Ngân hàng - Mùa quyết toán
19h00 ngày 30 tháng 12 năm 2019,
Quầy giao dịch đã đặt lên tấm biển “Tạm ngừng giao dịch”, ghế đã xếp gọn gàng, nhưng phía sau quầy là các bạn giao dịch viên vẫn mặc nguyên đồng phục ngồi “đóng gạch”. Từng cọc tiền vuông vức xếp lại bên cạnh, tiếng máy đếm tiền lạch xạch đều đều, hòa cùng tiếng gõ phím lách tách. Sâu bên trong là phòng khách hàng cá nhân, phòng doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng, hết thảy vẫn sáng đèn. Một anh chuyên viên quan hệ khách hàng đang gọi điện năn nỉ khách gửi nốt tiền qua 31/12. Một chị khác vẫn ngồi tư vấn nốt hợp đồng bảo hiểm, để kịp chốt số cuối năm – nếu chốt được hợp đồng này thì chị sẽ lên top bán bảo hiểm chi nhánh, sếp hứa thưởng một khoản “xinh xinh”. Phòng tổng hợp vẫn miệt mài tính toán số thực hiện của toàn chi nhánh để kịp báo cáo sếp. Trụ sở chính mới gửi thông báo cần nhập số gấp lên hệ thống kịp đóng cửa chạy batch cuối năm, thế nên cuối tuần vừa rồi cả phòng đi làm mà vẫn chưa xong việc.
Trụ sở chính của ngân hàng nọ cũng còn sáng đèn. Vừa khề khà cốc trà đá, bác bảo vệ vừa xua tay bảo: “Năm nào chẳng thế, cứ tầm này là đèn chong cả đêm. Có mấy phòng còn ở lại tới nửa đêm nữa kia. Tôi làm bảo vệ ngân hàng cả năm năm nay rồi, năm đầu còn ngỡ ngàng sao mà làm ngân hàng lại vất vả thế. Nói thật với chú chứ trước tôi làm công nhân nhà máy thủy tinh, có tăng ca cũng còn được nghỉ bù chứ không đến nỗi như mấy cô cậu ngân hàng này. Nghỉ hưu xong đứa cháu giới thiệu cho vào đây làm kiếm thêm thu nhập gọi là, với cho đỡ chán. Dắt xe cho khách khứa vào giao dịch thì cũng đến 4 – 5h chiều là vãn rồi, nhưng nhân viên thì cứ cày thêm giờ suốt thôi. Có mấy cô làm đây, người yêu chờ đón đi làm về mà tôi quen mặt luôn, vì chờ lâu quá lại ngồi buôn chuyện với tôi. Có cái anh gì hay đi con Air Blade màu cà phê, năm ngoái chờ đây suốt, năm nay thì không thấy đâu, chắc chia tay rồi. Nói thật với chú chứ, tôi mà là bố mẹ mấy đứa này tôi xót ruột lắm. Làm thì muộn, vất vả mà lắm khi khách hàng quá đáng lắm. Có lần có bà khách từ đâu ào ào xộc đến mắng chửi xơi xơi, mà mấy đứa không dám nói lại câu nào, cứ dạ vâng dạ vâng thôi. Người ta có tiền người ta có quyền mà chú…”
Bà chủ quán trà đá lại chen vào: “Tôi bán trà đá ở đây chục năm rồi, thế nên hồi con tôi lớn chút, tôi bảo ngay, làm gì thì làm, đừng có mà làm ngân hàng. Chả biết tiền nhiều đến đâu, chứ mấy đứa làm đây cứ tầm này là dính ở cơ quan luôn. Còn mắc cả màn ngủ lại ấy chứ. Cuối tuần đi làm là chuyện thường. Thi thoảng ra đây ngồi uống cốc trà đá lại bàn nhau nghỉ việc, thế mà có nghỉ được đâu. Cuối năm nào cũng vẫn vò võ đi đi về về khuya khoắt, chẳng biết nhà cửa con cái vứt cho ai.”
Nghe thì cũng đủ để thấy cơn ác mộng mang tên “Quyết toán” của dân ngân hàng. Bình thường đã làm muộn, quyết toán còn muộn hơn. Bộ phận quan hệ khách hàng thì tranh thủ mấy ngày cuối chốt nốt mấy khoản vớt, rồi đi biếu quà, biếu lịch cho khách hàng, bộ phận back thì ngập mặt hồ sơ chứng từ. Rồi thì báo cáo tài chính, chốt lương thưởng, chốt kế hoạch kinh doanh năm tới,… Đủ mọi loại việc dồn đống lại, sức người có hạn, lại đành tự nhủ cố nốt mấy ngày.
Không tránh được thì đành tự kiếm tìm niềm vui trong đó. Có nơi cứ ngày cuối năm lại mở tiệc quyết toán năm, có phòng làm đến nửa đêm ngày 31/12 rồi rủ nhau đi countdown mừng năm mới luôn thể. Và cũng có cả những tình yêu nảy mầm từ tháng ngày quyết toán đồng cam cộng khổ. Mà cũng vì vất vả chung, nhìn xung quanh ai cũng miệt mài làm việc, nên áp lực những ngày quyết toán không còn quá đè nặng lên vai nữa.
Nhưng vẫn còn đó nỗi buồn ngày quyết toán, khi những bữa cơm gia đình luôn thiếu khuyết thành viên, mỗi ngày kết thúc trong mệt nhoài, chỉ kịp tắm qua loa rồi lăn ra ngủ vùi, khi người người đi sắm Tết còn mình vẫn đang hì hụi tính toán số má bù đầu, khi với nhà nhà Tết đã ở rất gần, còn với dân ngân hàng Tết vẫn còn cách xa một mùa quyết toán.
Và một mùa quyết toán nữa lại về, chúc những người đồng nghiệp vững vàng vượt qua những ngày tháng vất vả này, để ngóng chờ những tiếng “ting ting” ấm lòng đầu năm mới.
B.P.
#bankerscogivui #quyettoan
#bankerscogivui #quyettoan
Comments
Post a Comment