Phó Thống dốc Nguyễn Kim Anh: Tiếp tục thể chế hóa các quy định về TTKDTM sẽ tạo bước tiến cho nền kinh tế
25/09/2019
Ngày 24/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ
chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định
số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Cuộc họp do Phó Thống đốc
Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì cuộc họp
Các quy định về thanh toán không
dùng tiền mặt (TTKDTM) cần bám sát cuộc cách mạng 4.0
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn
mạnh: Lĩnh vực ngân hàng cần tiếp tục được hoàn thiện cơ chế, thể chế liên quan
đến hoạt động thanh toán. Theo Phó Thống đốc, hiện nay có rất nhiều nội dung
cần được thể chế hóa, chẳng hạn những dịch vụ thanh toán dựa trên nền tảng công
nghệ mới, bởi đây là vấn đề thực tiễn đặt ra trong thời gian qua mà chưa có khuôn
khổ pháp lý để điều chỉnh. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng cho biết, một số
trường hợp cần thiết, NHNN sẽ xây dựng Đề án trình Chính phủ để ban hành cơ chế
thử nghiệm.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ
Thanh toán NHNN trình bày về các nội dung thay đổi trong bản dự thảo Nghị định
thay thế Nghị định 101
Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã sửa đổi bổ sung) được Chính phủ
ban hành ngày 22/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ 26/3/2013. Sau khi Nghị
định có hiệu lực thi hành, các quy định tại Nghị định đã góp phần quan trọng
trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cơ bản cho công tác TTKDTM. Qua hơn 6 năm
triển khai thực hiện, Nghị định 101 đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong
hoạt động thanh toán của nền kinh tế, thúc đẩy việc TTKDTM đi vào cuộc sống,
hạn chế dần các thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, đảm bảo thực thi
có hiệu quả các quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ
thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng hội nhập toàn cầu của nền
kinh tế, các quy định về TTKDTM hiện hành cần được tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa
để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và có các giải pháp chặt chẽ để nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán trình bày về
mục đích và quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định, đồng thời cũng phân tích các
vấn đề còn tồn tại và đưa ra hướng giải quyết các vấn đề đó bằng các cơ chế về
quản lý nhà nước. Dự thảo sẽ được lấy ý kiến đóng góp và sẽ hoàn thiện để trình
Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của
hệ thống thanh toán
Việc xây dựng Nghị định mới nhằm thay thế Nghị định 101
hướng đến mục tiêu bảo đảm sự an toàn và hiệu quả của các hệ thống thanh toán
trong nền kinh tế, giữ vững sự ổn định của an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an
toàn xã hội, ngăn ngừa các rủi ro mang tính hệ thống, bảo vệ quyền lợi của
người sử dụng, tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng
bố trong các giao dịch thanh toán.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định sẽ tiếp tục thúc
đẩy các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt
trong thanh toán nhằm tạo sự minh bạch trong giao dịch tài chính, gia tăng các
dịch vụ thanh toán tiện ích nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu chi phí
và hướng tới lợi ích của khách hàng, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của
người dân sang thanh toán điện tử, TTKDTM tiện lợi và nhanh chóng.
Các điều khoản được bổ sung sẽ bảo vệ hơn nữa quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động TTKDTM, nâng cao năng lực hội
nhập của nền kinh tế và hiệu lực của chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế
vĩ mô. Nghị định mới cũng hướng đến quy định cụ thể hóa các hành vi vi phạm,
các điều kiện kinh doanh, các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên
quan, làm cơ sở để NHNN thực hiện chức năng quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám
sát các hoạt động TTKDTM, tạo dựng khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng và
tổ chức không phải tổ chức tín dụng hoạt động cung ứng hiệu quả các sản phẩm
thanh toán tiện lợi, hiện đại đến khách hàng sử dụng dịch vụ; Thiết lập căn cứ
pháp lý thống nhất để quy định về tiền điện tử; Phục vụ mục tiêu tài chính toàn
diện đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân không có tài
khoản tại ngân hàng với sự tham gia của các tổ chức không phải là tổ chức tín
dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ với chi phí hợp lý trên
cơ sở phù hợp với pháp luật hiện hành, góp phần thúc đẩy TTKDTM, giúp khách
hàng được lựa chọn và tiếp cận với nhiều sản phẩm dịch vụ an toàn và tiện lợi.
Các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị
định
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị của NHNN và một số tổ chức
tín dụng đã phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính
phủ. Các đơn vị đều đồng thuận quan điểm: Việc xây dựng Nghị định nhằm thay thế
Nghị định 101 là phù hợp với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng,
Nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ
quan hành chính nhà nước. Chủ trương của Đảng và Chính phủ trong những năm gần
đây là tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức,
cá nhân cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán vì mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội, hạn chế việc sử dụng tiền mặt gây lãng phí và phòng chống tham nhũng.
Đồng thời, việc xây dựng các quy định mới trong bản dự thảo
Nghị định cũng phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam, Luật Tổ chức tín dụng và các Luật liên quan, đảm bảo tính
thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và các quy định pháp
luật khác có liên quan; Phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam
tham gia, áp dụng các thông lệ, kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành
công trên thực tiễn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của Việt Nam và nhằm
thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện hệ
thống văn bản pháp quy liên quan về thanh toán…
Dự thảo Nghị định đã đưa ra các căn cứ cần thiết cho việc
quản lý nhà nước hiệu quả về lĩnh vực thanh toán, bảo đảm tính khả thi, gắn với
ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm thanh toán hiện đại, an
toàn và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành trong quá
trình xây dựng, triển khai thực hiện Nghị định.
T.L – M.T
Comments
Post a Comment