Tăng cường công tác phối hợp nhận diện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng

22/11/2019
Ngày 22/11/2019 tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Nhận diện vi phạm, tội phạm thông qua thực tiễn kiểm sát giải quyết các vụ, việc trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng” khu vực phía Bắc.
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV402526/Web
Đ/c Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có Đ/c Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN, Đ/c Nguyễn Huy Tiến - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và các đại biểu đến từ các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tinh, thành phố, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, một số ngân hàng thương mại…
image
Đ/c Lê Tư Quỳnh trình bày báo cáo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị Đ/c Lê Tư Quỳnh - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, các TCTD đã cơ bản làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tổng hợp các loại tội phạm và những hành vi vi phạm phổ biến, điểm hình trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, chỉ ra nguyên nhân của những vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này, những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án thuộc lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đề ra một số giải pháp về: Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng ngân hàng. Đối với cơ quan tiến hành tố tụng: Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và các ngân hàng thương mại trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Nâng cao chất lượng đội ngũ tư pháp; Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ vủa Viện Kiểm sát cấp trên với cấp dưới, rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm cho kiểm sát viên…
Phát biểu tại Hội nghị, Đ/c Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ, các TCTD đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế. Thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng trong giai đoạn 2011-2015 và kết quả xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, hình sự liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua cho thấy những vi phạm, sai phạm trong hoạt động ngân hàng chủ yếu được tích tụ từ giai đoạn trước 2011.
Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, trong thời gian qua NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát, công tác đấu tranh phòng chống các hành vi sai phạm về tội phạm trong ngành ngân hàng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân... nhằm siết chặt hơn nữa kỷ cương, trật tự trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
image
Quang cảnh Hội nghị
Để tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các TCTD. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi không tuân thủ quy định và vi phạm pháp luật; Tiếp tục chỉ đạo ngành ngân hàng thực hiện nghiêm túc Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”; và giám sát TCTD thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07 của Thống đốc NHNN về phòng, chống, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện căn bản, đồng bộ khung pháp lý về an toàn hoạt động ngân hàng, về hoạt động thanh tra, giám sát, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và quy định của Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Thanh tra; Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng; Tăng cường hơn nữa sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN với Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng…
Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc triển khai thành công công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng nói chung và tăng cường tính hiệu quả của việc nhận diện các vi phạm, tội phạm của các vụ án trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng nói riêng, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của ngành Ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, sự phối hợp của ngành Kiểm sát và các bộ, ngành có liên quan trong công tác phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Phó Thống đốc cho rằng, thông qua Hội nghị này NHNN sẽ nhận được sự chia sẻ, phối hợp ngày càng chặt chẽ của ngành Kiểm sát không chỉ đối với hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng nói riêng mà các hoạt động khác của ngân hàng nói chung. Cùng với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống, ngành Ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu phát triển ổn định, an toàn, bền vững của hệ thống.
image
Đ/c Nguyễn Huy Tiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Đ/c Nguyễn Huy Tiến - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Hội nghị đã nhận diện được các vi phạm, có ý nghĩa thiết thực để phòng tránh rủi ro trong hoạt động của hệ thống Ngân hàng. Đồng thời, các cơ quan tố tụng cũng cần lưu ý đến đặc diểm hoạt động của ngành Ngân hàng trong quá trình xử lý các vụ án để vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng góp phần cảnh báo, phòng ngừa các vi phạm.
Đ/c Nguyễn Huy Tiến mong mốn, trong thời gian tới NHNN có thêm các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực này, coi đây là giải pháp hữu hiệu để phòng tránh rủi ro của các TCTD. Cùng với đó, các TCTD cần đảm bảo hơn nữa tính minh bạch trong hoạt động quản lý vốn, sử dụng vốn, hoạt động cho vay. Trong đó, cần lưu ý thực hiện tốt công tác phân cấp, phân quyền, công tác quản lý cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong đơn vị của TCTD.
Đ/c Nguyễn Huy Tiến yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành Ngân hàng và các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để giải quyết toàn diện, triệt để, đúng pháp luật các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, tổng kết thực tiễn, kịp thời kiến nghị biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương.
Đối với những kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị về hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, cũng như khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của công tác giải quyết các vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tổng hợp, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị, sau hội nghị và thời gian tới, các VKSND cấp cao tiếp tục tập hợp các dạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng để thông báo trong toàn Ngành nghiên cứu, tham khảo, vận dụng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
CKH


Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu