Các ngân hàng yếu kém liệu có "cán đích" Basel II?


Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ áp dụng Chuẩn mực an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ngân hàng thuộc diện yếu kém, kiểm soát đặc biệt sẽ khó đáp ứng lộ trình này

Các ngân hàng yếu kém sẽ được "gia hạn"

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, lộ trình triển khai Basel II tại Việt Nam là từ đầu năm 2020 tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng Chuẩn mực an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn, quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Đến nay, đã có 17 NHTM đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn, bao gồm 15 NHTM trong nước và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Mười NHTM, bao gồm: Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MBBank, ACB, TPBank, Techcombank, MSB, HDBank đã được Thống đốc có quyết định áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn.

Tuy nhiên, việc áp dụng Basel II tại Việt Nam còn rất nhiều thách thức như: Chuẩn mực Basel rất phức tạp, được thiết kế và xây dựng dựa trên kinh nghiệp và phù hợp với thị trường phát triển. Trong khi đó, nguồn nhân lực, nhận thức của người điều hành cấp cao về quản lý rủi ro còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu theo thông lệ quốc tế.

Hơn nữa, việc triển khai Chuẩn mực vốn Basel II đòi hỏi nguồn tài chính lớn (khoảng 10 – 15 triệu USD, tùy thuộc tính chất, quy mô của ngân hàng). Cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, quản trị thông tin của các ngân hàng Việt còn bất cập, chưa đá ứng theo yêu cầu…

Đặc biệt, Thông tư 41 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt, hoặc một số ngân hàng yếu kém đang gặp khó khăn về năng lực tài chính khó có khả năng thực hiện Thông tư 41 đúng thời hạn.

Để xử lý vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi Thông tư 36, dự kiến sẽ được ban hành trong những tháng cuối năm này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa vào một điều khoản cho phép các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thêm một thời gian nữa để thực hiện Thông tư 41.

Các ngân hàng yếu kém liệu có cán đích Basel II? - Ảnh 1.

Không ít ngân hàng sẽ khó đáp ứng Chuẩn mực an toàn vốn theo lộ trình

“Tuy nhiên việc cho thêm thời gian đó không có nghĩa là chúng tôi hoãn hay giãn thực hiện Thông tư 41, mà khi đó các ngân hàng chưa thực hiện Thông tư 41 sẽ tiếp tục thực hiện theo Thông tư 36

Chúng tôi sẽ đưa vào những điều khoản chặt chẽ hơn tại Thông tư sửa đổi Thông tư 36, nâng hệ số rủi ro cao hơn với các khoản vay rủi ro như bất động sản, các khoản vay tiêu dùng giá trị lớn. Đồng thời trong thanh tra giám sát sẽ có những đối xử khác so với các ngân hàng thực hiện Thông tư 41” – nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Ngân hàng xoay sở với bài toán tăng vốn

Để đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41, các ngân hàng đã nỗ lực để tăng vốn cấp 1 và cấp 2 như: không chia cổ tức để tăng vốn tự có, phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế để tăng vốn cấp 2…

Vietinbank và BIDV là 2 trong 10 ngân hàng lựa chọn thí điểm. Phía BIDV dù cơ bản đã đáp ứng các tiêu chí nhưng còn vướng mắc ở việc tăng vốn. Mới đây, ngân hàng này đã hoàn tất việc bán 15% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là KEB Hana Bank với giá 882 triệu USD và dự kiến trong quý III sẽ hoàn tất quá trình tăng vốn để áp dụng Basel II ngay trong năm nay. Trong khi đó, Vietinbank đến thời điểm này chưa có thông tin chính xác về phương án tăng vốn.

Bên cạnh các giải pháp tăng vốn, có một giải pháp mà theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là “căn cơ, lâu dài” hơn đối với các ngân hàng, đó là cơ cấu lại danh mục tài sản hiện có.

Theo đó, thay vì cho vay các danh mục có tính rủi ro cao thì các ngân hàng có thể định hướng lại, cơ cấu lại danh mục dài sản theo hướng cho vay các danh mục có hệ số rủi ro thấp, đồng thời các ngân hàng sử dụng hiệu quả các biện pháp giảm thiểu rủi ro, quản lý tài sản bảo đảm, tận dụng các nguồn tài sản bảo đảm.

Hiện nay theo quy định tại Thông tư 36, các ngân hàng chưa được trừ đi tài sản bảo đảm và trừ các khoản dự phòng khi tính yêu cầu về vốn. Tuy nhiên, khi chuyển sang Thông tư 41, nếu tài sản bảo đảm của ngân hàng đáp ứng các điều kiện chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục và quy trình thì có thể được ghi nhận như những biện pháp giảm thiểu rủi ro, từ đó làm giảm số dư của tài sản có trước khi tính yêu cầu về vốn.

Chính vì đến nay, một số ngân hàng không có động thái tăng vốn nhưng thực chất đang có những động thái mạnh mẽ trong việc cơ cấu lại danh mục tài sản cũng như rà soát lại quy trình quản lý tài sản bảo đảm để được ghi nhận các biện pháp giảm thiểu rủi ro, từ đó giảm yêu cầu về vốn đối với danh mục tài sản đó

Theo Hà Loan
An ninh thủ đô

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc




Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??