Agribank trước cổ phần hóa: Dự phòng rủi ro 20.000 tỷ đủ sức ‘gồng gánh’ toàn bộ nợ xấu tại VAMC

Tính đến 31/12/2018, tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro của Agribank đạt gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý ngay các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong 2019.

[​IMG]
Đó là một trong những thông tin nổi bật được ngân hàng công bố ngày 16/1/2019, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019.

Theo ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc ngân hàng, kết thúc 2018, Agribank hoàn thành toàn diện vượt mức 100% kế hoạch, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng để hoàn thành phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020, tiến tới cổ phần hóa.

Cụ thể, năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, mức bứt phá kỷ lục so với mục tiêu 5.700 tỷ đồng từ đầu năm.

Tổng tài sản đạt gần 1.300.000 tỷ đồng; nguồn vốn đạt gần 1.200.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,8%; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.200.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm trước, trong đó tín dụng đầu tư cho “tam nông” chiếm 70,5% tổng dư nợ; dịch vụ đạt 5.400 tỷ đồng, tăng trưởng 21%.

Đáng chú ý, nợ xấu theo Thông tư 02 là 1,51%, thấp hơn so với năm 2017; thu hồi nợ sau xử lý 11.936 tỷ đồng, đạt 104% mục tiêu do Hội đồng thành viên đề ra; trích lập dự phòng rủi ro đạt 25.590 tỷ đồng.

“Tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019. Đây là tiền đề quan trọng để ngân hàng hướng tới cổ phần hoá trong giai đoạn 2016 - 2020”, ông Thành nói.

Ngoài ra, trong số 1,7 triệu tỷ đồng mà toàn ngành ngân hàng đầu tư cho khu vực “tam nông” thì dư nợ của Agribank chiếm tới 52% và cùng đó là 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước.

Hướng tới mục tiêu tiếp cận tài chính toà diện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, từ đầu năm 2018, ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; triển khai 5 gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân và cá nhân, lãi suất vay thấp hơn từ 1% - 1,5% so với mặt bằng chung.

Đặc biệt, ngân hàng đã triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với 2.746 phiên, phục vụ gần 300.000 khách hàng tại 357 xã trên toàn quốc, doanh số giao dịch đạt 3.500 tỷ đồng, cho vay gần 4 triệu hộ sản xuất và cá nhân.

An Thơ
Theo VnFinance

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??