Ngoài Vietcombank và VIB, các ngân hàng thí điểm khác đã thực hiện Basel II đến đâu?

Năm 2018 là một mốc quan trọng trong lộ trình thực hiện Basel II của hệ thống ngân hàng Việt khi lần đầu tiên 2 ngân hàng là Vietcombank và VIB được ghi nhận đã đạt chuẩn. Dù đón nhận những tín hiệu tốt như vậy, nhìn lại thời gian qua và những áp lực hiện hữu trong tương lai, con đường để đến cái đích Basel II của những nhà băng khác còn gặp không ít thách thức.

[​IMG]
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Basel II sử dụng khái niệm "3 trụ cột" bao gồm Yêu cầu vốn tối thiểu, Giám sát của cơ quan quản lý, và Công bố thông tin.
Tại Việt Nam, 2 văn bản quan trọng do NHNN ban hành để hướng dẫn cụ thể việc triển khai Basel II là Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Theo thông tư 41, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ phải thường xuyên duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8%. So với quy định về an toàn vốn hiện đang áp dụng ở Việt Nam, thông tư 41 tính toán CAR dựa trên phiên bản mới về tài sản có rủi ro điều chỉnh theo trọng số nêu trên và rất gần với tiêu chuẩn Basel II. Thông tư 41 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020. Tuy vậy, các ngân hàng nếu đáp ứng trước hạn thì có thể nộp đơn xin áp dụng sớm thông tư này.
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có cập nhật về tiến độ triển khai Thông tư 41 của các ngân hàng ở Việt Nam.
Có 10 ngân hàng thương mại đã được NHNN lựa chọn để thí điểm áp dụng Thông tư 41 sớm hơn 1 năm so với thời hạn quy định, tức là từ 1/1/2019. Những ngân hàng này bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, MBBank, Maritime Bank, Sacombank và VIB.
Cho đến nay, mới chỉ có 3/10 ngân hàng là Vietcombank, VIB và VPBank, ngoài ra còn có OCB (không nằm trong đối tượng thí điểm) đã nộp đơn xin phê duyệt tuân thủ sớm tiêu chuẩn về vốn mới. Trong đó, Vietcombank và VIB là 2 ngân hàng đầu tiên nhận được phê duyệt chính thức của NHNN về việc áp dụng thông tư 41. Họ cũng thông báo sẽ tiếp tục triển khai Thông tư 13 nêu trên và sẽ nộp đơn xin áp dụng sớm trong năm 2019. Hai ngân hàng còn lại, VPBank và OCB vẫn đang chờ phê duyệt chính thức của NHNN về việc áp dụng thông tư 41.

Hầu hết các ngân hàng còn lại cũng đã có báo cáo lên NHNN rằng họ sẽ đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 41 trong năm 2019. Xem xét hệ số an toàn vốn hiện nay, VDSC kỳ vọng rằng Techcombank, Maritimebank, MBBank và ACB sẽ có thể đáp ứng yêu cầu này từ năm sau. Tuy nhiên, để có thể có khoảng cách an toàn vốn đủ cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, các ngân hàng này phải nỗ lực rất nhiều để huy động thêm vốn trong năm 2019.
Theo VDSC, 4 nhà băng nói trên sẽ tiếp tục tăng vốn cấp 1 bằng việc phát hành thêm và chia cổ tức bằng cổ phiếu, và tăng vốn cấp 2 bằng việc phát hành trái phiếu dài hạn hoặc vay nợ dài hạn các tổ chức quốc tế. Dù vậy, việc thực hiện huy động vốn cấp 2 cũng không phải là dễ dàng, bởi trong 2 tháng đầu quý cuối năm 2018, tỷ lệ phát hành trái phiếu dài hạn thành công của các ngân hàng ở mức không cao, chỉ từ 50-60%.
Trong khi đó, 2 "ông lớn" là BIDV và VietinBank buộc phải tăng vốn chủ sở hữu thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn vốn mới do hệ số CAR tính theo quy định hiện hành đã rất gần 9% còn CAR tính theo Thông tư 41 nhiều khả năng còn thấp hơn 8%.
Đối với BIDV, sau nhiều năm có kế hoạch phát hành chiến lược cho KEB Hana bank nhưng chưa thành, vào tháng 11 vừa qua ngân hàng này cuối cùng đã xin được phê duyệt của cổ đông để thực hiện kế hoạch này. VDSC kỳ vọng BIDV có thể đáp ứng tiêu chuẩn vốn Basel II nếu thương vụ phát hành chiến lược diễn ra thành công.
Tuy nhiên đối với VietinBank, việc tuân thủ sẽ khó khăn hơn nhiều do việc tăng vốn khó có thể hoàn thành trong năm tới. Sở hữu nhà nước tại VietinBank đã ở mức tối thiểu cho phép là 65%, trong khi chính phủ chủ trương không đầu tư thêm ngân sách vào các ngân hàng thương mại. Theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng mới đây, nhà nước đã có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tối thiếu ở các ngân hàng nhà nước xuống mức 51%, tuy vậy chúng tôi cho rằng VietinBank sẽ phải chờ ít nhất đến năm 2020 hoặc muộn hơn mới có thể tăng vốn được.
Mặt khác, VDSC cho rằng trong khi chờ đợi việc tăng vốn, BIDV và VietinBank vẫn sẽ tiếp tục tìm cách cải thiện hệ số CAR bằng việc tái cơ cấu danh mục tài sản theo hướng tập trung vào các tài sản có mức độ rủi ro thấp hơn, cùng với đó tăng cường xóa nợ và trích lập dự phòng chung.
Có thể thấy, để áp dụng Thông tư 41, các ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm chi phí và việc triển khai kho dữ liệu, khung quản trị dữ liệu và công cụ tính toán CAR tự động; những thay đổi trong chiến lược và vận hành kinh doanh của ngân hàng; cũng như nhu cầu đào tạo cho nhân viên về quy định/hệ thống mới. Tuy nhiên, khi tuân thủ theo quy định vốn mới (nhất là các ngân hàng tuân thủ sớm) sẽ có được nhiều lợi ích.
Thứ nhất, việc áp dụng theo quy định mới sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị rủi ro và cải thiện kết quả kinh doanh trong dài hạn. Ví dụ, để quản trị tài sản có rủi ro được tốt thì các ngân hàng phải nỗ lực tối ưu hóa danh mục tài sản, ưu tiên các phân khúc ít rủi ro hơn.
Thứ hai, theo khẳng định của NHNN, các ngân hàng nộp đơn đăng ký phê duyệt tuân thủ sớm nhiều khả năng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, như về tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới.
Thứ ba, dù ngân hàng ở quy mô nào, việc sớm áp dụng các điều kiện vốn mới cho thấy họ có năng lực cạnh tranh tốt và mức độ tài chính ổn định hơn các đối thủ khác. Việc không tuân thủ được Thông tư 41 khi văn bản này chính thức có hiệu lực có thể khiến ngân hàng mất điểm trong mắt các nhà đầu tư, thị trường nói chung và các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế.






Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??