Kinh nghiệm quốc tế về triển khai tài chính toàn diện cho phụ nữ

27/09/2019
Hiểu biết về tài chính được xem là một công cụ hữu hiệu để các tổ chức tài chính tiếp cận với bộ phận người dân hiện chưa được phục vụ đầy đủ, bao gồm cả phụ nữ thuộc các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau. Do đó, tại Hội nghị chuyên đề khu vực ASEAN về Tài chính toàn diện (TCTD), các diễn giả đưa ra cái nhìn tổng quan về tầm quan trọng và vai trò của TCTD trong việc trao quyền cho phụ nữ, những kinh nghiệm quốc tế về cách thức các quốc gia tăng cường TCTD cho phụ nữ trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về TCTD.

Hội nghị chuyên đề khu vực ASEAN về Tài chính toàn diện
Từ thực tế đó, tại phiên thảo luận thứ nhất với nội dung Kinh nghiệm quốc tế về vai trò của TCTD trong việc giao quyền kinh tế cho phụ nữ, ông David Grace, Tư vấn Tài chính toàn diện của ADB đã chia sẻ những nghiên cứu về vấn đề này trên bình diện quốc tế, đặc biệt là thực tế triển khai TCTD tại Châu Phi. Trong khi đó, bà Akiko Yoneyama, tư vấn của JICA trình bày về thực trạng khi triển khai Tài chính Toàn diện cho phụ nữ tại Việt Nam - Không chỉ là những con số. Bà Akiko nhấn mạnh đến những yếu tố là rào cản của phụ nữ trước và sau khi được tiếp cận các dịch vụ tài chính, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính để đáp ứng nhu cầu của phụ nữ nghèo và thu nhập thấp tại Việt Nam.
Vấn đề này tiếp tục được phân tích tại phiên thảo luận thứ hai về các rào cản đối với việc tiếp cận tài chính của phụ nữ. Mặc dù TCTD đã đạt được những tiến bộ đáng kể, tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận tài chính. Các diễn giả Việt Nam và quốc tế đã trao đổi về những thách thức mà phụ nữ đang phải đối mặt trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chính thức và trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh cũng như tầm quan trọng của việc lồng ghép yếu tố giới vào tiếp cận tài chính đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Để đưa ra những giải pháp có tính hiệu quả hơn nữa, tại phiên 3, các diễn giả trình bày về khai thác số liệu để thu hẹp khoảng cách về giới trong TCTD. Số liệu đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra các chính sách dựa trên bằng chứng thực tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế xã hội chẳng hạn như TCTD. Các nhà hoạch định chính sách có dữ liệu bên cung nhưng lại không có đủ dữ liệu chi tiết theo giới tính, vị trí địa lý và phân khúc khách hàng. Các đợt khảo sát về bên cầu đã giúp bổ sung cho sự thiếu hụt này nhưng cũng đưa ra các thách thức cụ thể. Tại Hội nghị, các diễn giả và đại biểu đã xem xét các chiến lược và bộ dữ liệu thay thế để hiểu rõ hơn về các rào cản đối với TCTD mà phụ nữ phải đối mặt. Các đại biểu cũng nhận diện một loạt các biện pháp để nâng cao giáo dục và kiến thức tài chính cho phụ nữ, bao gồm các giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ học tập từ xa cho phụ nữ ở vùng sâu vùng xa (giáo dục kỹ thuật số).
Bà Akiko Yoneyama, tư vấn của JICA phát biểu tại Hội nghị.
Trong phiên thảo luận về tình huống nghiên cứu về cải cách khuôn khổ pháp lý và quy định để giúp hỗ trợ TCTD cho phụ nữ, các diễn giả cho rằng: Cải cách khuôn khổ pháp lý và quy định có thể tạo ra không gian cho sự đổi mới, sáng tạo để hỗ trợ TCTD nhiều hơn cho phụ nữ. Họ đã chia sẻ các tình huống nghiên cứu về sự phát triển của khuôn khổ pháp lý trong các lĩnh vực: sản phẩm tài chính kỹ thuật số; TCTD kỹ thuật số, thanh toán chính phủ, ngân hàng đại lý và hệ thống dữ liệu tương tác, e-KYC, ID để giúp hỗ trợ TCTD cho phụ nữ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng mạng lưới và hiệp hội kinh doanh cho phụ nữ có thể đóng vai trò quan trọng để tăng cường tiếp cận tài chính và nâng cao khả năng kinh tế cho phụ nữ. Trong phiên trình bày về việc thiết lập hiệp hội và mạng lưới doanh nghiệp nữ, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm về việc hỗ trợ các hiệp hội và mạng lưới kinh doanh của phụ nữ và thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác kinh doanh cho các doanh nhân nữ. Các tổ chức do phụ nữ làm chủ có khả năng đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của phụ nữ và do đó góp phần cung cấp các giải pháp phù hợp hơn cho phụ nữ - hiện chiếm gần một nửa lực lượng lao động. Phiên thảo luận nhằm này chia sẻ các biện pháp đổi mới, sáng tạo để hỗ trợ và tăng cường sự lãnh đạo của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh, bao gồm cả trong lĩnh vực tài chính. Phiên này cũng sẽ đưa ra khuyến nghị về các hành động và sáng kiến để thúc đẩy đa dạng giới ở cấp độ tổ chức, bao gồm cả ở vị trí lãnh đạo. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) do phụ nữ làm chủ thường cảm thấy rằng họ ở thế chịu nhiều bất lợi hơn trong việc thu hút đầu tư so với các DNNVV do nam giới làm chủ. Phiên thảo luận này nhằm đưa ra một góc nhìn đầy đủ về việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại khu vực. Các diễn giả sẽ chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và đưa ra đề xuất/ khuyến nghị về một sáng kiến mới để triển khai tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các diễn giả cũng chia sẻ kiến thức và bài học kinh nghiệm từ sự phát triển của Tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam và cách thức các tổ chức TCVM đóng góp vào TCTD cho phụ nữ cũng như chia sẻ kinh nghiệm về tầm quan trọng của TCVM trong việc thay đổi cuộc sống của phụ nữ nghèo.
Ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu bế mạc, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN nhận định: Hội nghị đã và đang tạo nên một diễn đàn chuyên về tài chính toàn diện, quy tụ chuyên môn và kinh nghiệm của các nhà lập chính sách, các tổ chức quốc tế hàng đầu, các chuyên gia độc lập, giới học giả, nghiên cứu và cả khu vực tư nhân. Với 5 phiên trình bày và 5 phiên thảo luận; sự tham gia của gần 30 diễn giả từ các tổ chức quốc tế, NHTW khu vực ASEAN, các tổ chức, cá nhân trong nước; và gần 200 đại biểu đến từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar và Việt Nam, Hội nghị đã đạt được những kết quả hết sức khích lệ, tạo tính lan toả về hiệu quả và góp phần tích cực kiến tạo nền tảng vững chắc cho các thành quả tới đây của khu vực ASEAN về tài chính toàn diện.
Ông Tô Huy Vũ nhấn mạnh: Tại Hội nghị, xen lẫn các phần trình bày đa dạng của các diễn giả về các khó khăn, thách thức mà phụ nữ đang phải đối mặt trong việc tiếp cận tài chính, các chính sách và biện pháp nhằm tăng cường tiếp cận TCTD cho phụ nữ và trao quyền kinh tế cho phụ nữ, nhiều ý kiến trao đổi thiết thực cũng như nhiều ý tưởng sáng tạo, có tính thực tiễn cao đã được các diễn giả và đại biểu cùng nhau chia sẻ và thảo luận sôi nổi. Thông qua đó, không chỉ các vấn đề về định hướng, chính sách và biện pháp chung mà các vấn đề kỹ thuật như phân tích dữ liệu cũng được chia sẻ và thảo luận để nhằm hướng tới mục tiêu chung là tìm ra các giải pháp để tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong xã hội thông qua các sáng kiến đổi mới về TCTD.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Chiến lược quốc gia về TCTD, việc tổ chức Hội nghị chuyên đề ASEAN về TCTD là một cơ hội quý giá để kết nối Việt Nam với các tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu trong lĩnh vực TCTD để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chiến lược TCTD quốc gia. Chính phủ Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng với tư cách là cơ quan chủ trì triển khai TCTD tại Việt nam khẳng định sự quan tâm và ưu tiên chính sách đối với công tác TCTD nói chung và việc thúc đẩy vai trò và vị thế của phụ nữ trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước thông qua các sáng kiến đổi mới về tài chính toàn diện.
Các sáng kiến và kinh nghiệm, bài học được đúc rút trong tiến trình triển khai TCTD có ý nghĩa quan trọng giúp các quốc gia ASEAN nâng cao tính hiệu quả trong quá trình hoạch định các chiến lược, giải pháp và chính sách cụ thể để nâng cao hơn nữa vị thế của phụ nữ trong xã hội.
T.L
Ảnh: M.T







Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??