Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng
02/11/2018
Cuối giờ chiều ngày 01/11/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Thị Kim Ngân đã phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp
thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Trong bài phát biểu này, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ,
ngành triển khai nhiều công việc cụ thể. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều nhiệm vụ quan
trọng.
Chủ tịch Quốc hội kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Theo Chủ tịch Quốc hội, sau 3 ngày
làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến,
tổng cộng đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn,
có 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19
Bộ trưởng, 02 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả
lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối
phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung
thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi
chất vấn.
Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc,
cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các trưởng
ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch
Quốc hội yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ
chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội; Đẩy
mạnh việc triển khai thực hiện việc thanh toán không sử dụng tiền mặt cả ở khu
vực tư và khu vực công bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện
các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển
hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tín dụng vào
các lĩnh vực rủi ro cao.
Mặt khác, rà soát, nghiên cứu áp dụng
có chọn lọc việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng Việt Nam phù hợp
với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, khi thấy đủ điều
kiện thì dỡ bỏ quy định này;
Cùng với đó, sớm xem xét trình Chính
phủ sửa đổi Nghị định số 96, năm 2014 của Chính phủ về Quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo phù hợp
với tình hình thực tiễn.
CKH
Comments
Post a Comment