Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: 'Là con sếp rất sướng'



Đảm nhận chức chủ tịch khi ngân hàng do cha mình sáng lập đang trong cơn sóng gió, Trần Hùng Huy đã tìm cách "đứng" trên vai những bậc tiền bối để chèo lái cả hệ thống vượt qua khó khăn.

Trần Hùng Huy là con trai ông Trần Mộng Hùng, nguyên chủ tịch và là đồng sáng lập Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB).
Trần Hùng Huy là con trai ông Trần Mộng Hùng, nguyên chủ tịch và là đồng sáng lập Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB).

Dưới đây là những chia sẻ của Chủ tịch Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) Trần Hùng Huy trong chương trình "Những bài học thực tế từ doanh nghiệp gia đình thời hội nhập", diễn ra tại TP HCM chiều 11/4.

- Là con sếp, anh thường gặp phải những áp lực gì?

- Bản thân tôi thấy không có gì phải áp lực cả, ngược lại rất sướng. Vì là con sếp, tôi có thể được chọn những vị trí công việc khác nhau theo sở thích và sở trường tại công ty.

Hơn nữa, cái đáng quý nhất với tôi chính là ba mẹ không hề can thiệp vào công việc mà để mình tự lực. Thực ra, vị trí đầu tiên tôi vào ACB làm khi vừa ở Mỹ về là nhân viên bán hàng và ngay cả ba mẹ cũng không biết. Lúc đó rất tình cờ, ACB có tuyển dụng, Huy nộp đơn và trúng tuyển. Ngày đầu tiên đi làm, do đi chung xe với ba mẹ nên lúc đó mọi người mới biết là tôi làm ở ACB.

Sau một thời gian làm việc và phần nào chứng tỏ được năng lực của mình, tôi mới tận dụng cơ hội con sếp, bắt đầu đề xuất là muốn làm ở những vị trí này, hay vị trí kia. Nhờ đó, tôi đã được trải qua rất nhiều vai trò khác nhau và học được không ít kinh nghiệm tại ACB.

- ACB là một ngân hàng cổ phần và đang có sự tham gia của nhiều đối tác nước ngoài. Vậy làm sao anh vẫn có thể tiếp nối cha mình đảm trách chiếc ghế Chủ tịch ngân hàng?

- Cái này phải nói rằng nhờ "thiên thời, địa lợi, nhân hoà". Thực ra, tôi làm Chủ tịch ACB không phải là sự nối tiếp chiếc ghế của cha mà có sự gián đoạn, trước tôi là bác Trần Xuân Giá đảm trách.

Năm 2012 khi ACB gặp sóng gió, ngân hàng cần một người đứng ra đảm nhận chức chủ tịch để lèo lái con thuyền ACB. Lúc đó, bản thân tôi là người gắn bó khá lâu với ngân hàng, am hiểu nhân viên lại có mối quan hệ mật thiết với các thành viên sáng lập. Do đó, tôi được đánh giá là người thích hợp nhất trong việc gắn kết các cán bộ nhân viên cũng như các thành viên hội đồng quản trị để tạo ra sức mạnh nhằm chèo chống ACB vượt qua khó khăn nên được đề bạt.

- Khi lên đảm trách vị trí chủ tịch ngân hàng, anh làm thế nào để có thể dung hoà được mối quan hệ với các bậc tiền bối?

- Tôi quan niệm rằng, để vượt qua cái bóng của các bậc tiền bối là rất khó, nên mình sẽ chọn cách đứng trên vai họ thì khi đó, chắc chắn sẽ tạo ra cái bóng lớn hơn. Nhưng làm thế nào để những người này cho mình đứng trên vai họ thực sự là điều không dễ.

Cái may đối với tôi là trước đây từng trải qua nhiều vị trí công việc và được làm cấp dưới của các bậc tiền bối này nên cũng phần nào hiểu nhau. Đa phần những người đi trước này, họ cảm thấy tự hào vì là người đã từng đào tạo Huy nên luôn muốn hỗ trợ học trò của mình sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Điều đó có nghĩa là, tôi không phải vượt qua cái bóng của họ mà là được đứng trên vai họ để tạo ra cái bóng lớn hơn.

- Cha mẹ đã chuẩn bị cho anh như thế nào để tiếp nối chiếc ghế quyền lực của ACB như ngày hôm nay?

- Có thể cha mẹ đã chuẩn bị cho tôi rất nhiều thứ nhưng bản thân không hề hay biết, chẳng hạn như sự gieo mầm cho sự yêu thích công việc ngân hàng ngay khi còn nhỏ.

Hầu như ngày nào trong các bữa ăn trưa hay tối của gia đình, tôi cũng được nghe cha mẹ nói tới các thông tin liên quan đến ngân hàng như nợ xấu, trích lập dự phòng…khiến cho kiến thức ngân hàng dần dần tự thấm vào người từ lúc nào không hay biết. Do đó, khi tôi lớn lên và bắt đầu chọn lựa ngành học, cứ nghĩ rằng thích học ngành kiến trúc nhưng khi học rồi mới biết thực ra bản thân đã yêu thích ngành ngân hàng và sau đó quyết định dấn thân vào con đường trở thành banker.

Điều này cho thấy, cha mẹ tôi có thể đã có ý định hướng con theo ngành ngân hàng trước đó nhưng họ không làm bằng cách bắt ép hay ra lệnh mà tiến hành theo kiểu thẩm thấu từ từ và truyền đạt sự yêu thích cho tôi một cách tinh tế, nhẹ nhàng ngay khi còn nhỏ.

- Anh có thể chia sẻ sự khác biệt của ACB dưới sự điều hành của anh và của cha?

- Qua hơn 20 năm hoạt động, dù là thời của cha hay thời của tôi bây giờ thì có thể các chiến lược kinh doanh có thay đổi tuỳ từng thời kỳ cho phù hợp, nhưng giá trị cốt lõi (giá trị văn hoá) của ACB vẫn nguyên vẹn. Hiện nay, từ những giá trị sẵn có ấy, tôi chỉ chắt lọc lại và viết thành 5 giá trị cốt lõi để làm nền tảng cho các chiến lược, định hướng hoạt động của ACB.

- Bản thân anh đã có kế hoạch gì cho thế hệ kế nghiệp sau này?

- Tôi muốn phân biệt rõ hai khái niệm kế nghiệp và kế thừa. Ở đây, chúng ta nên hiểu kế nghiệp nó sẽ khó hơn rất nhiều so với kế thừa. Vì nếu tìm một người kế thừa, có thể đơn giản chỉ là kế thừa tài sản của thế hệ trước để lại. Còn kế nghiệp là sự tiếp nối cả một sản nghiệp, bao gồm cả tài sản, cả kiến thức điều hành, quản trị công ty....

Và bản thân tôi cũng may mắn là đang có cô con gái mới 10 tuổi nhưng cháu đã bắt đầu có sự quan tâm đến công việc của cha. Bé luôn hỏi tôi thường ngày họp hội đồng quản trị là họp những gì? Tại sao ba lại làm chủ tịch ngân hàng? Công việc của ba ra sao? Hoặc những lúc tôi dắt con đến ngân hàng chơi, tình cờ gặp giám đốc rủi ro, cô bé liền hỏi thăm giám đốc rủi ro là làm những công việc gì?... Nói chung, tôi cũng muốn hướng con vào ngành ngân hàng bằng cách thẩm thấu dần như như ba mẹ đã làm với mình.




Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc



Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??