Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn lạc quan, doanh nghiệp được dự báo tiếp tục lãi lớn


Từ đầu năm tới nay, doanh thu phí gốc bảo hiểm phi nhân thọ đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước...

Theo báo cáo cập nhật thị trường quý 4/2019 của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2019.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết 20/9/2019, doanh thu phí gốc ngành bảo hiểm đạt mức 109.871 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí gốc bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức 37.299 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong năm 2019, các chuyên gia phân tích của BSC kỳ vọng doanh thu phí gốc ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tiếp tục tăng trưởng toàn ngành từ 10%-12% với kỳ vọng nhu cầu tăng cao do cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ bảo hiểm phi nhân thọ/GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp (1,3% so với mức từ 3%-4% trong khu vực thị trường đang phát triển), phí bảo hiểm phi nhân thọ/người ở mức thấp (21 USD/người so với 70 USD/người tại thị trường đang phát triển).

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn lạc quan, doanh nghiệp được dự báo tiếp tục lãi lớn - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong quý 2/2019 tăng trưởng mạnh, chủ yếu đến từ tăng doanh thu tài chính. Do cạnh tranh cao, lợi nhuận thuần từ nghiệp vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp chỉ tăng trưởng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 572 tỷ đồng cùng mức tăng 21,8% so với cùng kỳ nhờ việc cải thiện lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Trong nửa cuối năm 2019, BSC cho rằng với việc các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện hiệu quả hoạt động thông qua việc áp dụng công nghệ giúp giảm thiểu chi phí, từ đó cải thiện tỷ lệ kết hợp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giữ ở mức cao như hiện tại khiến cho lợi nhuận toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng từ 15%-20% trong năm 2019.

BSC đồng thời đánh giá khả quan đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ do (1) lãi suất tiền gửi tăng giúp cải thiện lợi nhuận tài chính; (2) tăng trưởng phí gốc ngành bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo tăng trưởng đều đặn từ 10%-12% trong tương lai; (3) việc áp dụng công nghệ vào hoạt động bảo hiểm giúp các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động bảo hiểm.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng của ngành không có nhiều đột biến và triển vọng các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cải thiện mạnh mẽ khi các thương vụ thoái vốn, nới room diễn ra. Được biết trong năm 2019 nhà nước dự kiến sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành như PVI và BMI. "Với việc 2 doanh nghiệp này khẳng định được vị thế trong ngành cũng như có thị phần tương đối tốt trên thị trường, chúng tôi kỳ vọng việc thoái vốn tại 2 tổng công ty bảo hiểm này sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư" - BSC đánh giá.

Phương Thảo

Theo Tài chính Plus

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc
---------------------------------------------------------------------

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??