Hội thảo hoạt dộng tài chính vi mô tại các tỉnh phía Bắc

13/09/2019
Sau Hội thảo hoạt động tài chính vi mô tại các tỉnh phía Nam được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/9, sáng nay (ngày 13/9/2019), tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo hoạt động tài chính vi mô tại các tỉnh phía Bắc. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội thảo.

Hội thảo hoạt động tài chính vi mô tại các tỉnh phía Bắc
Tham dự có ông Eric Sigwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Du – Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (CQTTGSNH) cùng các lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Truyền thông, CQTTGSNH; và đại diện lãnh đạo chi nhánh NHNN các tỉnh phía Bắc. Hội thảo còn sự góp mặt của nhiều đại diện đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo UBND, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) các tỉnh phía bắc; đại diện nhóm công tác TCVM.
image
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian qua, hoạt động TCVM đã có những đóng góp tích cực như một công cụ hữu hiệu tạo cơ hội cho người nghèo/người có thu nhập thấp tiếp cận dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực vùng sâu, vùng xa theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước, các tổ chức TCVM và chương trình, dự án TCVM vẫn đang đối diện với những khó khăn/thách thức, đặc biệt đối với mục tiêu phát triển TCVM bền vững nói chung và bền vững thể chế cho từng tổ chức nói riêng.
Trên thực tế, khuôn khổ pháp lý, các quy định liên quan tới các tổ chức TCVM đã và đang ngày càng hoàn thiện, tạo tiền đề cho sự phát triển TCVM bền vững. Theo đó, Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã lần đầu tiên khẳng định tổ chức TCVM là một loại hình tổ chức tín dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam. Có thể nói, việc các tổ chức TCVM được hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn là một bước tiến đối với lĩnh vực TCVM. Đây là nền tảng pháp lý vững chắc để củng cố và phát triển ổn định hoạt động của ngành TCVM tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hướng dẫn Khoản 6 Điều 161 Luật Các tổ chức tín dụng, ngày 12/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ (Quyết định số 20). Quyết định số 20 được xem là bước đi đúng hướng, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và đã tạo tiền đề cho các Cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở quản lý thống nhất các chương trình, dự án TCVM đang hoạt động nhỏ lẻ, khá đa dạng và trải rộng trên phạm vi cả nước.
Sự ra đời của Quyết định số 20 là cơ sở pháp lý đầu tiên hướng dẫn cụ thể về nội dung hoạt động, phạm vi hoạt động đối với các chương trình, dự án tài chính vi mô. Với hướng dẫn và điều chỉnh tại Quyết định số 20, nhìn chung hoạt động của các chương trình, dự án TCVM đã từng bước được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả để tiếp tục đóng góp vào quá trình xoá đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của các thành viên trên địa bàn địa phương, đặc biệt là các địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
image
Ông Eric Sigwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đồng quan điểm với Phó Thống đốc NHNN, ông Eric Sigwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của TCVM và tài chính toàn diện là những nhân tố chính để giảm nghèo và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Trước cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển ngành TCVM sôi động và bền vững nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện (qua việc phê duyệt Chiến lược phát triển TCVM Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia), ADB đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng và triển khai chiến lược TCVM quốc gia với trọng tâm là tạo ra môi trường chính sách và quản lý thuận lợi cho ngành tài chính vi mô, tăng cường năng lực giám sát, phát triển hoạt động thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng tài chính.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, với việc ban hành Quyết định số 20, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã chính thức hoá khuôn khổ pháp lý về các dự án và chương trình TCVM do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và tổ chức phi chính phủ vận hành, bên cạnh việc hành các quy định cấp phép của NHNN và các quy định để chính thức hoá hoạt động các tổ chức TCVM. Cho đến nay, hơn 70 chương trình TCVM được cấp giấy chứng nhận đăng ký; các hoạt động TCVM đã được cải thiện và đạt được nhiều kết quả tài chính tích cực. Một số chương trình TCVM lớn đang chuẩn bị cho việc chuyển đổi thành các tổ chức TCVM chính thức dưới sự giám sát của NHNN.
image
Các đại biểu trao đổi tại phiên tọa đàm của Hội thảo
Qua quá trình quản lý các chương trình, dự án tài chính vi mô, NHNN đã nhận thấy được một số vướng mắc của các chương trình, dự án vi mô trong quá trình thực hiện Quyết định số 20, như: cơ sở pháp lý để xác định các đơn vị, tổ chức cấp cơ sở của tổ chức chính trị - xã hội có phải là tổ chức chính trị - xã hội để đăng ký chương trình, dự án TCVM theo quy định tại Quyết định số 20; chế tài xử lý khi chương trình, dự án vi mô chưa tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 20... Mặc dù các tổ chức TCVM chính thức đang tuân theo các quy định và giám sát an toàn của NHNN, nhưng cần bổ sung thêm một số quy định và yêu cầu giám sát an toàn nhất định đối với các chương trình TCVM, đặc biệt là những tổ chức được phép huy động tiền gửi từ người dân và đóng vai trò là tổ chức trung gian tài chính. Các quy tắc và quy định phải được điều chỉnh phù hợp với các đặc điểm riêng biệt của từng chương trình TCVM để đạt được sự cân bằng hợp lý giữa quy định và giám sát thận trọng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đối với các chương trình, dự án TCVM.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Ban Lãnh đạo NHNN đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép NHNN chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan tiến hành tổng kết 2 năm việc thực hiện Quyết định số 20, trong đó nêu rõ các khó khăn, vướng mắc để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trên tinh thần đó, NHNN đã và đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo về hoạt động TCVM tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, bàn bạc, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định 20 và chia sẻ những kinh nghiệm, thông lệ tốt của quốc tế trong việc quản lý các chương trình, dự án TCVM trên nhiều góc độ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh các góp ý của đại biểu tại Hội thảo sẽ giúp NHNN có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi Quyết định số 20 với mục tiêu tạo môi trường lành mạnh cho các chương trình, dự án TCVM hoạt động an toàn và hiệu quả, phục vụ tốt hơn nữa cho đối tượng khách hàng TCVM là người nghèo, người thu nhập thấp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
VA

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??