Vì sao Ngân hàng Dông Á họp dại hội dồng cổ đông bất thường?

  • Lần đầu tiên trong bốn năm qua, kể từ khi một số lãnh đạo chủ chốt cũ của Đông Á bị khởi tố điều tra và xét xử tại tòa, Đông Á tổ chức họp đại hội đồng cổ đông.
  • Cơ quan quản lý cân nhắc các phương án tái cơ cấu khác nhau đối với Đông Á để trình Chính phủ và đợi trả lời chính thức.
  • Đông Á bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 và đến nay tình trạng này vẫn được giữ nguyên.
22936


Ngày 6/9, trên trang web của mình Ngân hàng TMCP Đông Á bất ngờ thông báo chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. Ngày chốt danh sách cổ đông là 26/9. Thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung và tài liệu đại hội sẽ được chuyển tới cổ đông có tên trong danh sách chốt và sẽ được đăng tải công khai trên trang web.

Đây là lần đầu tiên trong bốn năm qua, kể từ khi một số lãnh đạo chủ chốt cũ của Đông Á bị khởi tố điều tra và xét xử tại tòa, ngân hàng này tổ chức họp đại hội đồng cổ đông. Khi biết thông báo trên không ít cổ đông của Đông Á băn khoăn về chương trình, nội dung đại hội sắp tới bởi cho đến nay vụ án xảy ra tại Đông Á các giai đoạn vẫn chưa xét xử xong và sẽ tiếp tục xét xử.

Âm vốn chủ sở hữu hàng chục ngàn tỉ đồng

Đông Á bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 và đến nay tình trạng này vẫn được giữ nguyên. Ngay sau khi tình trạng kiểm soát đặc biệt có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cử người đảm đương các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở Đông Á.

Không giống như một số tổ chức tín dụng yếu kém khác được giao cho một số ngân hàng hàng đầu (có vốn nhà nước chi phối) hỗ trợ về quản trị, nhân lực, Đông Á trên thực tế suốt thời gian qua được điều hành bằng nguồn nhân lực do NHNN điều phối, phê duyệt.

Trao đổi với người viết bài này trong một lần phỏng vấn, đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cho biết các ngân hàng tốt như Vietcombank, BIDV, VietinBank đang phải hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém khác và họ không muốn nhận thêm trách nhiệm cáng đáng các trường hợp mới phát sinh. Ông cũng “bật mí” cơ quan quản lý cân nhắc các phương án tái cơ cấu khác nhau đối với Đông Á để trình Chính phủ và đợi trả lời chính thức.

Tuy bị kiểm soát đặc biệt nhưng Đông Á không phải nhận tái cấp vốn của NHNN. Theo quy định về kiểm soát đặc biệt, Đông Á không được phát triển tín dụng mà chủ yếu tập trung vào xử lý nợ. Tháng 9 năm ngoái, trong một thông tin hiếm hoi đăng tải trên trang web, Đông Á thông báo trong năm 2017 và tám tháng đầu năm 2018 đã thu hồi được 9.100 tỉ đồng nợ xấu (cả gốc và lãi), bằng 53,3% kế hoạch xử lý nợ xấu của năm năm (2016-2020). Như vậy theo kế hoạch đến hết năm 2020 ngân hàng phải xử lý được tầm 17.100 tỉ đồng nợ xấu.

Cổ đông của Đông Á có lẽ là những người quan tâm đến tình hình hoạt động của ngân hàng này hơn cả. Cho đến tháng 4-2018 họ không thể biết chính xác thực trạng của ngân hàng như thế nào. Những người có nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu cũng không thể thực hiện, vì theo quy định việc chuyển nhượng phải tạm ngưng trong thời gian kiểm soát đặc biệt. Cổ phiếu, cổ phần của những người có liên quan đến vụ án xảy ra tại Đông Á cũng bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra.Trước đó, Đông Á cho biết trong giai đoạn từ tháng 8-2015 đến hết năm 2017 đã thu hồi được tổng cộng 12.100 tỉ đồng nợ xấu. Từ hai số liệu nói trên, khó bóc tách số nợ xấu mà ngân hàng này giải quyết trong năm 2018. Tuy nhiên, có thể khẳng định đến giữa năm nay nợ xấu mà Đông Á đã tháo gỡ nhiều hơn con số 12.100 tỉ đồng.

Chỉ đến khi cơ quan cảnh sát điều tra hoàn tất kết luận và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát tối cao đề nghị truy tố những nhân vật trong vụ án, dư luận mới sáng tỏ. Theo kết luận điều tra, Đông Á đã lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu 25.451 tỉ đồng vào cuối năm 2015.

Chấp nhận tăng vốn hay chuyển giao bắt buộc?

Rõ ràng Đông Á đã không còn vốn chủ sở hữu, hay nói cách khác cổ phiếu của ngân hàng này không còn giá trị như cổ đông mong muốn hoặc như khi họ bỏ tiền góp vốn vào ngân hàng. Giờ đây số nợ xấu đã xử lý được có thể làm bức tranh tài chính Đông Á bớt xấu đi, nhưng nó không thể làm thay đổi bản chất sự việc là Đông Á không còn vốn. Để ngân hàng tiếp tục hoạt động, các cổ đông phải bỏ thêm vốn mới, ít nhất là 3.000 tỉ đồng theo quy định về vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng thương mại cổ phần.

NHNN đã không dưới một lần khẳng định không để Đông Á phá sản và phá sản hiện chưa phải là cách thức thích hợp để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Nhìn lại việc xử lý các ngân hàng cổ phần yếu kém gần đây, có thể thấy việc góp thêm vốn từ phía các cổ đông để tăng cho đủ vốn điều lệ nhiều khả năng sẽ là một nội dung được nêu ra tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Đông Á lần này. Như thường lệ có thể có hai kịch bản. Thứ nhất, nếu cổ đông Đông Á chấp thuận nộp thêm tiền để đủ vốn điều lệ, đại hội sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới, thông qua điều lệ (có thể sửa đổi, bổ sung). Tất nhiên, việc trước tiên là cổ đông phải góp thêm vốn và thời điểm góp vốn phải được ấn định cụ thể.

Trong trường hợp cổ đông không đồng ý tăng vốn, nộp thêm tiền, họ có thể mất quyền kiểm soát của cổ đông với ngân hàng do Đông Á đang âm vốn chủ sở hữu. Để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và theo quy định về kiểm soát đặc biệt ngân hàng yếu kém, Nhà nước có thể quyết định cho phép một ngân hàng lành mạnh tiếp nhận quản lý điều hành hoặc chuyển giao bắt buộc cho một ngân hàng khác.

Theo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20-11-2017, chuyển giao bắt buộc là một trong những phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, luật chỉ rõ “chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, cổ đông, thành viên góp vốn của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần góp vốn cho bên nhận chuyển giao”.

Vấn đề còn lại là liệu ngân hàng nào sẽ nhận chuyển giao bắt buộc Đông Á? Người viết bài này đã tham khảo ý kiến của cả bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh và đều nhận được trả lời rằng họ không nhận được bất kỳ đề nghị nào tham gia tái cơ cấu Đông Á từ phía cơ quan quản lý. Như vậy bên nhận chuyển giao Đông Á có thể là một ngân hàng cổ phần. Ngân hàng nào? Câu trả lời xin dành đến cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Đông Á.

Theo TBKTSG


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.



DongA Bank "ráo riết" tìm lối đi

 Chủ đề chính được mang ra bàn bạc trong cuộc họp cổ đông bất thường tới của DongA Bank là chuyện tăng vốn điều lệ bù đắp vào phần vốn ngân hàng đang lỗ lũy kế.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vừa công bố tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019. Ngày chốt danh sách cổ đông là 26/9/2019. Cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 12/10/2019.

23224

Theo DongA Bank, sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, ngân hàng đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ tại thời điểm 31/12/2018.

Theo số liệu đã kiểm toán của EY, đến hết năm 2018, DongA Bank đang lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo ngân hàng có giá trị thực vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng (mức vốn điều lệ tối thiểu theo pháp định), ngân hàng này phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo đáp ứng quy định của pháp luật.

Ban lãnh đạo công ty cho biết dựa vào tình hình hoạt động của ngân hàng hiện nay, DongA Bank có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, ngân hàng không thể thực hiện phát hành ra công chúng cho cổ đông hiện nay vì không đáp ứng các điều kiện chào bán. Đặc biệt là quy định hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Vì vậy, DongA Bank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.

Theo đánh giá, hình thức này có ưu điểm là không yêu cầu tổ chức phát hành đáp ứng các điều kiện về hoạt động kinh doanh có lãi, không có lỗ lũy kế ở năm liền trước năm chào bán nhu phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tuy nhiên, phát hành theo hình thức này, tổ chức phát hành chỉ chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet.

Ngoài ra, nhà đầu tư mua cổ phần của đợt chào bán riêng lẻ còn bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm. Dù vậy, đây là sự lựa chọn duy nhất của DongA Bank hiện nay nên HĐQT ngân hàng vẫn lựa chọn hình thức này để tăng vốn

Công bố kế hoạch tăng vốn để bù đắp tối thiểu vốn điều lệ về mức 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên ban lãnh đạo DongA Bank không tiết lộ số dự kiến phải tăng thêm thực tế.

Trong đợt chào bán sắp tới, ngân hàng sẽ ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu, ngoài ra sẽ phát hành cho nhà đầu tư bên ngoài đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thời gian dự kiến chào bán sẽ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần này sẽ được dùng để bù đắp việc âm vốn điều lệ của ngân hàng.

Đây là lần đầu tiên DongA Bank tổ chức họp ĐHĐCĐ sau 4 năm kể từ khi bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tháng 7/2015.

Sau khi bị đưa vào diện kiểm soát, toàn bộ cổ đông ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần của DongABank.

Trong trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt. Ngân hàng cũng đã hoàn trả tiền các cổ đông đã nộp trong đợt ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Suốt 4 năm qua, DongA Bank không công bố báo cáo tài chính, Ngân hàng chỉ công bố tình hình hoạt động ở một vài thời kỳ. Đến nay, DongA Bank đã đi qua nửa chặng đường của năm 2019.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63.450 tỷ đồng, tăng 2.595 tỷ đồng tương ứng tăng 4,3% so với đầu năm 2019; tăng 1.730 tỷ đồng tương ứng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50.903 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,8% so đầu năm 2019.

Thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỷ đồng, xấp xỉ so cùng kỳ; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỷ đồng, tương ứng tăng 40% so cùng kỳ, lợi nhuận từ các hoạt động kiều hối tiếp tục đạt kết quả cao làm góp phần đa dạng hóa nguồn thu của DongA Bank

Theo Nha Trang
Diễn đàn doanh nghiệp

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc






 

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??