Xử lý nợ xấu: Cần có thêm nguồn lực
22/08/2019
TS. Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc VAMC cho biết, vẫn còn
nhiều địa phương, bộ ngành liên quan hiểu chưa đúng về Nghị quyết 42 (NQ 42),
gây chậm trễ cho tiến trình xử lý nợ xấu (XLNX). Bên cạnh đó, cần có thêm nguồn
lực tài chính và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, bộ, ngành liên quan để đẩy
nhanh tiến độ XLNX.
Ảnh minh họa.
Xin ông cho biết cụ
thể hơn về những vướng mắc mà VAMC đang gặp phải trong tiến trình XLNX hiện
nay?
Ở VAMC, chúng tôi không vấp phải
nhiều vướng mắc về thuế, hay các trường hợp chây ỳ khi thu giữ tài sản. Thậm
chí trên thực tế các trường hợp thu giữ của VAMC khá là thuận lợi. Tuy nhiên,
vướng mắc nhất của VAMC trong thời điểm này chính là nguồn lực tài chính hạn
chế nên chưa thể mạnh tay XLNX và mua nợ theo giá trị thị trường. Theo lộ trình
quy định tại Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2018, vốn điều lệ
của VAMC được nâng lên 5.000 tỷ đồng và đến năm 2020 con số này được nâng lên
10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vốn
điều lệ của VAMC vẫn chỉ vẻn vẹn có 2.000 tỷ đồng. Cuối tuần trước, NHNN đã
trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cấp bổ sung vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng
sau khi các bộ, ngành liên quan đã đồng ý với chủ trương này. Hy vọng, trong
tháng 8 này, chúng tôi sẽ được tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, VAMC cũng đang vướng mắc về
thủ tục chuyển nhượng sang tên tài sản bảo đảm (TSBĐ) của nợ xấu. Thậm chí khi
VAMC đấu giá bán được rồi, khách hàng cũng đã bàn giao tài sản nhưng người mua
vẫn gặp khó khăn do không được hỗ trợ thủ tục.
Chẳng hạn như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, có
trường hợp Công ty TNHH Đầu tư APG mua lại tài sản của CTCP Đầu tư xây dựng sản
xuất Tân Thành với giá trị tài sản đấu giá là gần 153 tỷ đồng. Các bên hoàn
thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng mua bán và tiến hành bàn giao tài sản từ
tháng 5/2018.
Sau đó, công ty này đã nộp hồ sơ để
thực hiện thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Nhưng đến nay đã 14 tháng, đơn vị trên vẫn chưa thể sang tên được Giấy nhận
quyền sử dụng đất, mặc dù VAMC cũng như DN này đã gửi rất nhiều văn bản đến các
cơ quan liên quan nhưng không được giải quyết.
Gần đây nhất Sở Tài nguyên & Môi
trường đã có văn bản phúc đáp và đưa ra một số lý do khiến cho đơn vị này chưa
có căn cứ để giải quyết trường hợp trên. Cụ thể, theo cơ quan này, tại thời
điểm đấu giá, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ thực
hiện thẩm định điều kiện tham gia đấu giá theo các quy định của pháp luật về
đấu giá tài sản, chứ không thực hiện thẩm định theo điều kiện quy định tại Điều
58 Luật Đất đai vì không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm… dù cách vận
dụng trên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là sai.
Ông có thể giải
thích cụ thể hơn vì sao cách vận dụng trên là sai?
Về giá trị pháp lý, Luật cao hơn Nghị
quyết. Nhưng đối với NQ 42 lại có hiệu lực cao hơn văn bản Luật. Vì sao tôi lại
nói vậy, bởi theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, ngân hàng muốn thu giữ tài
sản phải thông qua toà án. Nhưng NQ 42 đã cho phép các TCTD được thực hiện thu
giữ TSBĐ khi đủ điều kiện chứ không phải qua tòa. Hay như đối với vấn đề chuyển
nhượng tài sản, NQ 42 yêu cầu các cơ quan liên quan phải tạo điều kiện để TCTD,
VAMC thực hiện.
Cần có thêm nguồn lực tài chính và
sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành để đẩy nhanh tiến độ XLNX theo Nghị
quyết 42.
Tóm lại, trong cùng một vấn đề được
điều chỉnh bởi Luật và NQ 42 thì NQ 42 có hiệu lực cao hơn văn bản luật. Nên
vận dụng Luật Đất đai của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với trường hợp chuyển
nhượng tài sản là hiểu chưa đúng dẫn đến ra quyết định sai. Do chưa được sang
tên nên các thủ tục pháp lý tiếp theo của dự án bị vướng mắc, không thể tiếp
tục đầu tư xây dựng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người mua. Điều này khiến
các khách hàng ngày càng e ngại khi mua lại các khoản nợ xấu.
Theo ông vì sao vẫn
còn nhiều khúc mắc trong triển khai NQ42?
Tôi cho rằng, do cách hiểu chưa đúng
dẫn đến vận dụng tại các địa phương, bộ, ngành liên quan rất chậm, thậm chí là
sai như trường hợp trên. Sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong triển khai NQ 42 đã
làm giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách lớn này, thậm chí đang có hiện tượng
đi ngược lại chính sách. Đây là vướng mắc lớn nhất trong thực hiện NQ 42.
Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền
về mục tiêu, ý nghĩa cũng như nhiệm vụ được đặt ra tại NQ 42, theo tôi, cần
phải tổng hợp lại những bất cập vướng mắc để trình tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Hy vọng, Quốc hội sẽ đưa ra quyết sách mạnh trong việc sửa đổi bổ sung cho NQ
42, nhất là về tính tuân thủ yêu cầu các đơn vị liên quan phải triển khai
nghiêm túc nhiệm vụ được giao. Có như vậy, NQ 42 mới phát huy được hiệu quả cao
đúng như mục tiêu mà Quốc hội đặt ra khi ban hành chính sách này.
Theo kế hoạch XLNX năm 2019, NHNN
giao cho VAMC thu hồi 50 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc. Từ đầu năm đến nay, VAMC xử
lý được gần 30 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc đạt gần 60% so với kế hoạch. Luỹ kế từ
năm 2013 đến 8/8/2019, VAMC đã phối hợp với TCTD thu hồi được hơn 136 nghìn tỷ
đồng nợ xấu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên việc XLNX của VAMC không thể triệt để
và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng. Hạn
chế về vốn điều lệ hiện tại ảnh hưởng tương đối nhiều đến nhiệm vụ mà VAMC được
giao.
Chẳng hạn theo kế hoạch đặt ra trong
năm 2019 là VAMC mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường, nhưng do vốn
chưa được cấp, nên nợ mua theo giá trị thị trường chưa đạt yêu cầu. Hiện tại
VAMC đang xúc tiến chuẩn bị ký kết các hợp đồng mua bán nợ theo giá thị trường.
Đơn cử, VAMC chuẩn bị ký hợp đồng đối với 2 khách hàng của Sacombank và
Agribank với giá mua dự kiến 450 tỷ đồng; đánh giá, hoàn thiện 6 khoản nợ từ
Agribank và VietABank với tổng giá mua nợ dự kiến là 259,6 tỷ đồng…
Tuy nhiên, với tình hình năng lực tài
chính hạn chế như hiện nay, có lẽ VAMC phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Giả
sử như bước sang năm 2020, mục tiêu mua nợ xấu theo giá trị thị trường là 20
nghìn tỷ đồng theo như kế hoạch đặt ra trước đó thì điều này chỉ có thể đạt khi
VAMC được cấp đủ vốn điều lệ là 10 nghìn tỷ đồng.
VAMC có đề xuất nào
để giúp cho việc xử lý nợ xấu được suôn sẻ hơn?
Ngoài mong muốn lớn nhất được sớm bổ
sung vốn điều lệ để VAMC có đủ nguồn lực tài chính thực hiện mục tiêu đẩy nhanh
tiến độ XLNX trong năm 2019, VAMC kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn đến Tổng
cục Thuế, các chi cục thuế liên quan đến nghĩa vụ tài chính khi xử lý TĐBĐ.
Tháo gỡ khúc mắc liên quan đến chuyển nhượng TSBĐ, VAMC đề nghị Bộ Tài nguyên –
Môi trường hướng dẫn các thủ tục nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng
đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình trong tương lai;
thủ tục chuyển nhượng TSBĐ của khoản nợ xấu là dự án BĐS đang dở dang.
Về phía mình, để nâng cao hiệu quả
trong hoạt động mua, bán và XLNX nhất là thúc đẩy sự phát triển thị trường mua,
bán nợ, VAMC xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC. Dự kiến trong tháng 9/2019 Câu
lạc bộ này chính thức ra mắt. Đến thời điểm này đã có ít nhất 20 thành viên là
các AMC đăng ký tham gia. Tôi hy vọng, đến khi Câu lạc bộ ra mắt sẽ có thêm
thành viên mới.
Đặc biệt, VAMC đã hoàn thiện và trình
NHNN Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. VAMC
đang hoàn thiện và chuẩn bị trình NHNN đề án Sàn giao dịch nợ xấu. Quyết sách
trên được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong hoạt động của VAMC. Chẳng hạn
như VAMC sẽ “cầm trịch” thị trường mua bán nợ xấu, trở thành trung tâm mua bán
nợ xấu quốc gia.
Xin cảm ơn ông!
Comments
Post a Comment