Phát triển Fintech bền vững nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng khả năng tiếp cận tài chính

12/09/2019
Hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy sáng tạo, tăng khả năng tiếp cận tài chính, phát triển mạnh mẽ, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ về một nền kinh tế số trong tương lai.

Ảnh minh họa.
Nhằm thúc đẩy công nghệ tài chính (Fintech) và hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng – Fintech, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái Fintech phát triển bền vững tại Việt Nam, ngày 12/9 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Phát triển Hệ sinh thái Fintech: Bài học kinh nghiệm và đề xuất nhằm hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Đây là sự kiện thuộc khuôn khổ Chương trình “Thử thách sáng tạo cùng Công nghệ tài chính – Fintech Challenge Vietnam” năm 2019. Chủ trì Hội thảo là ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech, NHNN, tham dự Hội thảo còn có đại diện một số Vụ, Cục chức năng của NHNN, đại diện ADB, các ngân hàng thương mại, một số tổ chức và các chuyên gia tài chính công nghệ trong và ngoài nước.
Trước đó, ngày 13/8/2019, Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Chương trình FCV) lần thứ hai đã được khởi động tại trụ sở NHNN. Chương trình FCV do NHNN tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (Mekong Business Initiative - MBI), dự án do Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech. Tại Việt Nam, số lượng các công ty Fintech đã tăng gần gấp bốn lần từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến gần 150 công ty ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Fintech ở Việt Nam hiện đang phát triển ở giai đoạn đầu do hệ sinh thái còn đang trong quá trình hoàn thiện, đồng thời lĩnh vực này hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khuôn khổ pháp lý, vốn và nguồn lực con người.
Nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam ở khía cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, NHNN đã chủ động tiếp cận với Fintech thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN vào tháng 03/2017 với mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái Fintech (bao gồm cả khuôn khổ pháp lý) hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của các công ty Fintech tại Việt Nam. NHNN đã và đang trong quá trình thực hiện những hành động để cụ thể hóa nhiệm vụ này.
Tại Hội thảo, ông Ngô Văn Đức - Phó trưởng phòng Vụ Thanh toán (NHNN) - đã thông báo về thực trạng và định hướng phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam, bà Janet Young - Giám đốc điều hành và trưởng ban các kênh phân phối và số hóa ngân hàng UOB Singapore - trình bày tham luận về vấn đề Phát triển hệ sinh thái: Bài học kinh nghiệm và đề xuất nhằm hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) nêu ý kiến về hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech. Bà Thạch Lê Anh - nhà đồng sáng lập, Chủ tịch Vietnam Silicon Valley (VSV) - tham luận về vấn đề huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp: Hỗ trợ Nhà nước hay tư nhân?
Trong hơn 2 năm qua với thiện chí và tinh thần ủng hộ đổi mới sáng tạo, NHNN đã triển khai quyết liệt một số nội dung như: Nghiên cứu một số lĩnh vực trọng tâm của Fintech để có giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp, tạo nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech; Phối hợp với ADB tổ chức cuộc thi Fintech Challenge Vietnam năm 2018 và năm 2019 nhằm tạo sân chơi cho các công ty Fintech trong nước và nước ngoài giới thiệu các giải pháp, qua đó phát hiện và nuôi dưỡng các doanh nghiệp có giải pháp hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của thị trường; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động lĩnh vực Fintech trong lĩnh vực thanh toán (như QR Code, thẻ chip...); Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện lập trình ứng dụng mở (open API), cho vay ngang hàng,...; Nghiên cứu xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trình Thủ tướng Chính phủ... Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, bản thân NHNN cũng phải đối mặt với các rào cản không hề nhỏ trong tiến trình này, đặc biệt khi chưa có một khuôn khổ pháp lý và thể chể quản lý cụ thể đối với lĩnh vực Fintech.
Hội thảo quy tụ các ý kiến chia sẻ của chuyên gia trong và ngoài nước về hệ sinh thái Fintech; các thông lệ và kinh nghiệm quốc tế tốt nhất về các quy định và sáng kiến pháp lý nhằm hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của Hệ sinh thái Fintech; chính sách hỗ trợ vốn từ khu vực công và các quỹ tư nhân cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech cũng như phương thức đào tạo, ươm mầm tài năng trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam...
Những thông tin trao đổi tại buổi Hội thảo là nguồn thông tin đầu vào rất quý giá đối với các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và NHNN nói riêng trong tiến trình xây dựng và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ về một nền kinh tế số trong tương lai.
Thoa Lê
Ảnh: Mạnh Thắng

Comments

Popular posts from this blog

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??

Dề Thi Vietinbank - 10 dề (cập nhật 2020)

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu