Giải pháp phối hợp hiệu quả giữa công tác chuyên môn và công đoàn
01/12/2019
Ngày 29/11/2019, tại Đà Nẵng, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam
phối hợp với Báo Lao Động tổ chức Tọa đàm “Mối quan hệ hợp tác, phối hợp hỗ trợ
của lãnh đạo chuyên môn với hoạt động công đoàn”. Phó Thống đốc Thường trực
Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú và Phó
Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN)Trần Thanh Hải
đồng chủ trì buổi tọa đàm.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có Uỷ viên Đoàn Chủ
tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển; Uỷ viên Ban Chấp
hành Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Nguyễn
Văn Tân và hơn 100 đại biểu lãnh đạo các Công đoàn ngành Trung ương, lãnh đạo
Công đoàn cấp trên cơ sở của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Lãnh đạo Công
đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện Công đoàn Ngân hàng Việt Nam quản lý 9
công đoàn cấp trên cơ sở, 87 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Ngân hàng
Việt Nam, với tổng số 942 Công đoàn cơ sở và 163.577 đoàn viên.Ngoài ra, còn
khoảng 190.000 đoàn viên và người lao động của ngành Ngân hàng chưa chuyển về
sinh hoạt theo hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, mà đang sinh hoạt với tại
các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn tổng công ty và các tập đoàn.
Thời gian qua, Công đoàn Ngân hàng
Việt Nam ký Nghị quyết liên tịch giữa Ban Lãnh đạo NHNN và Ban Thường vụ Công
đoàn Ngân hàng Việt Nam để tăng cường phối hợp hoạt động, thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng. Các cấp công đoàn trong Ngành căn cứ
vào Nghị quyết liên tịch cấp ngành để triển khai, ký các chương trình phối hợp
với lãnh đạo chuyên môn cùng cấp…
Phó Thống đốc Thường trực NHNN , Chủ
tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, hệ thống Công đoàn
Ngân hàng Việt Nam đã thành công và đạt được kết quả to lớn là từ việc phối hợp
giữa công đoàn và chuyên môn. Điều đó cho thấy, nguyên tắc phối hợp là nguyên
tắc quan trọng nhất trong hoạt động công đoàn ngành nghề hiện nay, là điều kiện
cho hoạt động công đoàn đạt được các yêu cầu chức năng và nhiệm vụ của mình
theo các mục tiêu đã được xác định. Với đặc thù trên cơ sở quan tâm, phối hợp
của Ban Cán sự Đảng và Thống đốc NHNN, Công đoàn ngành Ngân hàng Việt Nam qua
các thời kỳ, Chủ tịch Công đoàn ngành luôn là đồng chí Ủy viên Ban Cán sự Đảng,
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; các cấp công đoàn trong ngành cũng cơ cấu đồng chí
Chủ tịch công đoàn là Ủy viên HĐQT, hoặc Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Phó
thủ trưởng cơ quan, đơn vị, DN. Điều này đã phát huy tốt việc phối hợp hoạt
động giữa công đoàn và chuyên môn, các hoạt động công đoàn luôn bám sát nhiệm
vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, của đơn vị.
Tại buổi tại đàm, đại diện lãnh đạo
công đoàn các ngành đã trao đổi sôi nổi tập trung vào các vấn đề: Việc phối hợp
giữa chuyên môn và Công đoàn tuy là vấn đề cũ nhưng rất mới bởi vẫn chưa đi vào
thực tế cuộc sống nên chưa hiệu quả. Nhiều nơi nhận thức của lãnh đạo chưa đúng
về vai trò của công đoàn.
Để hoạt động công đoàn tốt hơn,
nhiều đại biểu như: Bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam
đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cho cơ chế có cán bộ công đoàn chuyên trách để hoạt
động hiệu quả hơn và phải là người trong ngành mới hiểu hết đặc thù công
việc...
Quang
cảnh buổi tọa đàm
Còn ông Võ Văn Đặng - Phó Bí thư
Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Sacombank đã nói lên
mong ước cháy bỏng của mình cũng là tiếng nói chung của nhiều tổ chức công đoàn
các NHTMCP không có vốn Nhà nước, Ngân hàng vốn nước ngoài được Đoàn Chủ tịch
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Cán sự Đảng, Ban Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước và BTV Công đoàn Ngành Ngân hàng Việt Nam xem xét sớm cho các tổ chức Công
đoàn cơ sở được về sinh hoạt trong Công đoàn ngành Ngân hàng; Ban thường vụ
Công đoàn ngành trực tiếp chia sẻ nghiệp vụ chuyên môn, gắn kết trong các hoạt
động giữa các Ngân hàng với nhau, cùng nhau thúc đẩy phong trào thi đua riêng
từng ngân hàng và của toàn ngành. Đặc biệt CBNV – Công đoàn viên tại 51
tỉnh,thành phố sẽ được quan tâm chăm sóc tốt hơn, sâu sát hơn.
Các đại biểu như: Ông Ngô Xuân
Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bí thư Quận ủy Thanh Khê,
nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, Ông Đỗ Nga Việt – Chủ tịch Công đoàn
Giao thông Vận tải Việt Nam hay Bà Hoàng Mỹ Hạnh – Phó Chủ tịch Thường trực
Công đoàn cơ quan Ngân hàng Nhà nước Trung ương cùng nhiều đại biểu đã nêu
những cách làm hay để phối hợp giữa tổ chức công đoàn và chính quyền cơ quan để
đạt được kết quả tốt trong triển khai hoạt động Công đoàn, Ban Chấp hành Công
đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết nghị những nội dung hoạt động
Công đoàn sát với thực tế hoạt động kinh doanh theo chỉ đạo của Đảng.
Một lần nữa Ông Nguyễn Ngọc Hiển -
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động nhấn mạnh:
“Vì sao chúng tôi chọn Công đoàn ngành Ngân hàng để làm tọa đàm này? Bởi đây là
công đoàn ngành tiêu biểu chứng minh cho thực tế là khi tổ chức Công đoàn phối
hợp tốt với chuyên môn thì Công đoàn mới phát triển và người lao động mới có
lợi. Họ chỉ ủng hộ chúng ta khi chúng ta có vị thế, tức là Công đoàn hoạt động
hiệu quả và phát huy được vai trò cụ thể.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ông Trần
Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, sự phối hợp
hiệu quả giữa lãnh đạo ngành và Công đoàn sẽ mang lại lợi thế. Sự phối hợp giữa
công đoàn các ngành hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi theo quy định, tốt hơn
quy định và bảo vệ từ xa. Các ngành phải làm sao để thu hút hơn Đoàn viên đến
với mình. Công đoàn ngành phải thay đổi phương thức sinh hoạt, sẽ không còn
chuyện định kỳ sinh hoạt như lâu nay. Và sẽ có cơ chế để Công đoàn cấp trên
thay đổi cách thức hoạt động như thế nào.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các
đại biểu tham dự, Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân
hàng Nhà nước phát biểu kết thúc tọa đàm: “kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn của
đơn vị chúng tôi là phải có sự chỉ đạo, thống nhất, phối hợp giữa chuyên môn và
Công đoàn thì doanh nghiệp mới phát triển và người lao động được hưởng lợi. Đây
là mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ từ hai phía. Chúng ta đã được nghe nhiều ý
kiến phát biểu sâu sắc, thiết thực, những kinh nghiệm hay đến từ đại diện các
Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo, gợi ý của đồng
chí Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải. Đây là khoa học quản lý cần được
nghiên cứu sâu với tầm nhìn xa. Kiến nghị của Sacombank cũng là vấn đề. Và hãy
để cho Công đoàn cơ sở lựa chọn cũng là một ý tưởng hay cần xem xét thấu đáo.
Trong tương lai, chúng ta cần có một mô hình hợp lý cho những công đoàn ngành
có tính chất đặc thù. Đây là vấn đề lớn, cần được Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét.
Có thể nói, buổi tọa đàm cũng là dịp
để trao đổi kỹ hơn về cách thức, phương pháp, kinh nghiệm trong việc nâng cao
hiệu quả phối hợp hoạt động giữa công đoàn với chuyên môn. Qua đó, đưa hoạt
động đoàn ngày càng tiệm cận với yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới. Đồng thời,
nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao
động.
Quỳnh
Mai
Comments
Post a Comment