Tài chính xanh tại Việt Nam có nhiều tín hiệu bước đầu khởi sắc

23/09/2019
Đó là nhận xét của các chuyên gia tại Hội thảo “Tài chính xanh tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại Hà Nội ngày 13/9/2019.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Tham dự Hội thảo có bà Hoàng Thị Phương Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN, ông Satoru Yamadera - Chuyên gia cao cấp khu vực Tài chính ADB, các chuyên gia kinh tế đến từ ADB, Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI), Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), Ngân hàng Trung ương Philippines, Ủy ban Chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, Viện Nghiên cứu Nomura, các đại biểu đại diện các Vụ, Cục, đơn vị liên quan thuộc NHNN, Bộ tài Chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Ngân hàng thương mại, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hoàng Thị Phương Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN cho biết, tăng trưởng xanh là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hướng tới phát triển bền vững. Đối với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam, vấn đề tăng trưởng gắn với phát triển sâu, rộng và bền vững là vấn đề có tính cấp thiết. Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đồng thời cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để tài trợ cho Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do vậy, Việt Nam cần có chiến lược và khuôn khổ chính sách tài chính xanh phù hợp nhằm tạo ra các công cụ và sản phẩm tài chính xanh hữu hiệu nhằm huy động vốn cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua thị trường tài chính.
Bà Hoàng Thị Phương Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế khai mạc Hội thảo
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hình thành khuôn khô pháp lý dành cho tài chính xanh, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể hóa kế hoạch hành động và triển khai cho lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Ngoài ra, NHNN đã lồng ghép chương trình tín dụng xanh vào các văn bản quy phạm pháp luật do NHNN ban hành hoặc do NHNN soạn thảo trình Chính phủ ban hành. Đặc biệt, ngày 07/8/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hoá hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường…
Như vậy, khuôn khổ cho tài chính xanh ở Việt Nam đang dần hình thành và hệ thống tài chính đã có những tham gia tích cực vào chiến dịch xanh hóa nền kinh tế. Khảo sát về áp dụng “tín dụng xanh” trong ngành ngân hàng của NHNN cho thấy có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động “tín dụng xanh”, 10 TCTD đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho “tín dụng xanh”, 17 TCTD đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.
Các con số đầu tư tài chính trong ngành tài chính xanh của lĩnh vực ngân hàng cũng hết sức khả quan. Tính đến quý I/2019, đã có 20 tổ chức tín dụng cho vay tín dụng xanh với dư nợ 242.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018, trong đó cho vay trung dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn là 54.000 tỷ đồng. Đối tượng cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 131.000 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực quản lý bền vững đô thị là 31.000 tỷ đồng, cho vay lâm nghiệp bền vững là 13.600 tỷ đồng, cho vay năng lượng tái tạo mới đạt trên 8.000 tỷ đồng. Cũng tính đến hết tháng 3/2019, dư nợ tín dụng đánh giá theo rủi ro môi trường xã hội đạt gần 314.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn là 138.000 tỷ đồng.
Theo bà Hoàng Thị Phương Hạnh, cùng với những tín hiệu bước đầu khởi sắc trong ngành tài chính xanh, Việt Nam cũng nhận thức được nhiều thách thức và rủi ro tiềm ẩn đối với lĩnh vực này như bảng cân đối tài sản của các ngân hàng chủ yếu được hình thành từ luồng vốn ngắn hạn nên thiếu vốn trung và dài hạn đầu tư cho các dự án xanh, nền kinh tế thiếu các kênh huy động vốn trung và dài hạn để hỗ trợ cho tài chính xanh…; khó khăn trong việc kiểm soát kết quả đầu ra của các dự án xanh cũng như trong việc thẩm định, đánh giá tính chất “tín dụng xanh” của các dự án đề xuất…Những hạn chế này đang trở thành những rào cản đối với sự phát triển của ngành tín dụng xanh ở Việt Nam.
Do vậy, bà Hoàng Thị Phương Hạnh hy vọng thông qua Hội thảo này, với những chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, các đại biểu tham dự Hội thảo, là các cán bộ trực tiếp làm việc trong các lĩnh vực liên quan, sẽ thu được các bài học hữu ích; từ đó, sẽ gợi mở ra các đề xuất thiết thực đối với Việt Nam.
Ông Satoru Yamadera - Chuyên gia cao cấp khu vực Tài chính ADB phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Satoru Yamadera - Chuyên gia cao cấp khu vực Tài chính ADB cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các thông tin về hoạt động của lĩnh vực tài chính xanh, trái phiếu xanh, giúp các đại biểu có hiểu biết sâu hơn về lĩnh vực tài chính xanh và phát triển thị trường trái phiếu xanh, cũng như việc lựa chọn các chính sách phát triển tài chính xanh và thị trường trái phiếu xanh phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi quốc gia.
Ông Satoru Yamadera cho biết, hiện ADB có các chương trình hỗ trợ những sáng kiến hợp tác và huy động giúp các nguồn lực trong lĩnh vực tài chính xanh trong khu vực ASEAN. Cụ thể, ADB hỗ trợ trong việc xây dựng những quy tắc, tiêu chuẩn trái phiếu xanh trong khu vực ASEAN và việc triển khai trong thực tế để phát hành trái phiếu xanh. Cùng với đó, ADB cũng hỗ trợ trong việc kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư và đánh giá trái phiếu xanh bền vững.
Ông cho rằng, các nước trong khu vực ASEAN không chỉ quan tâm tới tài trợ tài chính xanh ở từng quốc gia mà còn phải quan tâm tới thị trường của cả khu vực để có thể luân chuyển các dòng vốn này trong cả khu vực. NHNN Việt Nam là một trong những tổ chức xây dựng chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện về tài chính xanh tại Việt Nam. Do vậy, qua Hội thảo này sẽ có thêm nhiều ý tưởng được đưa ra và ADB sẽ là một trong những tổ chức có những hỗ trợ, đóng góp vào sự phát triển của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam trong tương lai.
Ông Kosintr Puongsophol - Chuyên gia tài chính ADB trình bày tổng quan về tài chính xanh và trái phiếu xanh
Tại Hội thảo, các chuyên gia và các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng thị trường tài chính xanh trong khu vực ASEAN và Việt Nam; các vấn đề về phát triển thị trường vốn bền vững trong khu vực ASEAN; Các vấn đề và thách thức trong việc thúc đẩy tài chính xanh ở các nền kinh tế mới nổi; Các nguyên tắc và chuẩn mực của trái phiếu xanh trong khu vực và quốc tế; Vai trò cỉa Ngân hàng Trung ương trong việc thúc đẩy tài chính bền vững; Vai trò của các chỉ số xanh trong phát triển thị trường trái phiếu xanh; Hệ sinh thái cần thiết cho thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam; Các thông lệ tốt đối với việc phát triển thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ; Các lựa chọn chính sách nhằm thúc đẩy tài chính xanh và thị trường trái phiếu xanh…
CKH

Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu