Ngoài sự lạnh tanh của dồng tiền, ngân hàng còn lại gì? [Nghề Tài chính ngân hàng: Thử thách và Vinh quang]

Vinh quang của người làm nghề có thể đó là những con số KPI khiến người khác phải trầm trồ, là số tiền thưởng khiến bao người ao ước, là những bằng khen, cơ hội thăng tiến có thể nhìn bằng mắt, sờ tận tay và cơ hội trao đều cho tất cả mọi người nhưng chỉ gọi tên một số ít người nào đó may mắn hơn.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của độc giả Hồ Thị Lương hiện công tác tại Ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank) chi nhánh Đông Anh gửi tới cuộc thi viết Nghề Tài chính ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức.
-----------------
Georg simmel (1858) – nhà xã hội học người Đức trong “Triết học về đồng tiền” từng viết: ngày trước tòa nhà cao nhất ở các đô thị là thánh đường, ngày nay là các …ngân hàng.

Điều đó cho thấy, ngân hàng giữ một vị thế quan trọng trong huyết mạch phát triển của xã hội. Điều này thực ra cũng dễ hiểu, khi mà ngân hàng là nơi tập trung của đồng tiền, là nơi giao thoa của dòng tiền. Mà để bàn luận về tiền thì chắc hẳn sẽ là câu chuyện rất dài và khó có hồi kết, nhưng mà để nói về sức mạnh của đồng tiền thì tất cả mọi người, dù có sự bài xích nó đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận nó vô cùng quan trọng.

Tiền được ca tụng, là niềm mơ ước và cả sự khinh bỉ và xa lánh. Nó ảnh hưởng đến từng sinh mệnh của từng cá nhân và quốc gia. Nó mang lại bao cung bậc cảm xúc khác nhau của con người.

Và không nơi nào có thể trở thành chứng nhân lịch sử tốt hơn chứng kiến điều đó: Ngân hàng.

Phải chăng, Ngân hàng bản chất chỉ có tiền và tiền. Ngoài sự lạnh tanh của tiền ra thì rốt cuộc ngân hàng chẳng có gì ngoài tiền?

Tôi đến với nghề trong những tháng ngày thanh xuân rực rỡ nhất của một đời người, trang giấy trắng ngần phủ đầy hương sắc tinh khôi, đầy háo hức chưa từng nếm trải cái gọi là khó khăn, thách thức trước đó cùng với một cái tôi luôn lớn hơn tất thảy cho tôi đủ tự tin về một hành trình mới.

Trái tim mơ mộng của tôi, cũng giống như tất thảy những người chưa từng một ngày làm việc trong ngân hàng đều mơ thấy viễn cảnh những con số to dần nhảy múa vui vẻ vào tài khoản mỗi kỳ lĩnh lương, là những bộ đồng phục quần là áo lượt thẳng nếp, là môi son má hồng nước hoa thơm dịu hiền.

Nhưng rất nhanh chóng cái nhiệt huyết của tuổi trẻ, cái nhiệt huyết lúc nào cũng sẵn sàng bùng cháy với một cái tôi lớn hơn hết thảy rơi vào vòng xoáy của hai chữ “thực tế”. Có lẽ không cần nói thêm, mọi người đều có thể đoán ra được sự hụt hẫng lớn đến nhường nào của tôi. Một thực tế là kết quả được cân đo đóng đếm bằng những con số rõ ràng, cụ thể chứ không phải là một thực tế của tôi.

Tôi đã thất vọng!

Nếu là bạn, bạn có thể hùng hồn mà đứng giữa thiên hạ cãi nhau tay đôi với sếp không và luôn khẳng định là mình đúng? Với cái tôi to chình ình che hết mọi thứ thì ý nghĩ đầu tiên xuất hiện chính là bỏ cuộc là nghỉ việc. Không khác gì một đứa trẻ chưa lớn, tôi có thể khóc tu tu một cách ngon lành không thể nào dừng được làm cho sếp tôi cũng phát hoảng theo. Để rồi, nhẫn nại chờ tôi khóc xong, sếp lại hỏi: còn muốn khóc tiếp nữa không?

Điều tuyệt vời nhất của tuổi trẻ đó chính là luôn cho phép chúng ta mắc sai lầm, hay nói chính xác hơn, tuổi trẻ luôn trao cho chúng ta có cơ hội sửa sai, có cơ hội remake lại chính mình.

Và tôi cũng vậy, đi qua những ngày tháng con trẻ, tôi dần thu hẹp cái tôi của mình, không ngừng tự học hỏi nghiệp vụ cũng như các kỹ năng mềm. Không ngừng cố gắng và tự điều chỉnh chính mình. Dần dần từ một người nóng vội luôn muốn được mọi việc giải quyết ngay tức khắc, theo ý mình. Tôi dần biết cách lắng nghe, tiếp cận và xử lý cẩn trọng, nhanh chóng, khéo léo và từng bước chinh phục các thử thách vẫn quyết liệt nhưng đầy bình thản.

Nhiều lúc chúng ta thích bắt lỗi của người khác, nhưng lại rất dễ tha thứ cho lỗi lầm của chính bản thân mình. Nhưng mà như bạn biết đấy, cái sai của một nhân viên ngân hàng, đôi khi chỉ là một giây lơ đãng, một dấu phẩy thôi, một số không thôi là kéo theo hệ quả khôn lường. Cái sai của một cá nhân kéo theo cả một hệ thống sửa lỗi và không phải cái sai nào cũng sửa được và không phải cái lỗi nào cũng được vá thành công. Đấy chỉ mới nói là cái sai khách quan thôi chứ chưa nói tới cái sai chủ quan,cố ý.

Cái quý giá nhất của tuổi trẻ, theo tôi, đó chính là trải nghiệm, là hoàn thiện chính bản thân mình, dù rất đau đớn nhưng nếu không bước qua thì không thể nào trưởng thành được. Và tôi, từ một đứa trẻ bốc đồng đã trưởng thành tự lúc nào cũng không hay. Là lúc khi bị sếp mắng thì im lặng lắng nghe, là lúc bị khách hàng mắng cho té tát không còn một giọt nước nào, dù lỗi thuộc về khách hàng, nữa vẫn cố nhẫn nhịn, chờ khách nói xong rồi mới bắt đầu “tâm sự” với khách? Là khi bị đồng nghiệp “nói xấu” sau lưng vẫn ung dung tự tại? Hay chính là lúc được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ cụ gìa bán rau ngoài chợ khi cầm được cuốn sổ tiết kiệm có 7 chữ số trên tay, lúc ấy thực lòng bản thân mình cũng thấy rất vui. Dù trước đó, cụ cứ ngồi tần ngần mãi, không dám gửi vì “đứa làm ở ngân hàng X nó bảo cụ, đừng gửi ngân hàng khác, không an toàn đâu, không rút được ra đâu, chỉ có gửi bên cháu mới an toàn thôi.”

Dòng tiền vào ngân hàng đủ mùi vị, đa sắc màu cũng y hệt như cuộc sống vậy thôi. Đó là những đồng tiền mới tinh nguyên seri, nếu không cẩn thận rất dễ bị đứt tay, là đồng tiền cũ đến mức không đủ tiêu chuẩn lưu thông nhưng được vuốt nếp cẩn thận, trước khi giao tay cho tôi đếm vẫn còn dấm dứ như tiếc nuối, là những đồng tiền còn dính vảy cá, là đồng tiền còn dính dáp vết dầu mỡ, là đồng tiền còn dính bột cám đi đóng tiền lãi vay…

Đồng tiền đi liền khúc ruột, tôi nhớ mãi lần khách hàng nộp tiền gửi tiết kiệm mà thiếu 20 triệu. Khách hàng nhất quyết không chịu, một lúc rồi gọi mày xưng tao, yêu cầu gặp sếp vì “không có lý gì đi từ nhà tới đây mà mất 20 triệu cả, mày làm ăn bố láo”. Rất may, tôi của ngày hôm đó đã không phải là đứa trẻ bốc đồng năm xưa mà đã là người được coi có kinh nghiệm. Sau khi năm lần bảy lượt nhờ khách hàng, kiểm tra lại túi xách của mình thì y như rằng còn một tập tiền 200.000 bị rơi ra.

Khách hàng thì ngại ngùng vì lỡ nói xúc phạm với nhân viên ngân hàng, còn tôi thực sự có choáng váng bất ngờ vì lần đầu tiên được chửi, nhưng thật lòng tôi không giận một chút nào. Vì nói cho cùng, kiếm được đồng tiền chẳng dễ dàng gì, trong khi hoảng loạn mấy ai có thể giữ bình tĩnh. Nhưng mình là nhân viên ngân hàng, nhiệm vụ của mình lúc đó không chỉ là giúp khách hàng bình tĩnh mà còn là gìn giữ hình ảnh của ngân hàng mình nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Đến nay, thay vì ý nghĩ bỏ việc của những tháng ngày chập chững đầu tiên, tôi đã kết duyên với nghề được gần chục năm.

Những ngày đội nắng đi phát tờ rơi, mồ hôi lã chã, những ngày bước chân ra khỏi cơ quan thì đèn đường đã lên tự bao giờ, những ngày ngồi làm không thể rời khỏi ghế để đi vệ sinh, đến nỗi phải xin phép khách quen “chị ơi, chờ em một chút được không chị, em nhịn không nổi nữa rồi?”. Để rồi, đến đêm về toàn thân mệt rã rời nhưng ngày mai khi mặt trời lên, nhìn lên ánh bình minh lại khoác lên một nụ cười xinh tươi chào ngày mới.

Nếu hỏi rằng, có thấy cực không? Có thấy tủi thân không? Nhất là khi mà các ngày lễ tết người ta vui vẻ khoác tay nhau đi chơi thì mình vẫn còn vật lộn trong những con số, đầu bù tóc rối sau khi đóng của giao dịch với khách hàng để làm nội bộ, là khi tìm đỏ mắt vẫn không thấy số tiền lệch 1 đồng là lệch ở chỗ nào. Là khi ôm bọc quần áo, ngồi canh cửa nhà khách hàng 3 ngày 3 đêm vẫn không thấy tăm hơi khách hàng đâu, mà ngày mai là hết hạn đóng lãi, không kịp thì thành nợ xấu.

Thì phải thật lòng trả lời là có.
Nhưng có hối hận không?
Cũng phải thật lòng trả lời là không.

Vinh quang của người làm nghề có thể đó là những con số KPI khiến người khác phải trầm trồ, là số tiền thưởng khiến bao người ao ước, là những bằng khen, cơ hội thăng tiến có thể nhìn bằng mắt, sờ tận tay và cơ hội trao đều cho tất cả mọi người nhưng chỉ gọi tên một số ít người nào đó may mắn hơn.

Tôi còn nhớ mãi cái bắt tay không dứt của một bác nuôi lợn với sếp của tôi khi đươc tạo điều kiện gia hạn khoản vay. Tôi nhìn thấy sự chân thành từ ánh mắt của bác và nụ cười hạnh phúc của sếp mình. Thỉnh thoảng lại được khách hàng “biếu” gói kẹo khi đi du lịch về, quả bưởi sau vườn nhà…đi chợ lại trở thành khách hàng của khách. Trong cơ quan tôi, có một bác còn nhất định dắt mối cô bé giao dịch viên cho con trai mình.

Với bất cứ ai làm bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, không có niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn thế, không có vinh quang nào lớn lao hơn thế. Sự tin tưởng, lòng yêu quý những thứ không thể gọi tên, không thể sờ bằng tay được, rất vô hình nhưng lại quá đỗi bền chặt và ngọt ngào.

Mà nếu không có một cái tâm sáng làm nghề thì tôi, chúng tôi, chúng ta chẳng thể nào có cơ hội chạm tay vào sợi dây vô hình đó.

Các bạn trẻ thân mến! Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng trong bất kỳ thời kỳ nào, Ngân hàng vẫn được lựa chọn là trung tâm, là “tòa nhà cao nhất”. Ở đó, không phải là cái lạnh lùng của tiền mà ở đó, chính bạn sẽ là người tiếp lửa sưởi ấm nhiệt huyết, niềm tin và xây tiếp những bậc cao mới.

Vậy bạn muốn đi ngoài mép rìa của trung tâm hay đi thẳng giữa lòng nó?

Hãy quyết định.

Đừng bỏ lỡ!

Hồ Thị Lương (BacABank Đông Anh)
Theo Trí thức trẻ






Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??