FED dã quyết dịnh cắt giảm lãi suất
19/09/2019
Sau hai ngày nhóm họp, vào chiều 18/9/2019, Cục Dự trữ
liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm các mức lãi suất điều hành 0,25% xuống
1,75-2,0%, do tác động tiêu cực của tình hình thế giới đến triển vọng kinh tế
Mỹ và lạm phát tăng thấp.
Hình minh họa
Tuyên bố của Fed nêu rõ, do tác động của tình hình
thế giới đến nền kinh tế trong nước và lạm phát trầm lắng, Ủy ban Thị trường mở
liên bang (FOMC) quyết định giảm lãi suất chính sách thêm 0,25% xuống
1,75-2,0%. Mục tiêu cơ bản của động thái giảm lãi suất lần này là nhằm ngăn
ngừa rủi ro, bao gồm kinh tế toàn cầu yếu ớt và căng thẳng thương mại. Tuy
nhiên, mức giảm khiêm tốn 0,25% củng cố quan điểm của Fed cho rằng, tăng trưởng
kinh tế vẫn thuận lợi, thị trường lao động bền vững, lạm phát tăng dần theo mục
tiêu đề ra, mặc dù rủi ro vẫn đeo bám triển vọng kinh tế. Các bước điều chỉnh
lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thực tế và kỳ vọng,
và Fed sẽ tiếp tục theo dõi các dữ liệu về triển vọng kinh tế và sẽ có hành
động thích hợp nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mục tiêu tạo thêm
nhiều việc làm và thúc đẩy tăng lạm phát.
Tại cuộc họp này, Fed cũng quyết định giảm 0,3% lãi
suất đối với phần dự trữ quá mức của các ngân hàng thương mại xuống 1,8%. Tuy
nhiên, bất đồng đã nổi lên giữa các thành viên tham dự cuộc họp. Cụ thể là, Chủ
tịch Fed tại Kansas City - Esther George và Chủ tịch Fed tại Boston - Eric
Rosengren muốn giữ nguyên các mức lãi suất hiện hành, trong khi Chủ tịch Fed
tại St. Louis - James Bullard cho rằng cần giảm lãi suất tới 0,5%.
Thông tin từ cuộc họp tháng 7/2019 cho thấy, thị
trường lao động vẫn vững chắc, các hoạt động kinh tế tăng nhẹ. Số lượng việc
làm tăng cao trong những tháng gần đây, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức
thấp. Mặc dù chi tiêu của các hộ gia đình tăng cao, nhưng đầu tư của các doanh
nghiệp vào việc mua sắm tài sản cố định và hoạt động xuất khẩu yếu ớt. So với
cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản và lạm phát lõi (lạm phát không tính giá
năng lượng và thực phẩm) dao động dưới ngưỡng mục tiêu 2,0%. Kết quả khảo sát
thị trường cho thấy, lạm phát kỳ vọng chỉ thay đổi nhẹ trong dài hạn.
Trong việc xác định thời điểm và quy mô điều chỉnh
các mức lãi suất chính sách, FOMC sẽ đánh giá thực tế và kỳ vọng kinh tế, phù
hợp với mục tiêu lạm phát và thị trường lao động. Chủ tịch Fed - Jerome Powell
cho biết, nếu kinh tế giảm tốc, giảm lãi suất sẽ được coi là biện pháp thích
hợp, điều này tùy thuộc vào các dữ liệu kinh tế thực tế. Vì thế, Fed có thể sẽ
chấm dứt xu hướng giảm lãi suất, nếu kinh tế tăng vững.
Dự báo trung bình của các thành viên FOMC cho thấy,
GDP năm 2019 sẽ tăng 2,2% (cao hơn dự báo tháng 6/2019 là tăng 2,1%); tỷ lệ
thất nghiệp ở mức 3,7% trong năm nay và năm 2020, sau đó tăng dần lên 3,8% vào
năm 2021 và 3,9% vào năm 2020; lạm phát cơ bản tăng dần từ 1,5% trong năm nay
lên 1,9% vào năm 2020 và 2,0% vào năm 2021; lãi suất chính sách ở mức 1,9%
trong năm nay và năm 2020, sau đó tăng dần lên 2,1% vào năm 2021 và 2,4% vào
năm 2022, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2019.
Tuyên bố của Chủ tịch Jerome Powell và dự báo kinh tế
của các thành viên FOMC cho thấy, Fed có thể duy trì mức lãi suất này cho đến
cuối năm 2020. Trong khi đó, các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tiến hành thêm một
đợt giảm lãi suất vào tháng 12/2019 tới đây.
Quyết định của Fed đã khiến Tổng thống Donald Trump
tức giận, coi là quyết định thiếu tầm nhìn và kêu gọi Fed giảm lãi suất xuống
0%, thậm chí sâu hơn (lãi suất âm).
Sau quyết định của Fed, thị trường tài chính Phố Wall
kết thúc phiên giao dịch ngày 18/9 với diễn biến trái chiều, phổ biến là tăng
nhẹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 36,28 điểm (1,3%) lên 27.147,08 điểm;
chỉ số S&P 500 tăng 1,03 điểm (0,03%) lên 3.006,73 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq
composite giảm 8,62 điểm (0,11%) xuống 8.177,39 điểm; lợi suất trái phiếu kho
bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,7944% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng
lên 1,7621%. Chỉ số USD index tăng 0,4% lên 98,6 điểm, đẩy đồng euro giảm xuống
mức tỷ giá 1,1027 USD; yên nhật giảm xuống 108,42 JPY/USD; bảng Anh giảm xuống
1,2460 USD. Thị trường hàng hóa hạ nhiệt, giá dầu WTI giao sau giảm 1,23 USD
xuống 58,11 USD/thùng; dầu thô Brent giảm 95 cents xuống 63,6 USD/thùng; giá
vàng giảm tới 18 USD xuống 1.497,8 USD/oz.
Quyết định giảm lãi suất của Fed cũng hỗ trợ các thị
trường chứng khoán châu Á, chủ yếu sau tín hiệu tăng nhẹ trên thị trường chứng
khoán Phố Wall. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng.
Xuân Thanh
(Nguồn: Fed, Market
Watch, Reuters, WS Journal)
Comments
Post a Comment