Phong tỏa tài khoản chuyển nhầm tiền?


9.jpg

Dự kiến ngân hàng sẽ được phép phong tỏa tiền của khách hàng do chuyển nhầm, sai sót, nhưng vẫn còn ý kiến trái chiều xung quanh quy định này...

Chuyển nhầm tiền không chịu trả
Theo bộ luật Dân sự, trong trường hợp chủ tài khoản nhận được tiền trong trường hợp trên mà cố tình không trả lại đối với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy tố theo điều 176 về “tội chiếm giữ trái phép tài sản”, bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với mức hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.

Ngày 16.12, anh Nguyễn Thành Minh (ngụ Q.5, TP.HCM) chuyển nhầm 300 triệu đồng vào tài khoản của anh Trương Cường (ở xã Đồng Tiến, H.Đồng Phú). Anh Minh đã trình báo sự việc cho Công an xã Đồng Tiến nhờ hỗ trợ. Khi cơ quan công an làm việc, anh Cường mới biết tài khoản có nhận số tiền trên do số tài khoản này anh đã không sử dụng 3 năm nay. Anh Cường đã ký nhận, hoàn tất các thủ tục để chuyển trả lại toàn bộ số tiền 300 triệu đồng cho anh Minh.

Có những vụ việc chuyển nhầm tài khoản, người nhận không chịu trả lại mà rút ra chi tiêu. Cuối tháng 3.2019, nhân viên một ngân hàng (NH) ở P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM) nhận hồ sơ làm thẻ thanh toán của một công ty ở Q.4, trong đó có hồ sơ của Cù Chi Nguyên (ngụ Q.3). Do lỗi hệ thống, số tài khoản của Cù Chi Nguyên cấp trùng với số tài khoản của một công ty ở H.Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đầu tháng 4, Nguyên phát hiện trong tài khoản có 4,6 tỉ đồng, nên đã ra các máy ATM thực hiện 173 lệnh rút tiền, tổng cộng hơn 1,3 tỉ đồng sử dụng mua nhà đất, xe… Phía NH đã thu hồi gần hết số tiền mà Nguyên rút ra, nhưng cũng không đơn giản.

Thực tế, có những vụ chuyển nhầm phải kéo nhau ra tòa, mất mấy năm trời mới đòi được. Giữa tháng 7.2019, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử và tuyên phạt bà Nguyễn Thị Nở (39 tuổi, ngụ Q.12) 4 năm tù về tội “chiếm giữ trái phép tài sản”. Từ năm 2016, bà Nở đã sử dụng 2 khoản tiền chuyển nhầm của 2 công ty nước ngoài thanh toán tiền hàng cho công ty trong nước là 33.620 USD và 228.030 USD. Sau khi NH yêu cầu bà Nở trả lại số tiền này cho khách hàng vì nhầm lẫn, bà Nở không đồng ý và cho rằng đây là tiền khách hàng thanh toán cho công ty bà. Qua quá trình xác minh, bà Nở không có làm ăn gì với 2 công ty đã chuyển tiền. Ngoài mức án tù, tòa còn yêu cầu bà Nở trả lại tiền cho 2 công ty.

Theo quy định hiện nay, khi NH nhận được phản ánh từ khách hàng về việc chuyển nhầm, NH sẽ liên hệ với chủ tài khoản để thông báo và yêu cầu chủ tài khoản đồng ý trả lại số tiền này. Trong trường hợp khách hàng không đồng ý và tự ý sử dụng số tiền chuyển nhầm, NH cũng không thể can thiệp. Lúc này, người chuyển tiền chỉ có thể báo với cơ quan công an và thực hiện các biện pháp yêu cầu người nhận chuyển lại số tiền kia.

Không được tự ý trích tiền từ tài khoản
Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bổ sung một số quy định về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán tại dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật hoặc trường hợp chuyển tiền có nhầm lẫn sai sót về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng quy định này là tốt trong thời gian đầu giải quyết tranh chấp, đầu tiên phải phong tỏa tài khoản để xem hai bên như thế nào.

Dù vậy, ông Cấn Văn Lực cũng lưu ý cần cho phép NH phong tỏa tài khoản của khách hàng trong trường hợp được thông báo chuyển nhầm, điều này không có nghĩa NH được phép trích tiền từ tài khoản của khách hàng. Đồng thời, có những trường hợp, người dân chuyển khoản thanh toán cho nhau, nhưng sau đó người mua muốn “bùng” không mua nữa và báo cho NH là chuyển nhầm để phong tỏa, trích tiền của khách hàng. Do đó, cần quy định cụ thể những bằng chứng nào cho thấy đó là chuyển nhầm.
Phân tích sâu hơn, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Basico, cho rằng quy định này chỉ hợp lý trong trường hợp ngăn chặn tội phạm thực sự hoặc khi đã thực hiện lệnh chuyển khoản, nhưng tiền vẫn chưa chuyển sang tài khoản của NH khác. Những trường hợp còn lại đã được quy định trong bộ luật Dân sự năm 2015 về việc chủ tài khoản nhận được tiền do người khác chuyển đến nhầm là hành vi “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật” và người chuyển nhầm “có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”. “Vì vậy, không cần thiết phải có thêm quy định này”, luật sư Đức nói.

Thanh Xuân
Nguồn: Phong tỏa tài khoản chuyển nhầm tiền ?




Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??