Tín dụng chính sách trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

23/09/2019
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực dân tộc thiểu số mà miền núi (DTTS) và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng nói chung và tín dụng chính sách nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực và trở thành một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội(NHCSXH), với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên mộttriệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động (trên 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.
Sáng 23/9/2019, tại Hà Nội, NHCSXH phối hợp với Bộ LĐTB&XH tổ chức “Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước… Về phía NHNN có Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Công cụ nòng cốt triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo ghi nhận hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, trên cơ sở các nguồn lực huy động được, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai 20 chương trình tín dụng, trong đó tập trung cho các chương trình tín dụng lớn như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay giải quyết việc làm; tín dụng học sinh – sinh viên; tín dụng đối với vùng khó khăn; cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số dư nợ chiếm tới 98%...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội
Bên cạnh việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được tăng lên, đi đúng vào đúng đối tượng. Trong khi nợ xấu của nền kinh tế lớn thì của chương trình tín dụng này, nợ quá hạn chỉ 0,4% và nợ khoanh chỉ 0,33%, hầu như không có nợ xấu.
“Có thể nói NHCSXH và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 – 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước – thông qua NHCSXH – với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.
NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trong 17 năm qua.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết hiện nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
Với gần 11.000 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn, ấp, bản, làng, NHCSXH đã thực hiện vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động (trên 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.
Chính sách tín dụng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở các vùng nghèo
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng nói chung và tín dụng chính sách nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực và trở thành một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 – 2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cũng đã giảm từ 9,88% vào năm 2015 xuống còn 5,23% năm 2018. Từ năm 2016 đến nay tỷ lệ giảm nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao hàng năm, cũng như mục tiêu tại chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cụ thể tỷ lệ giảm nghèo bình quân cả nước đạt trên 1,5%/năm, riêng huyện nghèo thì bình quân giảm ở mức rất cao là 5,5%/năm.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 phát biểu Hội nghị trực tuyến
Đối với mục tiêu thực hiện xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng, chiếm trên 50% tổng nguồn lực của các chương trình này, đạt 1,18 triệu tỷ đồng. Cùng nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần hoàn thành sớm các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Chia sẻ về các giải pháp của ngành Ngân hàng để đạt được kết quả tích cực nói trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng theo hướng đột phá, mở rộng cả về đối tượng, hạn mức và các thủ tục vay vốn.
Thứ nhất, NHNN đã trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi phù hợp với thực tiễn nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Trong đó triển khai các chương trình chính sách đặc thù để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho người dân, như chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hoá, giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Đến ngày 31/7/2019, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 5,11% so với cuối năm 2018 và chiếm 24,23% dư nợ tín dụng toàn quốc.
“Có thể thấy hệ thống cơ chế chính sách tín dụng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Thống đốc nhận định.
Thứ hai, mạng lưới các TCTD tham gia cung ứng dịch vụ ngân hàng không ngừng được mở rộng về quy mô và đa dạng về loại hình vận động. Trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang phát triển mạng lưới, điểm giao dịch đến các phường xã toàn quốc; hệ thống các TCTD ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh phục vụ yêu cầu đời sống của khu vực nông thôn, vùng sâu và vùng xa.
Đối với hoạt động tín dụng chính sách, NHNN cũng đã tham mưu trình ban hành theo thẩm quyền một số chính sách tín dụng quan trọng có tác động lớn tới hệ thống chính sách giảm nghèo như chính sách tín dụng với hộ cận nghèo, chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Việc ban hành các chính sách này đã tạo nên hệ thống chính sách giảm nghèo đồng bộ bao phủ đến tất cả các nhóm đối tượng thụ hưởng, từ hộ nghèo đến hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trong đó, chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được coi là chính sách tiên phong hỗ trợ nhóm đối tượng đã thoát nghèo, tạo điều kiện cho các hộ mới thoát nghèo được tiếp tục được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thứ tư, theo Phó Thống đốc, để hỗ trợ tạo điều kiện cho NHCSXH ổn định nguồn vốn thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, NHNN đã triển khai một số giải pháp như kịp thời hỗ trợ nguồn vốn qua kênh tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn trong điều kiện ngân sách chưa bố trí kịp thời một số chương trình tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, ban hành các văn bản hướng dẫn các TCTD nhà nước thực hiện duy trì bắt buộc tiền gửi ổn định tại NHCSXH, khuyến khích các ngân hàng mua trái phiếu của NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh.
Đến nay tổng các nguồn vốn nêu trên chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH, riêng nguồn vốn nhận tiền gửi 2% từ các TCTD nhà nước đạt 71.277 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,4% tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH hiện nay.
Thứ năm, quán triệt Chỉ thị 40 của Ban bí thư và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401 ngày 13/3/2016 về kế hoạch triển khai Chỉ thị 40, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền địa phương nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế chính sách và bố trí các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, đến nay các nhiệm vụ phân công tại Chỉ thị 40 và Quyết định 401 đã được các bộ ngành tích cực triển khai có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát triển tích cực.
Đồng thời, tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội, phân biệt rõ ràng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các hoạt động cho vay theo chính sách tài khóa này đều phải được cấp bù lãi suất, cấp chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Có cơ chế chính sách tiếp tục bố trí riêng danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
“Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ, để có mức vốn của nhà nước và có nguồn gốc Nhà nước đủ lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, có cơ chế cho Ngân hàng tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung cho hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình, giải quyết sinh kế, vươn lên làm giàu”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo Phó Thủ tướng, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính tới việc sắp tới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số khi được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động tiếp thu các ý kiến đề xuất để hoàn thiện chính sách như nâng thêm mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, tăng mức cho vay đối với hộ sản xuất và các chương trình nước sạch.
Hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương hàng năm sẽ bổ sung thêm ít nhất 600 tỷ đồng cho vay các đối tượng chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị HĐND, UBND các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.
“Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. 16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”, Phó Thủ tướng kêu gọi.
Phó Thủ tướng đề nghị năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. MTTQ mở rộng cuộc vận động Vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội, không để phát sinh nợ đọng, nợ khoanh mới. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính không để nợ nghĩa vụ của Nhà nước đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
NN

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??