NHNN tổ chức tập huấn trực tuyến toàn ngành về 03 Luật quan trọng

20/11/2019
Ngày 20/11/2019 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức tập huấn trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018 dành cho cán bộ các tổ chức tín dụng, đại diện các vụ, cục, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố... nhằm nâng cao hiệu quả trong triển khai công tác của toàn ngành.
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/image/SBV402499/Web
Quang cảnh buổi tập huấn trực tuyến.
Trong năm 2018, Quốc hội khoá XIV đã thông qua 3 Luật gồm Luật Tố cáo (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết: Hiện nay, NHTW nhận được nhiều ý kiến liên quan tới những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai 3 Luật này. Cụ thể, đối với Luật Tố cáo 2018, nhiều ý kiến vướng mắc liên quan đến xác định rõ khái niệm nhiệm vụ công vụ; vấn đề liên quan đến xác minh các giao dịch phát sinh trong hoạt động ngân hàng (theo quy định tại khoản 3 Điều 8); thẩm quyền giải quyết tố cáo của người đứng đầu (quy định tại khoản 2 Điều 9)... Hay như với Luật Phòng, chống tham nhũng, vướng mắc tập trung xoay quanh việc kê khai tài sản, thu nhập, bổ sung tài sản; vấn đề về quy định thẩm quyền cung cấp thông tin, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến đặc thù hoạt động ngân hàng vốn là những thông tin về bí mật kinh doanh, thông tin cá nhân nên việc cung cấp cần có hướng dẫn chi tiết hơn.
Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.
Đối với Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cũng cho hay, cần cụ thể hơn quy định tại khoản 1 Điều 2 về xác định phạm vi bí mật nhà nước; quy định khái niệm về đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan tới mức độ bí mật...
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã nghe ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày giới thiệu những nội dung cơ bản và những quy định mới tại Luật Tố cáo 2018 so với Luật Tố cáo năm 2011, gồm 9 Chương và 67 Điều. Theo đó, Luật Tố cáo với nhiều điểm mới đáng chú ý như bổ sung thêm các nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo từ 60 ngày xuống còn 30 ngày kể từ khi thụ lý giải quyết tố cáo… Đặc biệt, Luật Tố cáo 2018 quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục bảo vệ khi người tố cáo có văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ. Đây là điểm mới rất quan trọng, quy định trách nhiệm của người giải quyết tố cáo và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.
Ông Đinh Văn Minh cũng đã trình bày với Hội nghị nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, gồm 10 Chương, 96 Điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 bổ sung nhiều vấn đề mới như: một số nguyên tắc về kiểm soát xung đột lợi ích, thiết lập cơ quan độc lập về kiểm soát tài sản, thu nhập, yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập… So với Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Luật 2018 viết gọn, súc tích hơn, nhất là phần mục công khai, minh bạch. Theo ông Minh, để luật có thể đi vào đời sống, quan trọng nhất vẫn nằm ở việc nâng cao nhận thức, sau đó mới nói có thể đề cập tới các vấn đề cụ thể khác.
Các đại biểu cũng đã được nghe Thiếu tướng Phạm Văn Vinh, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an giới thiệu những nội dung cơ bản nhất của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, gồm 5 Chương, 28 Điều. Qua đó, các cán bộ tham dự Hội nghị tập huấn đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất của Luật như các quy định liên quan tới tiêu chí xác định cấp độ bí mật nhà nước; phạm vi bí mật nhà nước; trách nhiệm lập danh mục bảo vệ bí mật nhà nước; thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước; đóng dấu độ mật đối với bí mật nhà nước dạng văn bản; thẩm quyền cho phép in sao chụp; tiêu huỷ bí mật nhà nước; khu vực cấm, địa điểm cấm...
T.Lê
Ảnh: Mạnh Thắng

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??