Hội thảo Quốc tế thường niên ngành Ngân hàng - tài chính lần thứ 7: Số hóa ngân hàng – Cơ hội đột phá 2018

Hội thảo Quốc tế thường niên ngành Ngân hàng - tài chính lần thứ 7: Số hóa ngân hàng – Cơ hội đột phá 2018

01/11/2018

Ngày 01/11/2018, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) đã đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế Thường niên ngành Ngân hàng Tài chính lần thứ 7 với chủ đề "Số hóa ngân hàng – Cơ hội đột phá". Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tới dự và chủ trì Hội thảo.
Hội thảo Quốc tế thường niên ngành Ngân hàng - tài chính lần thứ 7
Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo đến từ các Vụ, Cục thuộc NHNN; đại diện của các ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng (TCTD) trong và ngoài nước; đại diện các công ty công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Đặc biệt, Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như các đơn vị thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ công nghệ số hóa trong bối cảnh CMCN 4.0 đối với ngành tài chính ngân hàng, NHNN đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của ngành nhằm tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ mới cho ngành ngân hàng ở tất cả các mặt.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc Hội nghị
Thứ nhất, NHNN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm, định hướng chính sách nhằm tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh bảo mật cho ngành Ngân hàng; Tích cực hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ tài chính.
Thứ hai, bên cạnh việc hoàn thiện môi trường thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng công nghệ chung của toàn ngành cũng không ngừng được cải thiện. Việc tăng cường năng lực tiếp cận và bảo đảm an ninh bảo mật ngân hàng trong thời kỳ số hóa được ngân hàng rất quan tâm, chẳng hạn như thúc đẩy việc kết nối liên thông và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thanh toán; áp dụng các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất cho một số phương tiện và hệ thống thanh toán; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán mới, hiện đại như triển khai tiêu chuẩn quốc tế về an toàn dữ liệu thẻ PCI/DSS, công nghệ mã hóa số thẻ (tokenization)…
Mới đây, NHNN đã ban hành Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ và khuyến nghị các tiêu chuẩn cho thanh toán QR code để tăng cường khả năng kết nối liên thông khi thanh toán bằng QR code, giảm thiểu chi phí cho việc lắp đặt, sử dụng các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán.
Thứ ba, tăng cường công tác truyền thông dưới nhiều hình thức tọa đàm, Hội thảo và tổ chức triển khai nhiều nghiên cứu khoa học về các ứng dụng số hóa trong bối cảnh CMCN 4.0 trong ngành ngân hàng…
Nắm bắt được cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ và ứng dụng một số công nghệ, giải pháp mới như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học... để tạo ra một số dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số; đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro. Nhiều ngân hàng bước đầu đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ
Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn. Công nghệ số cũng là cơ hội để các quốc gia thúc đẩy Tài chính toàn diện (Financial inclusion), hướng tới việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức như đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực có trình độ cao, thách thức về an ninh bảo mật, về kiểm soát rủi ro, khả năng xử lý…
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh hy vọng rằng, trên cơ sở kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm phong phú của các chuyên gia quốc tế và thực tiễn sinh động trong triển khai chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số của các NHTM tại Việt Nam, Hội thảo sẽ làm rõ hơn cơ hội, thách thức gắn với số hóa ngân hàng, và đặc biệt là cách tiếp cận và những giải pháp, khuyến nghị cụ thể, khả thi cho ngành ngân hàng Việt Nam.
Nội dung của Hội thảo tập trung vào: i) Hiện trạng quá trình chuyển đổi số hóa của các ngân hàng Việt Nam; ii) Chia sẻ kinh nghiệm từ ngân hàng đa quốc gia và Giải pháp từ các hãng công nghệ lớn; iii) Hạ tầng công nghệ và các chính sách quản lý hỗ trợ thúc đẩy số hóa thành công.
Hội thảo là diễn đàn thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm triển khai số hóa từ các diễn giả của ngân hàng đa quốc gia, hãng công nghệ hàng đầu, tập đoàn tư vấn quốc tế chuyên ngành uy tín với các ngân hàng Việt Nam nhằm hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam triển khai ứng dụng thành công công nghệ 4.0 trong quản trị kinh doanh, gia tăng khả năng tiếp cận tài chính của khách hàng và mở rộng thị phần của ngân hàng, đồng thời quản trị tài năng và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
VA








Comments

Popular posts from this blog

Học việc, thử việc tại ngân hàng: Cuộc sống muôn màu

Xin hỏi định nghĩa về thoái thu và thoái chi??