CEO Vietcombank: Mục tiêu dẫn dầu thị phần bancassurance Việt Nam vào 2025

  • Ngân hàng hướng đến nâng tỷ trọng thu phí bảo hiểm trong cơ cấu lên mức chung của thế giới, 8-40% tổng thu nhập, dẫn đầu thị phần bảo hiểm trong 5 năm tới từ vị trí top 10 hiện nay.
  • Kết quả hoạt động của Vietcombank Cardif không như kỳ vọng là một trong những nguyên nhân khiến ngân hàng từ bỏ.
  • Chưa thể tiết lộ giá trị nhưng CEO ngân hàng cho hay quy mô gấp nhiều lần so với những thương vụ trước đây.

Sáng 12/11, Vietcombank (HoSE:VCB) tổ chức lễ ký kết hợp tác độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với Tập đoàn Bảo hiểm FWD. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, có những chia sẻ với Người Đồng Hành về thương vụ này.

- Vì sao Vietcombank từ bỏ công ty bảo hiểm liên doanh và hợp tác bancassurance với FWD?

- Ngân hàng tham gia thị trường bảo hiểm tương đối sớm, từ năm 2008 và đã thành lập công ty liên doanh với đối tác ngoại (Vietcombank Cardif). Khi đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong lĩnh vực bảo hiểm.

Công ty liên doanh này hoạt động trong lĩnh vực đơn thuần là phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Họ chỉ tập trung vào một loại bảo hiểm duy nhất là "credit life", bảo hiểm cho các khoản vay, theo kênh phân phối, bán hàng của ngân hàng. Doanh nghiệp này đã đạt thành tựu nhất định nhưng trong thời gian gần đây phải đối diện với nhiều thách tức. Thứ nhất là sản phẩm không được đa dạng. Thứ hai là giá không cạnh tranh được với thị trường. Và hthứ ba là khả năng mở rộng quy mô tư vấn tài chính để bán bảo hiểm cùng với bên ngân hàng rất hạn chế.

Mặt khác, bản thân Vietcombank, cũng như nhiều ngân hàng thế giới, nhận thấy việc duy trì hoạt động của một công ty bảo hiểm cũng gây sức ép đối với hệ thống, trong bối cảnh ngân hàng đang đứng trước yêu cầu về gia tăng vốn. Đó là những nguyên nhân chính khiến Vietcombank quyết định tìm hướng đi mới và hợp tác với FWD.

Một lý do khác dẫn đến quyết định này là kết quả của công ty bảo hiểm trong quá trình vận hành so với tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực bảo hiểm không lớn. Trong 5 năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng 25-30%. Riêng thị phần bán bảo hiểm qua ngân hàng đã tăng từ 4% năm 2012 lên 17% năm 2018. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng bán bảo hiểm qua ngân hàng cao hơn nhiều thị trường bảo hiểm.

anh-dung-8316-1573548245.jpg
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho rằng chọn FWD làm đối tác do 2 bên có những điểm tương đồng. Ảnh: VCB.


- Tại sao Vietcombank lựa chọn FWD? Giá có phải là một lý do?

- Trong quá trình triển khai định hướng lại mảng bảo hiểm, chúng tôi cũng sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn tài chính quốc tế. Sau thời gian làm việc với các đơn vị và tiếp xúc với nhiều công ty bảo hiểm, trong đó, một số đơn vị hàng đầu thế giới mong muốn hợp tác. Chúng tôi đã xây dựng một bộ tiêu chí toàn diện để đánh giá và lựa chọn các bên có thể hợp tác với ngân hàng, cuối cùng chọn FWD.

Với sự hậu thuẫn của Pacific Century, tập đoàn bảo hiểm này có sự phát triển nổi bật trong thời gian qua. Đơn vị có khả năng số hóa cao trong tất cả chu trình bảo hiểm và hiểu biết về thị trường châu Á. Với những yếu tố trên, FWD phát triển được sản phẩm phù hợp với từng phần khúc khách hàng nhanh chóng và cạnh tranh. Đây là điểm tương đồng với chiến lược số hóa và bán lẻ của ngân hàng.

- Ngân hàng có dự định gì sau khi ký kết hợp tác?

- Ký kết của 2 bên đánh dấu sự hợp tác lớn nhất trong lịch sử giữa ngân hàng và bảo hiểm tại Việt Nam. Chúng tôi chưa thể tiết lộ giá trị nhưng có thể khẳng định là quy mô gấp nhiều lần so với những thương vụ trước đây.

Giao dịch này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khi các sản phẩm được đa dạng hóa về giải pháp bảo hiểm, chất lượng cũng được nâng cao. Chúng tôi sẽ lên kế hoạch dài hạn và xây dựng sản phẩm với từng phân khúc khách hàng, tối ưu hóa mạng lưới phân phối và các chi nhánh của ngân hàng.

Sau khi chuyển đổi mô hình công ty liên doanh sang phân phối độc quyền, chúng tôi kỳ vọng có thể gia tăng thị phần phân phối bảo hiểm của Vietcombank trên thị trường, mục tiêu đứng đầu vào năm 2025, từ vị trí top 10 hiện nay.

Vietcombank kỳ vọng hợp tác này sẽ gia tăng thu nhập ngoài lại của ngân hàng đóng góp vào mục tiêu thu nhập từ ngân hàng bán lẻ đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2025 theo chiến lược đề ra.

- Sau khi ký hợp đồng độc quyền như vậy thì thu từ bancassurance sẽ chiếm tỷ trọng ra sao trong cơ cấu của ngân hàng?

- Thu nhập phí bảo hiểm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả việc hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm. Thời gian qua, lĩnh vực bảo hiểm đã thay đổi rất nhiều và bản thân bancassurance cũng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ngày xưa, mô hình hợp tác truyền thống có thể gọi là bancassurance 1.0 thì bây giờ đã là 4.0. Sự cách biệt giữa các doanh nghiệp hoạt động banccasurance xuất sắc và bình thường rất đáng lớn.

Trên thế giới, tại các ngân hàng tiên tiến, nguồn thu từ phí bảo hiểm có thể đóng góp dao động 8-40% tổng thu nhập. Ngân hàng có tiềm năng để đạt được,Vietcombank kỳ vọng hoạt động bancassurance sẽ đóng góp vào thu ngoài lãi của ngân hàng, hướng tới chuẩn mực chung của thế giới.

- Ngân hàng áp dụng chuyển đổi số vào phân phối bảo hiểm ra sao?

- Chuyển đổi số là dự án lớn của Vietcombank. Việc thực hiện thành công dự án này mang ý nghĩa sống còn đối với ngân hàng trong thời gian tới. Các kênh phân phối sản phẩm truyền thống vẫn tồn tại nhưng quan trọng hơn là kênh phi truyền thống, không thông qua mạng lưới chi nhánh mà tiếp cận qua kênh điện tử, số hóa. Đây cũng là lý do ngân hàng cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu với từng phân khúc khách hàng để đẩy mạnh bán hàng qua các kênh số hóa.

Lê Hải (ndh.vn)

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc


Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??