Dịnh hướng triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019 09/01/2019

Định hướng triển khai nhiệm vụ ngành Ngânhàng năm 2019

09/01/2019

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu rõ nhiệm vụ cần triển khai của ngành Ngân hàng trong năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng thẳng thắn nhìn nhận công tác điều hành của NHNN và hoạt động của các TCTD còn nhiều thách thức đặt ra, cũng như tồn tại, hạn chế cần có bước đi và lộ trình để khắc phục triệt để.
Thống đốc lưu ý, các đơn vị chức năng của NHNN cần tăng cường công tác tham mưu và linh hoạt, bám sát diễn biến tiền tệ ở khu vực và quốc tế cũng như trong nước để chủ động đề xuất những giải pháp.
Cùng với đó, hệ thống ngân hàng phải thường xuyên quan tâm đến chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát, đặc biệt là công tác giám sát từ xa; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó cần tiếp tục rà soát bổ sung, đặc biệt là những quy định liên quan điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đánh giá năm 2019 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo đảm hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của đất nước, Thống đốc cho rằng, để có thể thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động phức tạp khó lường, các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với ngành Ngân hàng trong 2019 là rất nặng nề, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2019 như sau:
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2019, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Thứ hai, tiếp tục triển khai tích cực Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém. Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hệ thống QTDND nhằm bảo đảm hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và giữ vững ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các TCTD.
Thứ ba, tập trung triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Giám sát các hệ thống thanh toán, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tốt hơn hoạt động cung ứng dịch vụ của các trung gian thanh toán và thanh toán điện tử.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN và giao dịch với TCTD góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng phát triển bền vững. Phấn đấu năm 2019 cải thiện chỉ số Tiếp cận tín dụng tăng ít nhất 1 bậc xếp hạng.
NH, ảnh: ĐK




Ngân hàng nào nhận "thưởng" chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2019?

Ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước bước đầu đưa ra định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 14%, không thay đổi so với mức ước tính thực hiện trong năm 2018.

[​IMG]
14% là phù hợp
Về kết quả năm 2018, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước dẫn lại, định hướng đưa ra đầu năm khoảng 17%, nhưng thực tế thực hiện linh hoạt và kết năm ước khoảng 14%.

Bà Hồng cho biết, trong điều hành Thống đốc luôn quan tâm đến việc tập trung tín dụng sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời ngay từ đầu năm đã có chỉ thị kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn mức độ rủi ro cao hơn.
Mặc dù 2018 là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát đạt mục tiêu, yếu tố tiền tệ được kiểm soát chặt chẽ qua lạm phát cơ bản luôn ở mức thấp, nhưng Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi mà quy mô tín dụng đối với nền kinh tế đã lên tới trên 130% GDP.
Mặt khác, mức 14% năm cũng thể hiện các kênh đầu tư của nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn, gắn với tăng trưởng GDP đạt mức cao.

Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng chỉ 14%, với phương châm mở rộng tín dụng gắn liền với an toàn và hiệu quả. Nhà điều hành sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể tới từng tổ chức tín dụng để chủ động thực hiện.

Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát, xem xét linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, phối hợp với các bộ ngành để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi nói về chỉ tiêu tín dụng.

Dự kiến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm có các chỉ thị cụ thể định hướng điều hành và hoạt động ngành năm 2019, trong đó có định hướng chi tiết hơn về phát triển tín dụng.

Còn qua năm 2018, năm đầu tiên toàn hệ thống thực hiện chủ trương siết lại tăng trưởng tín dụng, cho thấy các chỉ tiêu giao đầu năm hầu hết ở mức thấp hơn những năm trước và gần như không nới lên với phần lớn các thành viên, một số trường hợp được "nới room" chỉ sau khi cân đối lại vài tháng cuối năm.

Theo đó, năm 2019 dự kiến mức độ 14% tiếp tục là giới hạn khó có điều chỉnh lớn ở các tổ chức tín dụng cụ thể.

Tuy nhiên, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng có gợi mở, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại đáp ứng được các chuẩn mực Basel 2 thì sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập tổ thẩm định kết quả thực hiện Basel 2, và hiện đã có ba ngân hàng thương mại đã triển khai thành công.

Điểm danh ứng viên
Cụ thể, cuối 2018, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã có Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Phương Đông (OCB) chính thức được Ngân hàng Nhà nước công nhận triển khai thành công Basel 2.
Theo đó, dự kiến Vietcombank, VIB và OCB sẽ là ba ngân hàng thương mại đầu tiên có "phần thưởng" về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019. Riêng trường hợp Vietcombank dự kiến có thêm thuận lợi khi vốn cấp 1 tăng thêm từ kế hoạch bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đầu năm nay.

Ngoài ba trường hợp trên, dự kiến từ đầu 2019 hệ thống sẽ có thêm một số ngân hàng thương mại khác đăng ký và được thẩm định về kết quả áp dụng Basel 2. Nếu thành công, có thể kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tại những trường hợp này.

Việc Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tăng trưởng tín dụng theo kết quả thực hiện Basel 2 có thể hiểu nhằm thúc đẩy hệ thống từng bước củng cố an toàn hoạt động, theo các chuẩn mực quốc tế tốt hơn.

Trong tiêu chí trên, yêu cầu đủ vốn và nâng cao chất lượng tài sản khi thực thi Basel 2 là thử thách với hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo đó, yêu cầu và áp lực tăng vốn tiếp tục đặt ra trong năm 2019.

Trước thềm năm nay, thị trường cũng đã ghi nhận một số thành viên chủ động tăng được vốn điều lệ qua huy động thêm nguồn lực mới bằng phát hành riêng lẻ, như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) tăng từ hơn 14.294 tỷ đồng lên hơn 15.231 tỷ đồng; Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) tăng từ gần 5.466 tỷ đồng lên 7.688 tỷ đồng vào cuối 2018.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối cũng đã và đang có kế hoạch tăng vốn từ nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.

Riêng trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công thương (VietinBank) vẫn còn khó khăn trong triển vọng tăng được vốn điều lệ, do đặc thù và giới hạn nội tại.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) hiện vẫn chưa thực hiện xong kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư Hana Bank để có được mức vốn điều lệ mới.
Trong khi đó, Agribank, VietinBank và BIDV là ba thành viên lớn, chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần tín dụng toàn hệ thống. Hạn chế ngắn hạn ở đây cũng góp phần lý giải cho định hướng tăng trưởng tín dụng chung năm 2019 bước đầu khá thấp.

Ngược lại, tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, do được "nới room" tăng trưởng tín dụng vào cuối 2018, một thuận lợi nhất định cũng đã có từ mẫu số dư nợ có điều kiện mở rộng thêm năm qua để tham chiếu lớn hơn cho năm nay dù chỉ tiêu bước đầu giao có thể ở mức thấp quanh 14%.


HOÀNG VŨ
Theo VnEconomy


Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??