Bảng xếp hạng vốn diều lệ các ngân hàng đã thay đổi thế nào trong năm 2018?

Sau sự xáo trộn đáng kể ở năm 2017, bảng xếp hạng vốn điều lệ các ngân hàng trong năm 2018 tiếp tục chứng kiến thêm nhiều thay đổi với dấu ấn nổi trội của các ngân hàng tư nhân. Vốn điều lệ của cả hệ thống đã được bơm thêm hơn 50 nghìn tỷ, mức tăng khá mạnh trong nhiều năm trở lại đây.

[​IMG]
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Quốc gia (NFSC), năm 2018, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống đã được cải thiện.

Cụ thể, theo ước tính của NFSC, CAR toàn hệ thống đạt 11,1% do vốn tự có tăng 12,2% trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tỷ lệ vốn cấp 1/ tổng tài sản có hệ số rủi ro là 8,8%, tăng so với mức 7,8% năm 2017.

Thống kê gần nhất của NHNN, đến cuối tháng 5/2018, tổng vốn điện lệ của hệ thống TCTD đạt 516.951 tỷ đồng, tăng 0,88% so với đầu năm. Trước đó, trong năm 2016, 2017, vốn điều lệ của hệ thống đã được bơm thêm hơn 32 nghìn tỷ và 15 nghìn tỷ đồng.

Kết thúc năm 2018, chưa có số liệu chính thức từ phía cơ quan quản lý, tuy nhiên theo thống kê của chúng tôi thì cho thấy vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng đã tăng hơn 50 nghìn tỷ đồng, mức tăng mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. Song, chuyển biến tích cực này không được chia đều cho toàn bộ hệ thống và trên thực tế không đến một nửa các ngân hàng tăng được vốn trong năm qua, trong đó dấu ấn mạnh được ghi nhận ở các ngân hàng tư nhân top đầu như Techcombank, VPBank, MB, ACB,…

Techcombank là nhân tố nổi bật nhất khi có vốn điều lệ tăng tới gấp 3 lần lên gần 35.000 tỷ đồng, hiện chỉ đứng sau VietinBank, Vietcombank còn đứng trước cả BIDV và Agribank. Ngân hàng đã tăng vốn thông qua việc chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:2 cho các cổ đông sau khi niêm yết vào hồi tháng 7/2018. Trên bảng xếp hạng vốn điều lệ, thứ hạng của nhà băng này cũng đã tăng vọt từ vị trí thứ 11 lên thứ 3.

Tương tự, bằng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, VPBank và MB cũng đã tăng được lượng vốn khủng trong năm qua. Vốn điều lệ của VPBank đã tăng thêm 10.500 tỷ lên 25.300 tỷ đồng; trước đó vào năm 2017, nhà băng này cũng đã tăng được hơn 7.500 tỷ đồng. Trong khi đó, MB sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 5% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14% cũng đã tăng vốn điều lệ hơn 3.400 tỷ lên 21.600 tỷ. Hai ngân hàng cùng dắt nhau lên vị trí thứ 6 và thứ 7 trong bảng xếp hạng, vượt qua Sacombank.

Sự phân hóa và khoảng cách giữa các ngân hàng thấy rõ khi 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống vẫn là những cái tên cũ. Đa số các ngân hàng nhỏ vẫn đang chật vật với kế hoạch tăng vốn của mình. Vốn điều lệ quá thấp đang là vấn đề đau đầu đối với những ngân hàng này nếu muốn mở rộng kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn vốn trong thời gian tới.

OCB, VIB và TPBank là những điểm sáng ở nhóm ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ về tăng vốn điều lệ trong năm 2018 khi lần lượt tăng được 1.599 tỷ, 2.190 tỷ và 2.724 tỷ. Vốn điều lệ của ba nhà băng này hiện đạt lần lượt là 6.599 tỷ, 7.834 tỷ và 8.566 tỷ đồng.

Ở nhóm "ông lớn" ngân hàng có vốn nhà nước, Vietcombank là nhà băng duy nhất tăng được vốn trong năm qua, tuy nhiên cũng mới chỉ tăng thêm được hơn 1.111 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ của Vietcombank hiện đạt 37.089 tỷ, gần bằng với VietinBank (37.234 tỷ đồng).

Trong kế hoạch tăng vốn điều lệ ban đầu của mình, Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ gần 360 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để đưa vốn điều lệ lên 42.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, ngân hàng mới chỉ phát hành được hơn 111 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư chiến lược là GIC và Mizuho. Số cổ phiếu còn lại khả năng sẽ được phát hành trong năm 2019.

"Bức thiết", "cấp bách", là những từ được cả Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV nhắc lại nhiều lần khi nói về khó khăn tăng vốn của mình. Chủ tịch VietinBank, ông Lê Đức Thọ chia sẻ nguồn lực dùng để tăng vốn của ngân hàng đã được khai thác tới hạn và kiến nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu 2017-2020 và chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt khi hệ số CAR của ngân hàng đảm bảo.

Ngay cả Vietcombank vừa phát hành xong 3% vốn cổ phần cho đối tác nước ngoài cũng bày tỏ nhu cầu tăng vốn còn rất bức thiết và đề nghị Chính phủ cho phép được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, đồng thời nới tỷ lệ room nước ngoài để hỗ trợ cho hoạt động tăng vốn.

Hạn cuối áp dụng Basel II đang đến gần hơn với các ngân hàng, trong đó yêu cầu về vốn tối thiểu là một trong 3 trụ cột chính để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Nhiều nhà băng trong khi chưa tăng được vốn điều lệ phải tìm cách cải thiện hệ số CAR bằng việc tái cơ cấu danh mục tài sản theo hướng tập trung vào các tài sản có mức độ rủi ro thấp hơn, cùng với đó tăng cường xóa nợ và trích lập dự phòng chung. Tuy nhiên, tăng vốn điều lệ vẫn là điều bắt buộc để tiếp tục tăng trưởng, cải thiện kết quả kinh doanh và đảm bảo an toàn.

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã tăng được lượng vốn điều lệ khá lớn trong năm vừa qua, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì nhu cầu trong thời gian tới vẫn còn rất lớn.

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??