Dồng loạt cấp thẻ Căn cước công dân tại 63 tỉnh, thành từ 01/01/2020

Theo lộ trình được đề ra tại Luật Căn cước công dân năm 2014, bước sang năm 2020 cũng là thời điểm thẻ Căn cước công dân được cấp thống nhất trên cả nước, thay vì chỉ một số địa phương như hiện nay.

Đồng loạt cấp thẻ Căn cước công dân tại 63 tỉnh, thành

Nếu như trước đây, đa phần người dân sử dụng CMND, thì kể từ ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực (01/01/2016), việc cấp thẻ Căn cước công dân đã được triển khai ở một số địa phương. Được biết, hiện nay đã có 16 tỉnh, thành phố được cấp thẻ Căn cước công dân.

Tuy nhiên, Điều 38 Luật Căn cước công dân chỉ rõ:

Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày 01/01/2016; chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.

Đồng thời, các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.

Như vậy, theo quy định nêu trên của Luật, bắt đầu từ ngày 01/01/2020, việc cấp thẻ Căn cước công dân sẽ được thực hiện trên cả nước, thay vì chỉ có 16 tỉnh, thành như hiện nay. Khi làm thủ tục cấp đổi CMND hết hạn hoặc trường hợp CMND bị mất thì người dân sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân, thay vì CMND.

Bộ công an ra quy định mới về chuyển từ CMTND sang căn cước công dân

Để tạo tiền đề cho việc triển khai cấp thẻ Căn cước công dân trên cả nước từ năm 2020, vừa qua Bộ Công an đã ban hành Thông tư 40/2019 quy định mới về trình tự, thủ tục chuyển từ CMND thẻ căn cước công dân. Thông tư này áp dụng từ ngày 18/11/2019.

- Trường hợp CMND còn rõ nét thì cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân. Khi trả thẻ Căn cước công dân mới cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó và trả cho người đến nhận thẻ Căn cước công dân.

Nếu công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua bưu điện thì tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.

- Trường hợp CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND.

- Trường hợp công dân mất CMND 9 số khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND 9 số đã mất.

Nguồn: LuatVietNam


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc


Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới

Nhiều người gặp phải phiền toái, rắc rối "trên trời" bởi việc thay đổi CMND sang dùng thẻ căn cước công dân khi thực hiện các hoạt động giao dịch.

Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới



Phiền toái khi đổi số CMND

Kể từ năm 2016, thời điểm Luật Căn cước công dân có hiệu lực, có ba loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số và thẻ căn cước công dân.

Hơn 3 năm trôi qua, nhiều người cho biết họ gặp không ít rắc rối, phiền toái từ những giấy tờ tùy thân trên khi giao dịch trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, công chứng..., đặc biệt với những trường hợp thay đổi số CMND nhiều lần.

Anh N.X.Trung (27 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh vừa mất toàn bộ giấy tờ tuỳ thân bao gồm CMND và thẻ ngân hàng. Sau khi xin cấp căn cước công dân (CCCD) thay thế CMND, anh đến ngân hàng để làm thủ tục cấp lại thẻ. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng yêu cầu anh phải đưa ra CMND cũ hoặc bản photo mới có thể làm thủ tục vì tài khoản ngân hàng của anh được đăng ký bằng số CMND trước đây.

"Điều này là rất vô lý khi tôi bị mất giấy CMND mới phải đi làm lại thẻ căn cước mà họ lại yêu cầu tôi phải xuất trình CMND hoặc có bản photo CMND cũ.

Tôi phải về nhà lật hết giấy tờ sổ sách để tìm kiếm nhưng không còn bản photo nào, may mắn sau đó tôi lên cơ quan đang làm việc xin kiểm tra hồ sơ ở đó và tìm được 1 bản photo CMND cũ. Không hiểu nếu không tìm thấy bản photo đó, họ sẽ giải quyết cho tôi thế nào
", anh Trung nói.

Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới - Ảnh 1.

Tương tự, ông B.Đ Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ông khốn khổ sau khi đổi CMND sang thẻ căn cước. Mới đây, khi đi rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng, ông Sơn không thể tất toán được sổ vì CCCD hiện tại của ông khác với CMND trước đây.

Khi ra rút tiền, nhân viên nói vẫn biết đúng là tôi nhưng họ không thể giải quyết được. Để rút được tiền, tôi phải về công an phường nơi tôi cư trú xin xác nhận việc tôi đã đổi CMND”, ông Sơn bức xúc.

Bi đát hơn anh Trung và ông Sơn, chị Vũ Thị Hằng từ quê lên mua nhà tại Hà Nội để sinh sống hơn 10 năm nay. Do đã có hộ khẩu mới nên chị làm lại căn cước công dân ở Hà Nội, và đây là lần thứ 3 chị thay đổi giấy tờ tuỳ thân, bên cạnh 2 CMND cũ trước đây.

Gần đây, chị Hằng muốn thế chấp nhà đất cho ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, chị Hằng bị vướng khi ngân hàng đổi chiếu giấy tờ kết hôn của chị và chồng lại ghi số CMND đầu tiên.

Ngân hàng không làm thủ tục và yêu cầu chị phải có xác nhận số CMND cũ với thẻ CCCD hiện nay từ cơ quan công an.

Tuy nhiên, khi quay về quê để nhờ cơ quan công an xác nhận CMND cũ, chị Hằng tiếp tục gặp phải rất nhiều khó khăn vì đã qua 2 lần đổi số CMND và chị không còn lưu giữ.

Cuối cùng, chị Hằng phải từ bỏ ý định thế chấp căn nhà để vay vốn ngân hàng do không có cách nào hoàn tất thủ tục.

Đơn giản hoá thủ tục cho dân

Bình luận về việc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, bên cạnh những rắc rối, phiền toái phát sinh từ việc người dân “tự nhiên” được thêm một số CMND mới thì việc cấp CMND theo quy định mới nhất của Bộ Công an cũng gây nhiều phiền lụy.

Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới - Ảnh 2.
Nhiều người dân gặp phiến phức khi thực hiện các giao dịch có liên quan đến việc thay đổi số CMND. (Ảnh minh hoạ)


Căn cứ Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16/5/2012 quy định về mẫu CMND, số CMND gồm 12 chữ số thay cho 9 chữ số như mẫu CMND cũ đã được cấp trước đây. Cũng theo Thông tư này, CMND (9 số cũ) nếu vẫn còn thời hạn thì vẫn còn giá trị sử dụng. Người dân nếu có yêu cầu đổi thì sẽ được thực hiện theo Thông tư mới.

Tuy nhiên, vấn đề mà người dân quan tâm nếu họ đổi CMND theo mẫu mới thì sẽ giải quyết ra sao đối với rất nhiều giấy tờ của người dân đều mang số CMND cũ (ví dụ đăng ký xe, tài khoản, sổ tiết kiệm tại ngân hàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà…).

Người dân sẽ không thể thực hiện các giao dịch hàng ngày như đối với các trường hợp vừa nêu. Hay đơn giản hơn chỉ là khi một người làm mất thẻ sim điện thoại, ra yêu cầu khôi phục, lấy lại sim, nhà mạng cũng không giải quyết, bởi chủ thuê bao đăng ký với nhà mạng là bằng một số CMND hoàn toàn khác.

Để việc sử dụng các giấy tờ, bằng cấp có liên quan đến số CMND cũ không gặp nhiều phiền phức, đồng thời giải quyết các giao dịch được thiết lập trước đó với cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo hướng dẫn của ngành công an, khi làm thủ tục cấp đổi CMND, người dân có thể yêu cầu cơ quan công an cấp thêm giấy xác nhận về số chứng minh cũ.

Tuy vậy, việc xin giấy xác nhận của ngành công an đối với nhiều người dân cũng là một thủ tục không đơn giản, phải đi lại, chờ đợi mất thời gian. Hơn thế, khi hàng loạt giấy tờ mang số CMND cũ, nghĩa là họ phải thực hiện rất nhiều công việc, giao dịch liên quan.

Trong khi đó, nếu chỉ trình giấy xác nhận thì không vấn đề gì, nhiều cơ quan khi giải quyết công việc còn đề nghị giữ lại luôn bản chính (hoặc photo có chứng thực) để làm “bằng chứng” chứng minh người thực hiện giao dịch đó đúng là người có số ghi trên CMND. Việc này đồng nghĩa người dân phải đi xin xác nhận nhiều lần, hoặc phải đi đến UBND cấp xã chứng thực sao y.

"Để tạo điều kiện cho người dân, ngành công an cần trù liệu những rắc rối phát sinh và tạo điều kiện tối đa khi người dân có yêu cầu xác nhận giữa CMND cũ – mới. Tốt nhất là nên trao cho mỗi người dân một giấy xác nhận số cũ và số mới kèm theo.

Người dân cũng có thể sao y bản chính lưu lại bản cũ để làm bằng chứng trước khi xin cấp đổi lại, liệu trù các tình huống để xin xác nhận số cũ và số mới khi đi làm CCCD
", luật sư Bình nói

Theo Xuân Trường


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc
Link gốc: Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới - VTC News


Biện pháp đơn giản không ngờ giải quyết rắc rối khi chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân

(VTC News) - Luật sư đề xuất chỉ cần in thêm số Chứng minh nhân dân vào Căn cước công dân nhằm hạn chế rắc rối, phiền toái phát sinh cho người dân.

Dân gặp vô vàn rắc rối

Giấy Chứng minh nhân dân (CMND) hay Chứng minh thư hay Thẻ căn cước là giấy tờ tuỳ thân của công dân Việt Nam, được sử dụng để thực hiện các giao dịch và phải xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi “không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền” thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Căn cước công dân (CCCD) là loại giấy tờ tuỳ thân quan trọng nhất nhằm định danh mỗi người, được ghi vào sổ hộ khẩu, hộ chiếu, “sổ đỏ”… để thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như các giao dịch dân sự như mua bán nhà đất, giao dịch tiền gửi.

Yếu tố quan trọng nhất để xác định danh tính (định danh) là số Chứng minh hoặc Căn cước và theo nguyên tắc, mỗi công dân chỉ có một, dù được cấp lần đầu hay cấp lại.

Bien phap don gian khong ngo giai quyet rac roi khi chuyen tu Chung minh nhan dan sang Can cuoc cong dan hinh anh 1

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC.

Tuy nhiên trên thực tế, những quy định bất hợp lý gây ra muôn vàn khó khăn, thậm chí bế tắc cho người dân và sẽ còn tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh không biết đến khi nào mới chấm dứt.

Thông thường, một người sẽ có từ 2 đến 3, thậm chí nhiều hơn số định danh như sau:

Thứ nhất, khi một người thay đổi nơi thường trú khác tỉnh, thành thì bị thay đổi số CMND khác, trước tháng 7/2012;

Thứ hai, từ tháng 7/2012 trở đi, CMND được đổi từ 9 thành 12 số theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BCA;

Thứ ba, từ năm 2016, được đổi sang thẻ CCCD theo Luật Căn cước công dân năm 2014.

Với 3 trường hợp trên, mỗi người bị thay đối số Chứng minh hoặc Căn cước hoàn toàn khác nhau, không có bất cứ sự liên hệ nào với số cũ. Chỉ riêng với trường hợp thứ nhất, thì mỗi người cũng đã có thể có nhiều số Chứng minh hoàn toàn khác nhau.

Ngoài ra còn xảy ra tình trạng cấp trùng số CMND. Chẳng hạn, năm 2009 Tổng cục Thuế cho biết phát hiện hơn 100.000 người bị trùng hơn 50.000 số Chứng minh thư tại 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Từ năm 2007 – 2015, tại TP.HCM cũng phát hiện 7.232 người bị cấp trùng số Chứng minh. Việc này được Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý đối với mã số thuế cá nhân tại các Công văn số 4313/TCT-CNTT ngày 21/10/2009 và số 5357/TCT-CNTT ngày 31/12/2009.

Có một số loại giao dịch thì cứ xuất trình Chứng minh hay Căn cước khớp với nhận dạng vì không cần phải đối chiếu khớp đúng với số trước đó. Thậm chí việc đi máy bay có thể dùng một số loại giấy tờ khác để thay thế. Còn đối với nhiều loại giao dịch thì bắt buộc phải đối chiếu khớp đúng với số giấy tờ tuỳ thân đã được ghi nhận trước đó.


Các ngân hàng không thể cho rút tiền khi số CMND của khách hàng khác với số được ghi trên thẻ tiết kiệm, vì rủi ro pháp lý và vi phạm pháp luật. Cụ thể, pháp luật ngân hàng quy định, khi chi trả tiền gửi cho khách hàng thì ngân hàng phải đối chiếu CMND bảo đảm chính xác với các thông tin đã lưu trước đó. Ví dụ như quy định tại khoản 2, Điều 18, Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về tiền gửi tiết kiệm”.

Cũng tương tự như vậy là việc không thể công chứng giao dịch nhà đất nếu số CMND của chủ sở hữu khác với số đã ghi trên “sổ đỏ”.

Do vậy, bắt buộc khách hàng phải có giấy tờ tin cậy để khắc phục sự sai lệch, bảo đảm cơ sở pháp lý. Vì không có quy định của pháp luật, nên mỗi nơi lại có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau để bảo đảm điều kiện an toàn giao dịch tối thiểu.

Vấn đề này xảy ra đối với hàng chục loại giao dịch trong mấy chục năm qua và có thể kéo dài nhiều thập kỷ tới. Rất nhiều người phải tìm mọi cách để chứng minh rằng mình chính là mình thông qua hộ chiếu, hộ khẩu hoặc phải xin xác nhận của cơ quan công an hoặc uỷ ban nhân dân các cấp.

Cũng vì không có quy định hay hướng dẫn của cơ quan chức năng về việc này, nên đã gây ra nhiều bức xúc, khó khăn, vướng mắc, tốn kém thời gian, tiền bạc và rủi ro pháp lý cho người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước.

Để giải quyết sự bất cập trên, Phó Thủ tướng thường trực chỉ đạo tại Công văn số 12219/VPCP-KSTT ngày 15/11/2017 về việc “Cấp Giấy xác nhận CMND” của Văn phòng Chính phủ: “Bộ Công an thực hiện việc cấp Giấy xác nhận CMND cho công dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ CMND 9 số sang thẻ CCCD, thay vì chỉ cấp khi công dân có yêu cầu như hiện nay”.

Giải pháp tối giản

Việc thống nhất xác nhận CMND như trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không còn phải loay hoay xin giấy tờ xác nhận như trước. Tuy nhiên, đối với giấy tờ tùy thân phát sinh trước đó vẫn phải giải quyết theo từng trường hợp cá biệt.

Từ năm 2018 trở đi, đã và sẽ có vài chục triệu người được cấp phải lưu giữ cẩn thận tờ giấy xác nhận trong vài chục năm thì quá tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức.

Trong khi có giải pháp rất dễ dàng, hợp lý và hầu như không mất thêm chi phí là chỉ cần in thêm số CMND vào CCCD.

Điều tưởng chừng là hiển nhiên vô cùng giản đơn, cần thiết, thậm chí là bắt buộc này, không hề được xem xét xử lý, đặc biệt là từ khi cấp thẻ CCCD đến nay.

Nguồn: sưu tầm

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc
Link gốc: Biện pháp đơn giản không ngờ giải quyết rắc rối khi chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân - VTC News




Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu