Làm ngân hàng, tố chất dầu tiên và ưu tiên phải là Bản lĩnh


Làm ngân hàng, tố chất đầu tiên và ưu tiên phải là Bản lĩnh

10 năm trong nghề, tôi nhận ra rằng, ranh giới mơ hồ giữa phải trái đúng sai rất mong manh nên bản lĩnh không vững và nhận định không sát với thực tế thì rất dễ sa ngã trước cơ hội tư lợi "làm giàu nhanh cho bản thân".


Tôi đã có 10 năm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và đang làm việc có mối quan hệ “thân thiết” với nhiều đối tác ngân hàng. Để nhìn nhận và đánh giá ngắn gọn nhất tôi xin dùng 3 từ "Bản lĩnh nghề" để diễn tả. Đây là tố chất đầu tiên và ưu tiên nếu bạn muốn khẳng định vị thế của mình và đón nhận sự thành công đến. Nếu thiếu bản lĩnh nghề nghiệp rất dễ mắc phải “sai lầm” mà cả cuộc đời sau đó không thể nào sửa sai được. Người xưa có câu "Thất bại là mẹ thành công" đúng nhưng chỉ một nửa với điều kiện sai lầm đó có thể sửa và làm lại. Trong cuộc sống khi vấp phải những sai lầm có thể làm lại được, theo tôi đó là điều may mắn để học hỏi trải nghiệm và bước tiếp.

Trong thời gian tôi gắn bó trực tiếp với nghề Tài chính Ngân hàng (từ năm 2006 – 2016), tôi đã trải nghiệm thành công có và thất bại cũng có. Đúc kết được chỉ mỗi tự rèn luyện bản thân để có bản lĩnh hơn trong cuộc sống.

Khi mới vào nghề, năm 2006, là giai đoạn cực thịnh của ngành Tài chính Ngân hàng, kéo theo bất động sản, chứng khoán và các ngành nghề khác phát triển "chóng mặt". Một người “bình thường” nắm bắt đúng cơ hội có thể nhanh chóng sở hữu khối lượng tài sản lớn và có giá trị. Năm 2008 là năm khủng khoảng thực sự và có tính chu kỳ của nền kinh tế toàn cầu. Chứng khoán giảm sâu, bất động sản gần như đóng băng, nhiều ngân hàng gần rơi vào trạng thái mất thanh khoản, đỉnh điểm lãi suất huy động cho kỳ hạn ngắn lên đến 24%/năm, lãi suất qua đêm liên ngân hàng, lãi suất cho vay vượt ngoài ngưỡng 30%/năm, nợ xấu tăng rất nhanh mà mãi về sau mới ghi nhận là chiếm tới 17% trong tổng dư nợ. Một con số thật khủng khiếp cho nền kinh tế. Giai đoạn ấy, giá vàng, ngoại tệ cũng thay đổi “chóng mặt”.

Đến năm 2009, các gói lãi suất ưu đãi của ngân hàng nhà nước được ban hành "trợ giá" cho doanh nghiệp trong một số ngành nghề ưu tiên đã kích cầu nền kinh tế nhưng chỉ dừng ở mức “thời điểm”, chưa phải là giải pháp toàn diện. Năm 2010 - 2012 các ngân hàng và các ngành nghề có liên quan đều hoạt động ở mức độ "cầm chừng" và “chờ đợi”. Các năm sau đó tập trung vào các giải pháp toàn diện của Ngân hàng Nhà nước và các Cơ quan ban ngành và đã xuất hiện những vụ “trọng án” trong ngành tài chính ngân hàng. Và đó là “điểm đen” mà tôi và mọi người không mong muốn.

Trải qua những sóng gió, đến năm 2016 tới nay nền kinh tế mới ổn định và có xu hướng phát triển trở lại. Có thể bạn đánh giá đó là tính chu kỳ, nhưng theo tôi nhận định ảnh hưởng từ các chính sách tiền tệ của các Cơ quan ban ngành, trong đó vai trò lớn thuộc về Ngân hàng nhà nước đã có các chính sách tiền tệ phù hợp và hiệu quả. Lãi suất huy động cho vay đến nay đã về thấp hơn thời điểm cách đây 10 năm và lạm phát được kiểm soát. Ngoại tệ, vàng, chứng khoán, bất động sản đang dần trở về giá trị thực của nó và có mối quan hệ “mắt xích” chặt chẽ nên rất khó để phá vỡ cho riêng bất cứ một loại hàng hoá nào trên thị trường. Cơ hội công ăn việc làm nhờ vậy cũng mở rộng ở khắp nơi và tạo ra cuộc sống ổn định cho người lao động.

Với cá nhân tôi, là người đã từng và đang tham gia nghề thì ranh giới mơ hồ giữa phải trái đúng sai rất mong manh nên bản lĩnh không vững và nhận định không sát với thực tế thì rất dễ "sa ngã" trước cơ hội tư lợi "làm giàu nhanh cho bản thân". Đến nay tôi không giàu có, so với bạn bè cùng lứa đã thành công tôi thuộc "Top nghèo" nhưng hài lòng với cuộc sống vì đã trải nghiệm, học hỏi nhiều điều, luôn có sự đổi mới thay đổi và sáng tạo. Cái nghề được đánh giá là nhạy cảm và nhiều cám dỗ, đôi khi còn bị cho là “sống ảo, hình thức, sang chảnh, ngồi mát ăn bát vàng”.

Cuối cùng tôi luôn mong muốn các bạn đã đang và sẽ đến với nghề Tài chính Ngân hàng cùng nhau góp phần xây dựng cho nền kinh tế Việt Nam "còn rất nhiều tiềm năng" phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Tôi luôn có niềm tin lớn vào thế hệ tuổi trẻ tài năng của đất nước ta.

Nguyễn Ngọc Hiệp (công tác tại SeABank, LienVietPostBank)
Theo Trí thức trẻ

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc


Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??