Hoàn thiện chính sách quản lý Fintech: Đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dùng

21/08/2019
Chia sẻ thông tin tại tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech” tại Hà Nội ngày 20/8, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech (công nghệ tài chính) là đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dùng. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng sẽ tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, Sandbox là một trong những giải pháp hàng đầu, NHNN cũng đang là đơn vị đi đầu trong các bộ ngành về cơ chế này.

Hoàn thiện chính sách quản lý Fintech: Đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dùng
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), không nên đánh đồng trung gian thanh toán và Fintech là một, trung gian thanh toán (lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư) chỉ là một trong chục lĩnh vực Fintech. Về trung gian thanh toán, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý tương đối sớm, cho phép thí điểm từ năm 2008 và chính thức từ năm 2012 khi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt được ban hành.
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, quản lý Fintech không chỉ là quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán mà cả các doanh nghiệp công nghệ tài chính khác ví dụ như cung cấp công nghệ hạ tầng blockchain hay các giải pháp liên quan đến AI, Bigdata cũng như quản lý tài chính cá nhân…
Fintech còn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Theo đánh giá của ông Nghiêm Thanh Sơn, Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Fintech phát triển đó là quy mô dân số và sự phát triển của thương mại điện tử.
Trong vài năm vừa qua, hoạt động thanh toán khá phát triển: số lượng tài khoản thanh toán của người dân tăng nhanh qua các năm. Năm 2018 có 45,8 triệu người dân trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản, chiếm 63% dân số trưởng thành, nhưng khả năng tiếp cận ngân hàng truyền thống còn hạn chế, đặc biệt với đối tượng dân cư sinh sống tại nông thôn. Đây là cơ hội lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cũng nằm trong chiến lược thúc đẩy tiếp cận các dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đã đề ra tại Quyết định 2545 về thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử và các giao dịch thanh toán điện tử phát triển nhanh chóng cũng tạo đà cho Fintech. Trong quý II/2019, tốc độ phát triển của thanh toán dịch vụ ngân hàng qua mobile banking tăng trưởng 160% so cùng kỳ năm 2018, trong khi tỷ lệ ở các nước trong khu vực chỉ ở mức 60 - 80%. Nó thể hiện rằng tỉ lệ sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam rất cao. "Đây là một trong những lợi thế để các doanh nghiệp Fintech phát triển", ông Sơn đánh giá.
Hiện nay, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngang hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân… Chủ đạo trong hoạt động Fintech vẫn là thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép, phần lớn là tổ chức ví điện tử (27), cổng thanh toán điện tử (26), hỗ trợ thu hộ chi hộ (26), chuyển tiền điện tử (9). Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại cũng rất mạnh, ứng dụng công nghệ mới.
Trong 2-3 năm vừa qua, dịch vụ thanh toán qua các kênh điện thoại và Internet phát triển mạnh mẽ. Qua số liệu thu thập hàng năm, tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại và Internet rất lớn. Dịch vụ thanh toán qua mã QR code được nhiều ngân hàng thương mại phát triển, có 24 ngân hàng đang triển khai, 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR.
Nhận định về sự phát triển của Fintech Việt Nam trong 5 năm tới, ông Nghiêm Thanh Sơn cho rằng thị trường sẽ có những sự thanh lọc nhất định. Doanh nghiệp mới được thành lập và nhiều doanh nghiệp Fintech sẽ ra đi. Đây cũng là những quy luật của thị trường. “Nhưng nhìn vào các diễn biến hiện nay tôi cho rằng chắc chắn sẽ có các doanh nghiệp kỳ lân (là các doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD). Hi vọng trong 5 năm tới các doanh nghiệp đã được đầu tư sẽ có quy mô phát triển lớn hơn và vươn ra nhiều thị trường trên thế giới. Các cơ quan quản lý như NHNN sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech để phát triển ổn định và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiểm soát rủi ro và bảo vệ người sử dụng", ông Nghiêm Thanh Sơn nói thêm.
Ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán
Sandbox– cơ chế thử nghiệm cho doanh nghiệp Fintech
Lãnh đạo Vụ Thanh toán nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech suy cho cùng là đảm bảo lợi ích của người dùng. Nhưng đi cùng với đó, NHNN cũng sẽ tạo hành lang pháp lý sao cho vẫn thúc đẩy doanh nghiệp được đổi mới sáng tạo. Trong đó, Sandbox là một trong những giải pháp hàng đầu, NHNN cũng đang là đơn vị đi đầu trong các bộ ngành về cơ chế này. NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Sandbox vào tháng 5/2019. Mục tiêu của đề án là hiện thực hóa các giải pháp tại Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiểm đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và cũng là nhiệm vụ được nêu tại Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. NHNN có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức.
Theo Vụ Thanh toán, trên thế giới thời gian thử nghiệm Sandbox cho Fintech thông thường 6 tháng, còn tại Việt Nam quá trình này có thể từ 1 đến 2 năm tùy theo từng trường hợp cụ thể, và để được tham gia Sandbox, các doanh nghiệp cần nộp đơn đăng ký xin được tham gia. Tùy từng trường hợp, NHNN và doanh nghiệp sẽ thảo luận quyết định về phạm vi địa lý, hạn mức giao dịch, số lượng khách hàng tham gia dịch vụ và thời gian mong muốn thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo để Chính phủ giám sát để tới khi hết thời gian thử nghiệm, khi mô hình thành công sẽ được chính thức hóa, góp phần hạn chế triệt để những rủi ro do thiếu quy định quản lý gây ra.
Nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia để đưa ra tỷ lệ room ngoại phù hợp
Liên quan đến đề xuất trần 30% sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nghiêm Thanh Sơn thông tin, tỷ lệ room nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán hiện đang được cơ quan chức năng lấy ý kiến và chưa đưa ra tỷ lệ nào chính thức.
“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau, cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để đưa ra tỷ lệ room ngoại phù hợp với lĩnh vực này. Nhiều khả năng sẽ áp dụng 30% hay 49%. Theo số liệu thống kê, hết quý I/2019, toàn thị trường hiện có 27 công ty trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử được cấp phép nhưng có tới 90% thị phần (cả số lượng lẫn giá trị giao dịch) đều nằm trong 5 công ty trung gian thanh toán lớn. Các công ty này đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%. Điều này cũng đặt ra nhiều mối quan ngại liên quan đến an toàn thông tin và cũng đủ lớn để ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia” – Lãnh đạo Vụ Thanh toán nhấn mạnh. Đồng thời khi đưa ra tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các cơ quan quản lý cũng chú ý tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.
Giải thích thêm, ông Sơn cho biết, NHNN xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán thông qua sở hữu do nắm giữ trực tiếp và cả sở hữu gián tiếp. "Cơ quan quản lý đã tính tới trường hợp các tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần thông qua pháp nhân tại Việt Nam, nên tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ bao gồm cả phần nắm giữ gián tiếp tại các Fintech thanh toán", Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán nói.
Cũng tại tọa đàm, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc quản lý tiền ảo, tiền mã hóa, tiền điện tử, tài sản ảo, đại diện Vụ Thanh toán cho biết: Theo các quy định hiện hành, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Về việc quản lý đối với tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, đồng bộ, thống nhất về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trên cơ sở góp ý của các bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông và NHNN về nội dung này. Đồng thời, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tải sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Phương Linh


Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??