại tổng thể các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để trình Thủ tướng Chính phủ cho kết thúc một số chương trình đã hoàn thành mục tiêu đặt ra và bổ sung thêm chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với mức lãi suất hợp lý, không phải cấp bù từ ngân sách Nhà nước.
Bảy là, rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là chính sách lãi suất và chế tài xử phạt nhằm tổ chức lại hoạt động của loại hình này theo hướng minh bạch với mức lãi suất phù hợp với mức sống của đại bộ phận người dân và không để các tổ chức này có các hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động của mình tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức xã hội đen, cho vay nặng lãi, đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Tám là, nghiên cứu, rà soát lại tổng thể hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô để có chính sách phát triển, mở rộng các tổ chức tài chính vi mô đang hoạt động hiệu quả hiện nay. Hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện cho loại hình này hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ, kịp thời hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân;
Chín là, phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, nhất là các công ty tài chính để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tượng, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi.
Mười là, phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... để vận động, tuyên truyền các tổ chức này tham gia làm đại lý, dịch vụ cho vay vốn, đặc biệt là ở những địa bàn các TCTD chưa có điều kiện mở chi nhánh, phòng giao dịch để phối hợp với các TCTD hướng dẫn người dân vay vốn và sử dụng vốn phục vụ đời sống, kể cả những nhu cầu đột xuất, cấp bách.
Mười một, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện trên phạm vi cả nước, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.
Đồng thời, tăng cường truyền thông cho người dân, doanh nghiệp về hoạt động tín dụng ngân hàng và các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng qua các chương trình giáo dục tài chính như Tiền khéo tiền khôn, Ví tiền của bạn…
Phó Thống đốc nhấn mạnh, ngành Ngân hàng sẵn sàng vào cuộc và sớm đưa ra các giải pháp để cùng với các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền địa phương ngăn chặn nạn tín dụng đen trong phạm vi, quyền hạn của NHNN; đồng thời bày tỏ hy vọng, với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.
NH
Ảnh: MT

Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu