NH Bản Việt sau 6 năm bà Nguyễn Thanh Phượng rời ghế chủ tịch

Ngân hàng của bà Nguyễn Thanh Phượng tiếp tục thực hiện những kế hoạch đã được đưa ra trong đại hội cổ đông 2019. Sau hơn 6 năm bà Phượng rời vị trí chủ tịch, VietCapitalBank đã có nhiều thay đổi.

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tổ chức này vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho tổ chức phát hành đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (VietCapitalBank).

Đây là một ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng từng có triển vọng khá tốt dười thời bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch. Thương hiệu Bản Việt cũng gắn với một công ty chứng khoán do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch đang phát triển khá tốt trong thời gian gần đây dù thị trường chứng khoán không còn sôi động như các năm trước đó.

Theo VSD, VietCapital Bank được cấp mã chứng khoán BVB với vốn điều lệ 3.171 tỷ đồng bắt đầu từ ngày 16/9/2019. VSD sẽ nhận lưu ký 317,1 triệu cổ phiếu đăng ký của nhà băng này để Ngân hàng Bản Việt giao dịch cổ phiếu BVB trên thị trường Upcom tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Việc đưa cổ phiếu lên sàn là một trong những kế hoạch của VietCapitalBank đã được cổ đông nhất trí thông qua tại đại hội cổ đông thường niên 2019.

NH Bản Việt sau 6 năm bà Nguyễn Thanh Phượng rời ghế chủ tịch
Phương hướng mục tiêu 2019 của Ngân hàng Bản Việt.


Thành viên HĐQT của VietCapitalBank hiện gồm 5 người cho nhiệm kỳ 2015-2020 gồm: ông Lê Anh Tài (chủ tịch), bà Nguyễn Thanh Phượng (thành viên), ông Nguyễn Hoài Nam (thành viên), ông Ngô Quang Trung (thành viên kiêm TGĐ), ông Vương Công Đức (thành viên độc lập).

Ông Lê Anh Tài được bổ nhiệm trở thành thành viên HĐQT VietCapitalBank từ cuối tháng 4/2013. Sau đó, tới đầu tháng 5/2013, ông Lê Anh Tài được bổ nhiệm tạm thời thay Nguyễn Thanh Phượng giữ chức chủ tịch HĐQT (nghỉ thai sản).

NH Bản Việt sau 6 năm bà Nguyễn Thanh Phượng rời ghế chủ tịch
HĐQT của Ngân hàng Bản Việt.


Ông Lê Anh Tài nắm giữ vị trí chủ tịch VietCapitalBank từ đó cho tới nay. Trước khi vào HĐQT, ông Tài là Phó Tổng Giám đốc, phụ trách khối kinh doanh tín dụng, chính sách khách hàng và phát triển sản phẩm của Bản Việt.

Trong vài năm gần đây, VietCapitalBank hoạt động khá ổn định nhưng lợi nhuận không cao và quy mô vốn không tăng nhanh như nhiều ngân hàng khác. Trong quý 4/2018, BVB thậm chí còn bị lỗ nhẹ.

Tại ĐHCĐ 2019, VietCapitalBank đặt mục tiêu khá tham vọng với lợi nhuận tăng 76%. Tới cuối 2018, BVB ghi nhận tổng tài sản đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 17%; huy động vốn 42 ngàn tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 30 ngàn tỷ; và lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2018 là 116 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCI) do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch, trong khi đó phát triển khá tốt. VCI gần đây tiếp tục ghi nhận một thế mạnh mà ít đối thủ nào có được với sự tham gia của các tỷ phú Việt.


NH Bản Việt sau 6 năm bà Nguyễn Thanh Phượng rời ghế chủ tịch
Bà Nguyễn Thanh Phượng, thành viên HĐQT VietCapitalBank.

Trong tháng 7/2018, 2 tổ chức là CTCP Hàng không VietJet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và CTCP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã chi gần 400 tỷ đồng để sở hữu trái phiếu không chuyển đổi của VCI.

Trong năm 2018, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng ghi nhận sự bứt phá kỷ lục, với doanh thu hơn 1,82 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 820 tỷ đồng.

Chứng khoán Bản Việt của bà Phượng thậm chí còn bất ngờ vươn lên vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong quý 4/2018 với 17,04% thị phần, vượt qua Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng (SSI 15%).

Cú chiếm đỉnh của doanh nghiệp bà Nguyễn Thanh Phượng nhiều khả năng nhờ thương vụ CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang bán toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc thu về 470 triệu USD.

Gần đây, Chứng khoán Bản Việt của bà Phượng trở thành cổ đông lớn thứ tư của Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (SCR). VCSC đã chi khoảng 152 tỷ đồng cho thương vụ mua 19 triệu cổ phiếu SCR, tương ứng 5,6% số lượng cổ phần đang lưu hành.

Thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 16/9 VN-Index tiếp tục tăng nhẹ phiên thứ 2 sau 1 phiên bứt phá hôm thứ 5 tuần trước. Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng diễn biến tích cực. Vingroup (VIC) tăng 700 đồng; Vimhomes tăng 200 đồng, Vincom Retal tăng 300 đồng.

Nhiều cổ phiếu blue-chips tăng giá mạnh gồm: GAS (tăng 2.400 đồng) sau khi giá dầu thế giới tăng vọt; Masan tăng 1.100 đồng; Thế Giới Di Động tăng 800 đồng; VietJet tăng 600 đồng…

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo YSVN, chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng giá 980 - 990 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản thấp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên nhiều khả năng dòng tiền ngắn hạn sẽ tiếp tục cải thiện trong tuần giao dịch tới. Điểm lưu ý là tuần tới là tuần cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF cho nên mức độ thanh khoản đầu tuần dự kiến có thể sẽ thấp và cải thiện dần ở các phiên cuối tuần. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tăng mạnh cho thấy cơ hội giải ngân mới có chiều hướng gia tăng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9, VN-Index tăng 11,15 điểm lên 987,22 điểm; HNX-Index tăng 1,08 điểm lên 102,22 điểm và Upcom-Index tăng 0,32 điểm lên 56,72 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??