Những dứa trẻ lớn lên trong ngân hàng


Cứ tầm 16h30 tan trường, các banker lại vội vã đón con và mang vào ngân hàng vì không ai trông giữ. Cũng bởi các trường học thì khoảng 16h00 đến 16h30 đã tan, còn công việc nhà băng thì ...trăng lên mới về nhà. Và cứ thế, những đứa trẻ của các gia đình banker lại lớn lên ở các ngân hàng.

24339

Sau cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của dân ngân hàng, có lẽ ít người biết rằng phía sau "cánh gà sân khấu" của các nhà băng là biết bao thế hệ những đứa trẻ lớn lên trong ngân hàng. Có thâm nhập cuộc sống đời thường của các cô Teller, các anh tín dụng, bạn sẽ thấy không ít nụ cười trẻ thơ sau giờ tan học lại lẽo đẽo theo cha mẹ ở ngân hàng.

Ngoài số ít những gia đình banker sinh ra đã giàu, phần còn lại đa số là các cặp vợ chồng trẻ, phải thuê nhà, sống nhập cư. Khi có con nhỏ, các cặp vợ chồng banker phải gửi những đứa trẻ đi học mầm non hoặc tiểu học. Cứ tầm 16h30 tan trường, các banker lại vội vã đón con và mang vào ngân hàng vì không ai trông giữ. Cũng bởi các trường học thì khoảng 16h00 đến 16h30 đã tan, còn công việc nhà băng thì ...trăng lên mới về nhà. Và cứ thế, những đứa trẻ của các gia đình banker lại lớn lên ở các ngân hàng.

Các bạn biết đó, ngân hàng là ngành nghề đặc thù, phục vụ khách hàng phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắc khe về giờ giấc và giao tiếp. Nhưng những ai đã từng có con nhỏ, từng làm ngân hàng mới thấu hiểu được tâm trạng của những người trong cuộc. Cứ khoảng độ sau 16h00; lòng các ông bố, bà mẹ banker lại bồn chồn, thấp thỏm, thậm chí là lo lắng vì việc rước con. Lúc vắng khách thì còn đỡ, còn lúc đông khách đôi khi các nhân viên ngân hàng lại rụt rè, sợ sệt khi xin sếp ra rước con. Mà cũng đúng thôi, theo quy định, không có ngân hàng nào cho phép nhân viên đi rước con. Dù không nói ra, nhưng lãnh đạo các ngân hàng cũng thấu hiểu và chia sẻ với nhân viên. Vì trước khi là sếp, các sếp cũng từng là nhân viên, cũng từng chiều chiều ...thập thò đi rước bọn trẻ. Ngoài ra, thật sự các nhân viên ngân hàng hàng ngày cũng làm việc đều vượt quá giờ tiêu chuẩn; thường là từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày, thậm chí là nhiều hơn.

Những đứa trẻ sau khi được cha mẹ rước về ngân hàng, tùy vị trí công việc của cha mẹ mà các bé được đưa đến những nơi khác nhau để tránh xa tầm mắt khách hàng. Ví dụ: nếu cha mẹ làm bộ phận giao dịch, tiếp xúc khách hàng, bộ phận kinh doanh thì các đứa trẻ đương nhiên không được ngồi cùng cha mẹ. Còn các anh chị banker làm bộ phận back, không giao tiếp khách hàng thì có thể được di du cho bé ngồi cách xa xa một chút...Ngày ngày, bọn trẻ theo cha mẹ ở ngân hàng đến mờ mịt mới về.

Vậy ở ngân hàng các bé thường làm gì trong thời gian mỏi mòn chờ cha mẹ xong việc để về nấu buổi cơm chiều? Ở ngân hàng không có gì chơi, để các bé không nghịch phá, các bậc cha mẹ cứ quăng cho con mình một chiếc smart phone. Và rồi tự bao giờ điện thoại trở thành người bạn thân thiết của lũ trẻ con nhà banker.

Những âm thành xô bồ, nhốn nháo của khách hàng, tiếng lách cách của máy đếm tiền,...như một điệp khúc quen thuộc của bọn trẻ tá túc ở các ngân hàng. Rồi cũng có khi bọn trẻ chứng kiến những lần cha mẹ chúng bị khách hàng chửi, bị sếp rầy vì sơ suất điều gì đó... Những nhân viên ngân hàng nhiều khi muốn giấu nước mắt vào trong vì sợ con mình bắt gặp. Và cũng có không ít đứa trẻ cũng từng thảng thốt: "Sau này lớn lên con không làm ngân hàng như cha mẹ vì vất vả quá". Lời trẻ con thì luôn hồn nhiên và trung thực. Ấy vậy mà, khi trưởng thành cũng có không ít đứa trẻ lại nối nghiệp cha mẹ "chui" vào ngân hàng!

Không nhiều doanh nghiệp hiện nay có trẻ em "tạm trú" từ 17h đến 19h nhiều như tại các ngân hàng. Thậm chí nếu so sánh nhân viên ngân hàng với các công nhân ở khu công nghiệp thì ở các xí nghiệp vẫn hoàn toàn không có những đứa trẻ được ba mẹ dắt dìu vào cơ quan. Bởi lẽ, thường các khu công nghiệp sẽ có nhà giữ trẻ cho công nhân phù hợp với giờ tan ca; hoặc công nhân sẽ phải gửi các cháu về quê với ông bà, hoàn toàn không có việc bồng bế vào cơ quan (vì đây là điều nghiêm cấm tại các phân xưởng, nhà máy). Và có lẽ hình ảnh những đứa trẻ theo cha theo mẹ gồng gánh vào ngân hàng mỗi chiều là một hình ảnh rất riêng của dân ngân hàng.

Việc nhân viên ngân hàng phải mang những đứa trẻ vào cơ quan để vừa trông vừa làm việc đã gợi lên rất nhiều điều. Phải chăng đó như một hồi chuông báo động rằng khối lượng công việc của các ngân hàng đang là quá tải với nhân viên? Bởi lẽ, nhân viên ngân hàng hiện nay phải gồng gánh rất nhiều công việc từ việc tiếp khách, tư vấn, hạch toán kế toán, bán hàng, vận hành nội nghiệp,…thì chẳng còn cách nào khác phải mang cả những đứa trẻ vào nhà băng. Trong giờ hành chính thì phải tập trung phục vụ khách hàng, sau đó lẽ ra dân công sở đã được về thì dân ngân hàng phải lo phần hậu kiểm, hoàn chỉnh chứng từ. Chính sách thắt chặt nhân sự, đặt ra nhiều tiêu chuẩn về tuân thủ, KPIs bán hàng, tiêu chuẩn phục vụ khách hàng cao…trong điều kiện cắt giảm nhân sự vận hành ở hầu hết các ngân hàng phải chăng là nguyên nhân của việc bồng bế các bé vào ngân hàng để làm việc? Đồng thời, hình ảnh các đứa bé lớn lên ở các ngân hàng cũng cho thấy lương ngân hàng không cao như nhiều người vẫn nghĩ. Vì chắc rằng, nếu lương đủ cao thì nhân viên ngân hàng đã đủ tiền thuê người giữ trẻ hoặc gửi thêm ở nhà cô giáo sau giờ tan học thay vì đùm túm vào ngân hàng.

Nếu có một cuộc khảo sát các bé hàng ngày theo cha mẹ ở ngân hàng, tin rằng sẽ không có nhiều bé yêu thích công việc của ba mẹ chúng. Vì đơn giản rằng, không một đứa trẻ nào muốn mỏi mòn chờ đợi tận tối hôm với cha mẹ ở nhà băng. Có thể bạn sẽ hỏi rằng, vất vả vậy sao không nghỉ để tìm việc khác? Biết là vậy, nhưng người ta nói, "nghề" là "nghiệp". Và có lẽ nghề ngân hàng cũng là cái "nghiệp" mà mỗi banker đã trót mang. Nhưng điều tác giả mong ước trước khi khép lại bài viết này là làm sao để trả lại tuổi thơ cho bọn trẻ, trả lại những bữa cơm gia đình quây quần ấm cúng cho mỗi banker?

Hoài Ngọc (cán bộ ngân hàng)

Theo Trí thức trẻ


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc


Những đứa trẻ tăng ca

24356

​20h00, cửa cuốn một phòng giao dịch ngân hàng nọ hạ xuống phân nửa, bên trong vẫn sáng ánh đèn. Ở bàn quầy, ghế khách hàng đã cất gọn, nhưng phía trong, vài ba người vẫn cặm cụi gõ máy tính. Chỗ bàn kiểm soát viên, hai mái đầu chụm lại dò số. Hôm nay kết sổ bị lệch hơn 2 triệu đồng, không rõ là bút toán nào. Nhưng điều đặc biệt là ở góc phòng, có một cậu bé chừng 4 tuổi, đang loay hoay với đống bút highlight và giấy note nhiều màu, ngoan ngoãn tô màu cho bức tranh in sẵn từ trên mạng. Được chừng mười phút, cậu bé tụt xuống ghế, chạy ra quầy giao dịch viên, giục mẹ đi về. Người mẹ trẻ chừng ngoài ba mươi một chút tạm ngưng công việc, quay ra vỗ về cậu con trai. Cậu bé phụng phịu về chỗ, bỏ bút màu qua một bên ngồi gấp giấy. Căn phòng lại tĩnh lặng trở lại, chỉ còn tiếng đồng hồ tích tắc, tích tắc.


24355

Nguồn ảnh:
Hải Yến

24357

Nguồn ảnh: Nguyễn Thu Hương

19h00, một cô gái dắt xe ra khỏi cổng ngân hàng. Một cô bé con líu ríu đi theo. Hôm nay chồng cô đi công tác, ông bà nội ngoại đều ở xa, lại đang có hẹn gấp qua nhà khách hàng lấy hồ sơ, không kịp đưa con về nhà hàng xóm gửi. Không biết làm sao, bà mẹ trẻ đành đặt con ngồi phía sau, rồi cả mẹ cả con tới nhà khách. Bà khách nổi tiếng khó tính, hẹn lên hẹn xuống mới qua nhà lấy hồ sơ, tiện thể bán chéo thêm bảo hiểm cho cả hai vợ chồng, nên cô không thể bỏ qua, nhất là tháng này đang thiếu chỉ tiêu trầm trọng. Tháng trước con ốm, tháng trước nữa mẹ cô đi viện mổ ruột thừa, bận bịu quá thành ra đã hai tháng liên tiếp không đạt chỉ tiêu. Tháng này nếu còn không đạt thì sẽ bị khiển trách, giữ lương và đưa vào danh sách theo dõi. Bóng hai mẹ con nhỏ xíu hòa vào dòng người hối hả cuối ngày.

Hai đứa trẻ nói trên không phải là số ít, bởi vì hàng ngày, vẫn có những em nhỏ sau giờ học thay vì được về nhà thì lại lẽo đẽo theo mẹ ở lại cơ quan làm nốt việc. Với những bà mẹ ngân hàng, chuyện như vậy lại càng như cơm bữa, đặc biệt là ở các thành phố lớn, khi mà gia đình neo người, chưa đủ điều kiện thuê giúp việc, con cái chưa đủ lớn để tự về nhà và chơi một mình. Mà đưa con tới cơ quan cũng không hẳn là xấu, vì thi thoảng mới kẹt đến mức phải ở lại muộn và không có nơi nào khác gửi con. Thêm nữa, đồng nghiệp ở cơ quan cũng thông cảm và không lấy làm phiền phức khi có trẻ nhỏ ở bên. Thế nhưng, đây là giải pháp cực chẳng đã, nào ai muốn trẻ nhỏ phải gò bó chịu quanh quẩn chờ cha mẹ tới tối muộn mới về?

Và thế là, tuổi thơ của nhiều đứa trẻ đã gắn bó với bàn giấy văn phòng, với những cô chú giao dịch viên, với bác bảo vệ ngân hàng, với những cọc tiền kiểm cuối ngày xếp đầy trong két. Đó có thể không phải tuổi thơ dễ chịu nhất mà cha mẹ chúng có thể dành cho, nhưng những ký ức ấy sẽ làm nên những đứa trẻ biết thích nghi, và biết đâu, nhen nhóm lên tình yêu với nghề từ những ngày thơ bé.

Bích Phương

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc
Link gốc: https://ub.com.vn/blog/nhung-dua-tre-tang-ca-52?

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??