Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ tiệm cận thông lệ quốc tế




“Thông tư số 13/2018/TT-NHNN được đánh giá là đã có nhiều quy định tiệm cận với các thông lệ quốc tế về việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam về những điểm mới quan trọng tại Thông tư này.
[​IMG]

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, hệ thống kiểm soát nội bộ được quy định nổi bật theo 3 tuyến bảo vệ độc lập nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Cụ thể là, tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do các bộ phận nghiệp vụ có liên quan thực hiện; Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản lý rủi ro, đo lường, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật; và Tuyến bảo vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện.

Thông tư số 13/2018/TT-NHNN cũng quy định hệ thống kiểm soát nội bộ thực hiện 5 chức năng quan trọng sau: Giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đầy đủ vốn và kiểm toán nội bộ.

Như vậy, công việc kiểm toán nội bộ sẽ bao gồm việc kiểm tra, đánh giá độc lập về việc tuân thủ cơ chế, chính sách, quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng theo quy định của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, bao gồm: giám sát quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và đánh giá nội bộ mức đủ vốn nhằm xác định tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Ngoài ra, kiểm toán nội bộ còn thực hiện rà soát, đánh giá độc lập tính thích hợp, tuân thủ quy định của pháp luật của cơ chế, chính sách, quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ.

Với sự ra đời của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, kiểm toán nội bộ được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng ứng phó với các rủi ro và nắm bắt cơ hội trong việc tuân thủ các quy định của luật pháp cũng như giúp cung cấp đầy đủ thông tin hỗ trợ quá trình ra quyết định của các nhà quản trị; Góp phần nâng cao giá trị của hoạt động kiểm toán nội bộ tập trung vào việc đạt được các mục tiêu tuân thủ, tính hiệu quả và tính kinh tế đối với các hoạt động ngân hàng. Qua đó, các ngân hàng có thể đạt chuẩn thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ cũng như theo kịp lộ trình triển khai Basel II tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Nam cho biết, để chức năng kiểm toán nội bộ được thực hiện theo yêu cầu của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, có 2 thách thức quan trọng cần phải lưu ý. Đó là việc thiết kế xây dựng mô hình và đội ngũ vận hành kiểm toán nội bộ. Việc xây dựng mô hình kiểm toán nội bộ cần theo nguyên tắc định hướng rủi ro nhằm kịp thời nhận diện và đánh giá các rủi ro tiềm tàng có khả năng ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu của tổ chức cũng như có thể tập trung và tối ưu hóa nguồn lực vào các rủi ro trọng yếu.

Đội ngũ nhân sự kiểm toán nội bộ cũng cần được xây dựng, đào tạo và chuyển giao kiến thức nhằm nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ nhân sự đảm bảo tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp; Đặc biệt để thực hiện tốt vai trò là tuyến phòng thủ cuối cùng trong quản trị rủi ro của ngân hàng, nhất là với những yêu cầu mới về giám sát quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro.



Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu