Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018: Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018: Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu

04/12/2018

Sáng ngày 4/12/2018, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 đã khai mạc với chủ đề “VBF – Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu". Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức với vai trò là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Về phía các Bộ, ngành có sự góp mặt của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng,… Ngoài ra, Diễn đàn còn có có sự tham dự của đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp của nhiều quốc gia và hơn 500 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.
VBF 2018 đặt lên bàn đối thoại 3 nội dung chính gồm: Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng; Nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại; Khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp. Tại phiên 1 của Diễn đàn, các Nhóm công tác đã tập trung báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2018. Cụ thể, Nhóm công tác hạ tầng đặt vấn đề thúc đẩy hợp tác công - tư. Nhóm công tác điện và năng lượng sẽ trình bày về "Cải cách hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán - xây dựng sơ đồ điện VIII mang tính khả thi". Nhóm công tác thị trường vốn sẽ nêu vấn đề "Tài chính cho thị trường" và chủ đề của nhóm công tác ngân hàng là: "Tín dụng chất lượng cao - nguồn lực quan trọng để đổi mới".
Tại Phiên 2, Nhóm công tác giáo dục nêu vấn đề "Kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ công nghiệp 4.0". Nhóm công tác nông nghiệp trình bày "Nông nghiệp chính xác và cách thức quảng bá sản phẩm trên thị trường thế giới". Nhóm công tác du lịch sẽ đề cập "Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn cần những cách tiếp cận mới".
Cuối cùng, khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp là chủ đề phiên thứ ba, với báo cáo của nhóm công tác đầu tư và thương mại về "Tăng cường khả năng cạnh tranh và giảm gánh nặng quan liêu để tận dụng các Hiệp định Tự do Thương mại và các cơ hội thương mại khác".
Năm 2019 tới, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có thay đổi lớn. Việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngay trong những ngày đầu tháng 1/2019, tiếp đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (VEFTA) dự kiến vào giữa năm sẽ có cả cơ hội, lẫn áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiêp Việt Nam ngay trên sân nhà. Theo dự báo, Việt Nam đang vươn lên trở thành nước thu hút FDI hàng đầu trong thời gian tới. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất lại là cải cách thể chế, môi trường kinh doanh.
Tại VBF lần này, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục nêu kiến nghị nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Cuối mỗi phiên đều có phản hồi từ phía Chính phủ Việt Nam.
VA.






Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??