Dừng tưởng làm ngân hàng lớn là sướng! [Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang]



BIDV – ngân hàng nơi tôi đang làm việc - là ngân hàng có lịch sử hoạt động lâu năm, uy tín và chiếm thị phần tương đối lớn, tuy nhiên, không phải vì thế mà nhân viên chúng tôi có một công việc nhàn hạ. Bây giờ xa rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương” - khách hàng tự tìm đến Ngân hàng.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của hai tác giả Nguyễn Thị Hoài Thu - Phan Thị Lộc ( BIDV Bình Định) gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quangdo Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
---------------
Bước chân vào nghề ngân hàng như một mối duyên ngọt ngào, sau tuyển dụng chúng tôi may mắn làm việc với vị trí chuyên viên khách hàng, dịch vụ thương mại. Trải qua nhiều năm trong nghề, chúng tôi càng thấm thía nghề Ngân hàng - cái nghề lúc nào cũng quanh quẩn với đồng tiền mà ai cũng ví von “là Tiên, là Phật…”, tựa như nó có thể quyết định nhiều thứ, đến nỗi người ta phải đánh đổi nhiều thứ.

Bất kỳ khi nào nói về nhân viên làm việc ở Ngân hàng, ai cũng nghĩ rằng lương cao, ngồi mát, nhàn hạ,... có lẽ vì họ chỉ nhìn bề nổi chứ chưa biết nghề này thực sự rất áp lực. Chúng tôi thường nói với nhau “tâm lý vậy mà, người ta thường đứng núi này trông núi nọ”. Bản thân những người làm Ngân hàng nói chung như cán bộ quản trị, cán bộ thanh toán, kế toán…. thì những người làm tín dụng, dịch vụ thương mại như chúng tôi nói riêng, ai cũng phải làm việc cật lực, nhiều hôm bỏ cơm gia đình hoặc về quá trễ vì công việc ở cơ quan chưa xong, cuối tháng cuối quý đều chạy chỉ tiêu, thu nợ… xem khách hàng là thượng đế, luôn trong tình huống “làm dâu trăm họ”, những áp lực vô hình khiến nhân viên phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cũng làm Ngân hàng nhưng nếu là cán bộ Giao dịch viên, kế toán, ...công việc dù mất nhiều thời gian nhưng bù lại khi về nhà, họ có thể hoàn toàn không suy nghĩ, trăn trở. Công việc của chúng tôi thì ngược lại, chỉ cần một món vay nhỏ có phát sinh có thể làm cho chúng tôi lo lắng đến mất ngủ. Một hợp đồng tín dụng lỡ giải ngân sai, có thể đánh đổi bằng cả cuộc đời.

Những ngày tháng bắt đầu với nghề, chúng tôi như choáng ngợp với những văn bản, quy trình, quy định, quy chế cho vay, kèm theo đó là khối lượng công việc phải làm: tiếp thị khách hàng, thẩm định, phân tích ngành nghề, phân tích tài chính của khách hàng, phân tích rủi ro khách hàng có thể gặp phải, lập hồ sơ, thuyết trình với cấp trên, công chứng hồ sơ, sổ đỏ, giao dịch đảm bảo, giải ngân, kiểm tra sau vay, chịu trách nhiệm thu hồi nợ gốc lẫn lãi, đàm phán với khách hàng sử dụng dịch vụ Ngân hàng, tư vấn hoàn thiện hồ sơ thương mại, hợp đồng giao dịch an toàn tránh rủi ro, đôi khi vì bất cẩn mà những điều khoản nho nhỏ, nhưng sơ suất do đối tác cố tình “bẫy” sẽ trở thành vấn đề cần nhờ đến pháp luật xử lý…

BIDV – ngân hàng nơi tôi đang làm việc - là ngân hàng có lịch sử hoạt động lâu năm, uy tín và chiếm thị phần tương đối lớn, tuy nhiên, không phải vì thế mà nhân viên chúng tôi có một công việc nhàn hạ. Bây giờ xa rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương” - khách hàng tự tìm đến Ngân hàng. Trước sự cạnh tranh về lãi suất, dịch vụ, ưu đãi của các ngân hàng TMCP với mạng lưới nhân viên và hệ thống cộng tác viên phủ kín rộng khắp đã làm cho chúng tôi không khỏi đau đầu trong việc tiếp thị phát triển khách hàng mới cũng như giữ chân những khách hàng cũ.

Tiếp thị, phát triển khách hàng mới giữa thị trường hỗn loạn này thật không dễ dàng gì. Vì vậy, mỗi ngày chúng tôi làm việc với những phần công việc phát sinh thường xuyên đòi hỏi một sự nhanh nhẹn, tỉnh táo, tập trung khi tiếp cận khách hàng vì mỗi phần công việc đó đều chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn: khách hàng không uy tín, có ý đồ lừa đảo; giấy tờ tài sản giả, báo cáo tài chính giả, hóa đơn giả, công ty “ma”, hàng thế chấp trong kho giả, gian lận thương mại, hàng hóa không cập cảng... chỉ cần một phút sơ sót có thể bị lỗi sai quy trình nghiệp vụ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nếu tiếp thị khách hàng là một cuộc chiến cân não thì việc giữ nền khách hàng cũ để tiếp tục gắn bó với Ngân hàng lại là một cuộc chiến cam go đòi hỏi sự tinh tế và nhạy bén. Chúng tôi đã phải vận dụng tất cả sự khéo léo, nghệ thuật giao tiếp, tư vấn sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng, phương châm trở thành “người bạn đồng hành” đúng nghĩa, đem đến cho khách hàng những giải pháp tài chính tối ưu nhất.

Không dừng lại ở đó, ngoài những áp lực vì những công việc nghiệp vụ, chúng tôi còn nhiều nghiệp vụ khác phải thực hiện, như báo cáo thường xuyên, bán chéo sản phẩm, quản lý hồ sơ trên bản cứng và bản mềm, khắc phục lỗi tác nghiệp, phục vụ thanh tra, kiểm toán...

Trải nghiệm qua nghề ngân hàng đã không ít người xin nghỉ việc hay xin chuyển sang ngành nghề khác, vì họ cho rằng nghề ngân hàng bạc như vôi. Nếu cho vay thành công, lãi đều, thu nhập ấy là cả tập thể, cuối năm cán bộ đó có thể được bình bầu danh hiệu cá nhân. Nhưng một khi phát sinh một món vay bị quá hạn, nợ xấu, không thu hồi được dù là lỗi khách quan nhưng ảnh hưởng đến thu nhập chung, cán bộ ấy có thể bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có thể bị kỷ luật...

Chúng tôi không ai quên được những ngày làm việc cực kỳ căng thẳng, đi sớm về muộn, nhiều lúc vì công việc chưa xong, sau lớp cửa sắt ngân hàng, chúng tôi vẫn bám lại văn phòng, đối diện với những chồng hồ sơ giấy tờ trên bàn, chúng tôi đã từng cảm thấy mình lạc lõng giữa thế giới với những thứ phải vay, phải trả; lúc ấy chỉ quanh quẩn với câu hỏi : “dừng lại hay bước tiếp trên con đường mình đang đi?”. Một số người sẽ chọn con đường dừng lại để rẽ qua một lối đi khác ít chông gai, một công việc đơn giản với một mức lương chấp nhận được, ít áp lực, cũng có thể nói là khá nhàn hạ, còn chúng tôi lựa chọn sự tiếp tục dấn thân với đam mê sẵn có, sự tự tin, khát vọng được chinh phục; để từ đó bước sang tầm cao mới bởi những khó khăn đã làm cho chúng tôi trở nên vững vàng hơn, sẵn sàng đối mặt thử thách.

Có thể nói nghề Ngân hàng là một nghề thực sự phức tạp, bởi không chỉ đòi hỏi nhân viên phải có năng lực, kiến thức mà còn phải có một cái đầu lạnh, bản lĩnh và tỉnh táo để chống chọi với mọi cám dỗ. Chỉ một bước sa chân đã biến cán bộ Ngân hàng trở thành những kẻ tham lam, xấu xa lúc nào không hay, và họ phải trả giá bằng công việc, bằng danh dự của bản thân và gia đình, tù tội hoặc hủy hoại cuộc đời mình.

Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục với cái nghề mình đã chọn, vẫn theo cái nghiệp mà chữ duyên nợ đã sắp đặt vì đằng sau những khó khăn vất vả đó, chúng tôi nhận được thật nhiều tình cảm đồng nghiệp như tình anh chị em, chia sẻ nhau mọi khó khăn. Một lời động viên, một lời an ủi kịp thời của lãnh đạo hay những lời tâm sự về cuộc sống, về gia đình cùng anh em đồng nghiệp vào những buổi chiều muộn càng làm chúng tôi thêm tin vào Ngân hàng mình.

Đôi khi đồng cảm không tạo ra vật chất nhưng lại khiến chúng tôi cảm thấy được xích lại gần nhau hơn với những phút giây cùng nhìn về một hướng. Và hơn tất cả chúng tôi trưởng thành hơn và đạt được nhiều thành tựu xứng đáng với nỗ lực của mình, chúng tôi được trân trọng với danh hiệu chiến sỹ thi đua hàng năm, có cuộc sống no đủ và được quan tâm chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng theo chính sách của Ngân hàng. Thật xúc động và tự hào bởi sự đóng góp chúng tôi dù rất nhỏ bé nhưng luôn được ghi nhận. Chúng tôi hiểu những khó khăn đặt ra là thử thách ý chí và lòng quyết tâm của mỗi con người, kiên định theo đuổi chúng ta sẽ đạt được điều mình mong muốn và chúng tôi vẫn mãi là những cán bộ tận tâm với ngân hàng.




Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??