Agribank thuộc danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020

16/08/2019
Ngày 15/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Hình minh họa
Theo danh mục doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định này, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là một trong những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên.
Triển khai thực hiện Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp) đúng kế hoạch; xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với tiêu chí quy định.
Ngoài ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; những trường hợp đặc thù, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành và các trường hợp đặc thù khác.
Cùng với đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp Nhà nước cần nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.
Định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020 báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quyết định cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định.
CKH



Agribank, chỉ có một con đường

Chưa có cơ sở chắc chắn để chốt thời điểm đạt đích, nhưng Agribank chỉ có một con đường để đi nếu muốn thực sự phát triển



Agribank, chỉ có một con đường

Từng dẫn đầu, nay quy mô vốn điều lệ của Agribank rơi xuống thấp nhất trong nhóm "big 4" ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ngày 16/8, thị trường bất ngờ đón nhận thông tin kết quả kinh doanh cơ bản 7 tháng đầu năm 2019 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank).
Bất ngờ, vì đây không phải thường lệ công bố của ngân hàng này, khi mà báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm còn chưa rõ với công chúng.

Áp lực trước điểm hẹn

Có hai điểm liên quan cho bất ngờ trên.

Một là, sau nhiều năm kết quả kinh doanh hạn chế và tái cơ cấu, tình hình hoạt động Agribank có chuyển biến rõ, thậm chí có điểm có thể nói là thần kỳ, họ có động lực để công bố.

Hai là, quan trọng hơn, thời điểm họ khởi động kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Cập nhật kết quả kinh doanh tốt lên cũng là một yếu tố hỗ trợ cho kế hoạch phát hành.

5.000 tỷ đồng trái phiếu đó nằm trong điểm hẹn mà Agribank và một số ngân hàng thương mại khác đang đối diện, và đã gần kề: đảm bảo yêu cầu đủ vốn, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II mà Ngân hàng Nhà nước đã định ở Thông tư 41, bắt đầu từ 01/01/2020.

Thông tư 41 ban hành từ 2016, tức là đã có một khoảng thời gian dài để các ngân hàng chuẩn bị. Nhưng với Agribank, kể cả có kéo dài thêm nữa, sự chuẩn bị về vốn cũng thụ động và nhỏ giọt. Mô hình đặc thù, hoàn toàn của Nhà nước, Agribank không có tên trong kế hoạch phân bổ vốn trung hạn từ ngân sách mà Quốc hội đã định.

Không đáp ứng được Basel II đúng hẹn thì sao? Ngân hàng Nhà nước không thể ép Agribank tự tăng cân khi thiếu nguồn; cách còn lại là cắt giảm tối đa tài sản để cơ cấu lại cân đối, nhưng như vậy đi ngược với tiến trình phát triển và cạnh tranh, thị phần.

Không đúng hẹn, thông thường theo quy định Agribank sẽ bị hạn chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, thậm chí hạn chế trong cấp phép các hoạt động mở rộng mới… Quan trọng hơn, khi nhiều thành viên trong hệ thống đúng hẹn, qua đó có điều kiện để tiến lên, mà Agribank không đáp ứng được đồng nghĩa với tụt lại và mất thị phần, mất khách hàng, ngay cả vị thế quan hệ đại lý và đối tác trên thế giới cũng có thể bị ảnh hưởng.

Vậy nên, kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, góp phần cải thiện CAR trở thành một trong những bậc nâng Agribank với tới Basel II, ít nhất là về yêu cầu đủ vốn. Nhưng đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế, có chi phí đắt đỏ (lãi suất trái phiếu phải trả cao hơn bình thường), mang tính chắp vá.

Bền vững và lâu dài, để thực sự chủ động hơn, tự chủ hơn trong hoạt động, Agribank chỉ có một con đường: cổ phần hóa.

Thách thức gần 3 triệu m2 đất

Tiến độ cổ phần hóa Agribank bị chậm. Năm 2020, theo danh sách Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt, ngân hàng này phải thực hiện xong. Dù vậy, hiện chưa có cơ sở nào để khẳng định chắc chắn sẽ đúng hẹn.

Thị trường chứng khoán 2019 đang nối dài khó khăn, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng suy giảm mạnh. Nếu IPO và cổ phần hóa trong bối cảnh đó có thể hạn chế về giá trị chào bán và thặng dư thu về. Nhưng đây không phải nguyên do chính.

Khó khăn và trở ngại lớn nhất nằm tại chính Agribank: quyền quản lý sử dụng gần 3 triệu m2 đất.

Khó khăn trên đã từng được đầu mối chuyên trách của Bộ Tài chính đưa ra lý giải cho tiến độ cổ phần hóa Agribank chậm thời gian qua. Ngân hàng 31 năm tuổi này có một quá trình phát triển lâu dài, phủ khắp các tỉnh thành cả nước, và đó là một quá trình hình thành và phát triển quỹ đất, quyền sử dụng.

Tính đến cuối 2018, tại đây có tới 938 chi nhánh, 1.294 phòng giao dịch. Cứ mỗi điểm gắn với một thửa đất, thuộc sở hữu hoặc có quyền sử dụng và đa dạng đến phức tạp trong xác định giá trị.

Tiên quyết trong cổ phần hóa là phải xác định được giá trị doanh nghiệp, xác định đúng để tránh thất thoát và tránh vấn đề trách nhiệm. Để xác định quy mô khổng lồ tới gần 3 triệu m2 đất nói trên, các đầu mối sẽ phải làm việc cụ thể với từng cơ quan chức năng liên quan trên hàng chục tỉnh thành về vấn đề sở hữu, quyền sử dụng, giá trị đất và đánh giá lại…

Theo tìm hiểu của BizLIVE đến quý 2 vừa qua, khâu phối hợp xác định giá trị gần 3 triệu m2 đất đó mới chỉ thực hiện được tại số ít tỉnh thành mà thôi.

Chìa khóa là mô hình

Khoảng hai năm trước, khi kế hoạch cổ phần hóa Agribank đặt ra, khó khăn từng được đánh giá hàng đầu là tình hình tài chính, nhất là vốn điều lệ không những không tăng được mà còn sắp giảm đi (đến 2023 một phần trái phiếu đặc biệt tăng vốn đáo hạn và phải trừ khỏi vốn).

Nhưng, như trên, khi nói Agribank đã tạo được một kết quả thần kỳ là ở xử lý nợ xấu.

Cuối 2012 đầu 2013, thành viên có tới trên 37.000 cán bộ nhân viên này từng có nợ xấu lên tới gần 6%. Đây cũng là đầu bảng “gửi” nợ xấu sang VAMC những năm sau đó.
Nhưng đến nay, điều thần kỳ thể hiện ở chỗ tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 chỉ còn 1,49% tính đến 31/7/2019. Và trao đổi bên lề với BizLIVE, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước từng dự tính, nếu không có yếu tố bất thường, chắc chắn Agribank sẽ và phải tất toán được hết toàn bộ nợ xấu đã bán sang VAMC trước đây ngay trong năm nay.

Xử lý được nợ xấu, kết quả kinh doanh chủ động cập nhật có chuyển biến và tạo bất ngờ như trên (tính đến 31/7/2019, lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng tới 127% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75% kế hoạch năm), Agribank tự tin hơn để tính tới cổ phần hóa.

Giải quyết sớm được bài toán xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là thách thức định giá gần 3 triệu m2 đất nói trên, với tình hình kinh doanh chuyển biến và có khả quan như vừa cập nhật, IPO và cổ phần hóa ngân hàng này sẽ mở ra con đường tự giải phóng - con đường duy nhất.

Như thực tiễn tại Vietcombank và BIDV, lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài, cùng thặng dư chỉ mang tính thời điểm và có thể mức độ rất nhỏ (như BIDV chỉ bán 4,72%), chìa khóa của giá trị là mở ra một mô hình: công ty cổ phần.


Khi có mô hình cổ phần, Agribank không còn quá thụ động về nguồn vốn ngân sách cấp mà mắc kẹt như những năm qua. Ngân hàng có thêm giải pháp tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ, tìm kiếm cổ đông chiến lược… như Vietcombank, BIDV và VietinBank đã và đang làm. Khi đó, một Agribank tự chủ hơn trong hoạt động, trong tăng trưởng và cạnh tranh mới thực sự bắt đầu.

Minh Đức (Bizlive.vn)

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc






Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu