Ngành Ngân hàng với những thách thức CMCN 4.0

05/09/2019
Năm 2016, nội dung "Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - CMCN 4.0" là chủ đề của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos-Klosters, và hiện nay CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được mô tả như là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong khoa học vật lý, kỹ thuật số, sinh học, và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp.

Ảnh minh họa
CMCN 4.0 đang diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Trong đó, những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn và công nghệ đang làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thống của mọi ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội. Thế giới đã xuất hiện những hãng taxi không sở hữu một chiếc taxi nào hay công ty cho thuê khách sạn lớn nhất không có một khách sạn nào, các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán khổng lồ mà không phải là ngân hàng… Hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta đều bị tác động: công việc, mô hình kinh doanh, cấu trúc, tương tác xã hội, hệ thống quản trị… Sự phát triển của công nghệ cùng với việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của CMCN 4.0 vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội đã và sẽ tiếp tục mang đến những thay đổi chưa từng có cả về chiều rộng và chiều sâu trong mọi lĩnh vực, làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Hệ thống ngân hàng là một thành phần của nền kinh tế, lĩnh vực hoạt động có tính liên thông và ứng dụng công nghệ ở mức độ cao, là mạch máu của xã hội nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và bắt buộc phải chuyển mình theo CMCN 4.0.  
CMCN 4.0 tạo ra những bước tiến mới trong thay đổi cách giao tiếp và xử lý nghiệp vụ thông qua tương tác và giao tiếp điện tử. Vai trò của công nghệ là yếu tố quan trọng, then chốt trong định hướng phát triển ngân hàng theo CMCN 4.0. Mô hình ngân hàng số hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính trên môi trường mạng Internet đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ thống của ngân hàng. Ngân hàng không còn vai trò chỉ trong xã hội thực, mà còn phải thiết lập vai trò trong không gian số. 
Hơn thế nữa, tiền điện tử, Blockchain đang chuyển đổi mọi thứ từ giao dịch thanh toán đến cách huy động tiền trên thị trường tài chính. Blockchain và công nghệ sổ cái phi tập trung (DLT) sẽ thay thế hoặc cách mạng hóa các yếu tố của hệ thống ngân hàng.   
Công nghệ đã trở thành các yếu tố quan trọng, then chốt trong định hướng phát triển ngân hàng theo 4.0. Nhiều chuyên gia dự báo, cạnh tranh trong thế kỷ 21 đã chuyển từ không gian vật lý sang không gian ảo. Cấu trúc hoạt động của hệ thống ngân hàng thay đổi và nếu các ngân hàng đứng sau đường cong về công nghệ, các nhà quản lý sẽ đối mặt với thách thức rất lớn trong việc xây dựng cơ chế quản lý, điều hành. 
Thực tế, ngành Ngân hàng là một trong những ngành hàng đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý và kinh doanh. Điều này đã tạo ra một nền tảng vững chắc và lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế còn có nhiều rủi ro và thách thức khi quản trị và phát triển các công nghệ mới như blockchain, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Thực tế này đòi hỏi ngành Ngân hàng phải thay đổi mô hình quản trị, cấu trúc quản lý và sản phẩm cũng như đối mặt với việc quản trị rủi ro đến từ các vấn đề như an ninh mạng và bảo vệ thông tin khách hàng. 
“ We need banking, we don’t need banks anymore” - tạm dịch là “chúng tôi cần giao dịch ngân hàng nhưng chúng tôi không cần ngân hàng”. Năm 1997, khi Bill Gates đưa ra tuyên bố này, ít ai biết rằng lời tiên tri của ông đang có xu hướng diễn ra mạnh mẽ sau hơn hai thập kỷ. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng đây có thể là một trích dẫn từ tuần trước hoặc tháng trước. Thực tế này chứng minh rõ ràng nhưng thách thức to lớn và cấp bách trong quản lý điều hành của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.    
Cùng với việc phát triển công nghệ và Blockchain, việc cung cấp dịch vụ ngân hàng có thể không còn bị giới hạn trong một tập hợp các tổ chức ngân hàng truyền thống, mà được mở rộng sang một tập hợp các doanh nghiệp thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính và phi tài chính khác. Thách thức về việc đổi mới công tác quản trị điều hành ngành ngân hàng truyền thống phù hợp với CMCN 4.0 đã là vô cùng to lớn và nếu tất cả điều trên xảy ra, phạm vi của thách thức sẽ mở rộng và trở nên phức tạp hơn nhiều. Việc xây dựng và áp dụng khung pháp lý, chính sách đảm bảo sự ổn định tài chính, bảo vệ khách hàng, duy trì sự cạnh tranh lành mạnh... trong mội trường kinh doanh cả thực và ảo, cả các lĩnh vực dịch vụ tài chính và phi tài chính là thách thức rất lớn không giống bất cứ điều gì ngành Ngân hàng đã trải qua trước đó và đặc biệt là các yêu cầu quản lý liên tục thay đổi và ngày càng tăng.   
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để phát triển nhanh chóng và hiệu quả theo xu hướng của thế giới, ngành Ngân hàng cần tập trung nguồn lực để xây dựng và áp dụng khung pháp lý mới, tạo môi trường sinh thái tốt cho các tổ chức tín dụng và các công ty fintech phát triển dịch vụ tài chính trong nền tảng kỹ thuật số và đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT để hiện đại hóa, tự động hóa hầu hết quy trình ngân hàng, phát triển dịch vụ ngân hàng thông qua công nghệ số, đảm bảo công tác quản trị rủi ro như an ninh mạng và bảo vệ thông tin khách hàng. 
Rõ ràng, tốc độ phát triển của khoa học công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc ngành Ngân hàng. Trước yêu cầu cấp bách, các cơ quan quản lý phải chấp nhận, chủ động thay đổi và tìm kiếm cách thức phù hợp để theo kịp xu hướng, chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận những thành tựu công nghệ mới tránh bị tụt hậu. 
Ngành Ngân hàng hiện vẫn có lợi thế trong giai đoạn đầu của CMCN 4.0, nhưng là một phần của tương lai thay đổi khó lường, ngành Ngân hàng cần khẳng định vai trò cốt lõi của mình và đặc biệt phải đảm bảo sự phát triển đồng bộ, dẫn đường của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý điều hành. Ngành Ngân hàng phải vượt qua thách thức và đi tiên phong trong việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu công nghệ của CMCN 4.0 trong quản lý và điều hành nền kinh tế số.
TS. Nghiêm Xuân Thành

Nguồn: TCNH số 2+3/2019



Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??