Khuôn khổ pháp lý triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II trong ngành Ngân hàng Việt Nam

27/08/2019
Những năm gần đây, chúng ta đã có dịp chứng kiến thị trường tài chính toàn cầu trải qua nhiều cuộc khủng hoảng; khó khăn tài chính với phạm vi lớn, mức độ tác động ngày càng lớn và tần suất ngày càng dày. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các bất ổn đó là hoạt động quản trị rủi ro và giám sát tài chính dù đã có những tiến bộ đáng kể nhưng chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các định chế tài chính và các công cụ tài chính, trong đó có các chuẩn mực an toàn đối với hệ thống tài chính - ngân hàng. Chủ đề về chuẩn mực an toàn luôn là nội dung chính được bàn thảo tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế ở mọi cấp độ về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng và ổn định tài chính.

Hình ảnh minh họa
Với tư cách là tổ chức ban hành các chuẩn mực an toàn quốc tế, Ủy ban Basel đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành các chuẩn mực an toàn mới cho các ngân hàng và đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới nghiên cứu để áp dụng cho hệ thống ngân hàng của mình. Việc ra đời hàng loạt các chuẩn mực an toàn mới như Chuẩn mực an toàn vốn Basel II năm 2005, Basel III năm 2010 với định hướng mang tính toàn diện hơn, tập trung vào quản lý rủi ro và chú trọng nhiều hơn đến an toàn vĩ mô của hệ thống đã khiến cho các cơ quan thanh tra, giám sát của các nước trở nên bận rộn trong việc nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực này cũng như nâng cao các quy định an toàn trước đây cho phù hợp với hoàn cảnh của hệ thống ngân hàng của quốc gia đó. Có thể nói xu hướng nâng cao các chuẩn mực đối với các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng hoạt động quốc tế, có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống ngân hàng, được xem là yêu cầu tất yếu đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.     
Tại Việt Nam, đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã xem giải pháp triển khai Chuẩn mực vốn Basel II là trọng tâm vì đây là giải pháp “thay đổi về chất” và có tính chiến lược, tạo nền tảng phát triển bền vững cho hệ thống tổ chức tín dụng nói chung và từng tổ chức tín dụng nói riêng theo đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 xác định: “...từng bước áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại tổ chức tín dụng. Đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo Chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên)”. Ngày 17/03/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành Công văn số 1601/NHNN-TTGSNH phê duyệt lộ trình triển khai Chuẩn mực an toàn vốn Basel II trong ngành ngân hàng đến năm 2019. Theo đó đến năm 2019, hệ thống ngân hàng Việt Nam tuân thủ Chuẩn mực vốn Basel II theo phương pháp cơ bản. Đồng thời, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, ban  hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 đã tiếp tục coi một trong những giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng là đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo mức đủ vốn tự có theo Chuẩn mực vốn Basel II.   
Việc triển khai thực hiện chuẩn mực vốn Basel II là nhiệm vụ không hề dễ dàng vì nó đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin… 
Theo Ủy ban Basel, trên cơ sở tổng hợp  kinh nghiệm triển khai Basel II tại một số nước (Trung Quốc, Malaysia, Singapore và các nước có thu nhập thấp [1]) thì những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai Basel II tại các quốc gia này bao gồm: Chất lượng nguồn dữ liệu; tính đầy đủ của nguồn lực (hạ tầng công nghệ, tài chính, con người); cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý; quy định về công bố thông tin. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của việc triển khai Basel II, các quốc gia khác nhau có các cách thức triển khai khác nhau phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của hệ thống ngân hàng - tài chính và năng lực của cơ quan giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, hai đặc điểm chung dễ nhận thấy là các cơ quan giám sát ngân hàng đều áp dụng các bước sau: (i) Sử dụng các phương pháp tiếp cận đơn giản cho từng loại rủi ro; (ii) Đặt khuôn khổ về thời gian hoàn thành việc triển khai Basel II tính từ lúc bắt đầu là khoảng 4-5 năm và có lộ trình cụ thể để cơ quan quản lý và các định chế tài chính thực hiện.

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam, để góp phần từng bước đưa hoạt động ngân hàng Việt Nam phù hợp với Basel II, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, NHNN đã tiến hành triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng hệ thống khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng các chuẩn mực Basel II. Ngày 30/12/2016, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41) theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II. Đây được coi là bước đi đầu tiên, làm tiền đề cho việc triển khai Basel II theo lộ trình đã được Thống đốc NHNN phê duyệt để thực hiện trụ cột 1 và trụ cột 3 Basel II. Thông tư 41 là văn bản pháp quy của NHNN yêu cầu NHTM Việt Nam tính toán và duy trì tỷ lệ an toàn vốn theo định hướng Basel II, theo đó các ngân hàng sẽ hoạt động an toàn hơn, với lượng vốn “đủ” theo thông lệ tiên tiến để bù đắp các rủi ro trọng yếu gồm (rủi ro tín dụng; rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động), định hướng các ngân hàng hướng đến những phân khúc khách hàng ít rủi ro hơn, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro để được giảm trừ vốn yêu cầu. Trong quá trình hoạt động hàng ngày, ngân hàng phải thực hiện việc tính vốn theo khẩu vị rủi ro và rà soát công tác quản lý rủi ro theo từng phân khúc khách hàng, các yêu cầu về tài sản bảo đảm... từ đó công tác quản lý rủi ro của ngân hàng được chủ động hơn, định hướng kế hoạch cụ thể để định hướng tăng cường quản lý rủi ro đối với các phân khúc có mức độ rủi ro tăng. Điểm đáng chú ý của Thông tư 41 là phương pháp tính toán tài sản có rủi ro (risked weighted assets-RWA) đối với rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động được quy định theo các hướng dẫn mới nhất của Ủy ban Basel, cụ thể: Đối với rủi ro tín dụng  là phương pháp tiêu chuẩn sửa đổi (revised standardize approach) được biết đến như là Basel IV và đối với rủi ro hoạt động là phương pháp chỉ số kinh doanh sửa đổi (business indicator). Quy định này đã xử lý khó khăn thực tế của Việt Nam là chưa có các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập và các khách hàng được xếp hạng tín nhiệm độc lập còn rất hạn chế.     
Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về triển khai Chuẩn mực vốn Basel II tại Việt Nam, ngày 18/5/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có cấu phần quy định về đánh giá nội bộ mức đủ vốn ICAAP để thực hiện trụ cột 2 của Basel II. Điểm dễ dàng nhận thấy của Thông tư 13 là yêu cầu ngân hàng cải thiện hoạt động quản lý rủi ro, phù hợp với yêu cầu của Basel II và các thông lệ tiên tiến về quản lý rủi ro. Lần đầu tiên tại văn bản quy phạm pháp luật giới thiệu về khẩu vị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, theo đó yêu cầu về khẩu vị rủi ro là bước tiến giúp ngân hàng Việt Nam có định hướng trong việc xây dựng khẩu vị rủi ro trong quản trị ngân hàng hiện đại. Có khẩu vị rủi ro, ngân hàng lượng hóa được rủi ro mà mình sẵn sàng chấp nhận để thực hiện hoạt động kinh doanh, từ đó, ngân hàng giám sát hồ sơ rủi ro của mình theo khẩu vị rủi ro đã xác định và kịp thời có những điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, Thông tư 13 quy định về việc kiểm tra sức chịu đựng đối với các loại rủi ro trọng yếu và có vốn bổ sung đối với kịch bản nền kinh tế có diễn biến bất lợi. Từ quy định tối thiểu phải tuân thủ tại Thông tư 13, ngân hàng buộc phải thực hiện kiểm tra sức chịu đựng thanh khoản và vốn, nhờ đó xác định được tình hình thanh khoản và vốn của ngân hàng trong tình huống xấu, cũng như tính toán dự phòng thanh khoản và lập kế hoạch vốn phù hợp. Một điểm đáng chú ý của Thông tư 13 là yêu cầu việc quản lý rủi ro phát sinh liên quan đến sản phẩm mới, hoạt động mới trong quản lý rủi ro hoạt động của ngân hàng. Với các yêu cầu tại Thông tư 13, các ngân hàng sẽ phải tập trung nâng cao quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế và hoạt động ngân hàng sẽ càng được minh bạch hơn, điều này tạo nền tảng giúp các ngân hàng Việt Nam tiếp cận với thị trường vốn quốc tế một cách dễ dàng, với chi phí thấp và tăng mức độ tin cậy của các định chế tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế khác đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, quy định tại Thông tư 13 là cơ sở  tiền đề cho việc triển khai phương pháp thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng trên cơ sở rủi ro (risks based supervision) theo chủ trương đổi mới phương pháp thanh tra kết hợp thanh tra tuân thủ và thanh tra trên cơ cở rủi ro của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.    
Như vậy, với việc ban hành Thông tư 41 và Thông tư 13, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai Chuẩn mực vốn Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn với đầy đủ cả 3 trụ cột, đồng thời đưa ra lộ trình phù hợp để thực hiện các mục tiêu về áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế mà Chính phủ và Quốc hội đề ra. 
[1] Gottschalk R và Jones S, 2006. “Review of Basel II Implementation in Low-Income Countries”, Institute of Development Studies University of Sussex.

ThS. Lê Trung Kiên
Theo Tạp chí Ngân hàng

Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu