Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp

27/11/2019
Sáng 27/11/2019, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp”. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV402626/Web
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN; chi nhánh NHNN; đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Ngân hàng; đại diện một số Trường đại học, Học viện, Viện Nghiên cứu; đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ); đại diện các Ngân hàng thương mại…
Hội thảo nhằm làm rõ các cơ sở lý luận và thực tiễn về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển bền vững, nhận diện những cơ hội, thách thức đối với tăng trưởng tín dụng xanh ở Việt Nam hiện nay; Phân tích, đánh giá đúng với thực trạng tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay để qua đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị chính sách đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng xanh ở nước ta thời gian tới; Khung chính sách về tài chính, các chế tài, tiêu chí xanh; Khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, sự phối hợp chính sách của các bộ ngành; Cơ chế chính sách của nhà nước hiện nay, thực trạng sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế để khuyến khích tăng trưởng tín dụng xanh; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh cho các cấp quản lý, doanh nghiệp, người dân; Kinh nghiệm các nước, bài học áp dụng phù hợp với thực trạng Việt Nam hiện nay…
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, tài chính xanh, ngân hàng - tín dụng xanh là lĩnh vực mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Hội thảo là rất cần thiết để tập hợp ý tưởng, sáng kiến và kinh nghiệm của các đại biểu rút ra từ kết quả nghiên cứu, khảo sát về ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam và quốc tế. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp và khuyến nghị hữu ích nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội, đặc biệt giải quyết tốt những thách thức làm cản trở việc tăng trưởng tín dụng xanh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi mô hình phát triển như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng, Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, Chính phủ giao NHNN chủ trì thực hiện hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh, cụ thể: Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
PGS.TS Đào Minh Phúc – Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo
Để thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ngay sau khi có những văn bản chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình; một sốngân hàng thương mại cũng chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh.
Hội thảo đã lựa chọn được 53 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước và các ngân hàng thương mại. Các tham luận đã tập trung làm rõ việc tăng trưởng tín dụng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức của quá trình phát triển bền vững cũng như quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương từ đó đưa ra nhiều giải pháp cho tăng trưởng tín dụng xanh ở nước ta hiện nay.
LG-ĐK

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??